Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam

Thứ hai, ngày 18 tháng 11 năm 2024 | 9:31

Hạt điều Việt Nam được dự báo sẽ lập kỷ lục xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay. Thế nhưng, báo động cũng được đưa ra cho ngành hàng này khi nguồn cung nguyên liệu lớn nhất là Campuchia đang phát triển thần tốc.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 609.000 tấn hạt điều, đạt kim ngạch gần 3,58 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu điều tăng 17,9% về lượng và tăng 21,4% về giá trị.

Giá bình quân xuất khẩu hạt điều trong 10 tháng qua đạt 5.867 USD/tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân trong gần hai thập kỷ qua. Dự báo, xuất khẩu điều của nước ta sẽ lập kỷ lục lịch sử trong năm nay khi thu về 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, thế mạnh này của nước ta đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp Việt đã chi gần 2,9 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 2,31 triệu tấn hạt điều thô trong 10 tháng qua, giảm 8,5% về lượng và giảm 1,1% về giá trị. 

Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 1.256 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện nguồn cung hạt điều cho Việt Nam chủ yếu đến từ Campuchia và châu Phi. Trong đó, giá trị nhập khẩu điều từ Campuchia lên tới 1,06 tỷ USD, nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà là 679 triệu USD, từ Ghana và Tanzania lần lượt gần 302 triệu USD và 90 triệu USD...

Theo đó, báo động cũng được đưa ra cho ngành hàng thế mạnh của Việt Nam khi nguồn cung nguyên liệu chính là Campuchia đang phát triển thần tốc.

Thương vụ Việt Nam tại Campuchia mới đây thông tin về việc quốc gia láng giềng này phát triển trồng điều một cách nhanh chóng theo hướng bền vững. 

Cụ thể, diện tích trồng điều tại Campuchia năm 2024 tăng lên 580.117ha, đứng thứ ba thế giới về diện tích canh tác điều. 

Đáng chú ý, Campuchia còn ra mắt tài liệu các vùng trồng điều để đảm bảo tất cả các bên liên quan đều có quyền truy cập vào thông tin và bản đồ chính xác về các vùng trồng, tạo điều kiện quản lý hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên đất nông nghiệp.

Theo ông Uon Silot - Chủ tịch Hiệp hội hạt điều Campuchia - bản đồ vùng trồng điều này rất quan trọng đối với các đối tác phát triển, tổ chức và công ty trong ngành, thúc đẩy họ đánh giá lại và điều chỉnh chiến lược của mình dựa trên dữ liệu rõ ràng để xây dựng các kế hoạch hiệu quả cho sự phát triển của ngành điều tại quốc gia này.

hat dieu

Nguồn cung điều thô nội địa chỉ bảo đảm 10-12% nhu cầu chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Ảnh minh họa: Hạt điều Bà Tư Bình Phước

Không chỉ vậy, một nhà máy chế biến điều có công suất 12.000 tấn/năm để xuất khẩu của Campuchia cũng chuẩn bị hoạt động từ tháng 12. Theo đó, lô hàng hạt điều chế biến đầu tiên sẽ được đóng gói rồi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Lãnh đạo Hiệp hội điều Campuchia cho biết, đến nay, thị trường chính cho hạt điều M23 cỡ lớn của Campuchia là Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước này không thể xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc mà thông qua Việt Nam, nơi mua gần 90% hạt điều thô của Campuchia.

Tuy nhiên, sau khi nhà máy trên đi vào hoạt động ổn định, Campuchia sẽ xuất khẩu điều nhân chế biến trực tiếp sang các tỉnh của Trung Quốc. Tiếp đó, hạt điều Campuchia sẽ nhắm vào thị trường Trung Đông, châu Âu...

Với mức tăng trưởng nhanh cả về trồng trọt lẫn xuất khẩu, lãnh đạo Hiệp hội điều Campuchia kỳ vọng, trong 5 đến 6 năm tới, họ có thể trở thành nhà sản xuất hạt điều lớn nhất thế giới. 

Việc Campuchia đẩy mạnh hoạt động chế biến để xuất khẩu điều nhân khiến vị thế số 1 của Việt Nam lung lay. Bởi, khi đẩy mạnh chế biến, quốc gia này sẽ giảm xuất khẩu điều thô. Trong khi ngành điều Việt mỗi năm nhập khẩu hàng triệu tấn điều thô từ Campuchia về chế biến. Tính đến hết tháng 10 năm nay, nước ta cũng đã nhập 815.200 tấn điều thô từ quốc gia láng giềng này.

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), diện tích trồng cây điều ở Việt Nam đang giới hạn ở mức 300.000ha, nguồn cung điều thô nội địa chỉ bảo đảm 10-12% nhu cầu chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, 88-90% phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu

VINACAS cảnh báo, ngoài Campuchia, nhiều quốc gia ở châu Phi cũng đẩy mạnh chế biến sâu điều nhân. Ngành điều Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu để chế biến. 

Ngoài ra, còn nhiều điểm bất cập trong vấn đề nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia châu Phi mà theo doanh nghiệp chế biến nếu không được tháo gỡ, ngành hàng thế mạnh này của nước ta rất có thể đứng trước nguy cơ “lụi tàn”.