Động lực giúp thị trường chứng khoán duy trì tăng trưởng?
(TBTCO) - Theo nhận định của chuyên gia, thông tin tích cực từ vĩ mô, với GDP quý II/2024 tăng trưởng mạnh mẽ thể hiện rõ xu hướng hồi phục của nền kinh tế và khả năng cao sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024. Sự phục hồi của nền kinh tế là động lực chính giúp thị trường chứng khoán tiếp tục sự tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024.
Xung quanh diễn biến của thị trường chứng khoán, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phòng Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam.
* PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã trải qua nửa năm 2024 với nhiều biến động theo chiều hướng tích cực. Ông có thể đánh giá khái lược về diễn biến của TTCK Việt Nam trong những tháng qua?
Tuy thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh mang yếu tố kỹ thuật khi chỉ số VN-Index gặp áp lực lớn khi tiếp cận vùng 1.300 điểm, nhưng xu hướng tăng trong trung và dài hạn của chỉ số VN-Index là khá rõ ràng.
|
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2024 chứng kiến sự phục hồi. Xu hướng này được dẫn dắt từ sự cải thiện trong kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sau giai đoạn khó khăn trong năm 2023.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đều có kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với năm 2023 và giai đoạn trước. Điều này hàm ý về sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang chịu một số áp lực từ tỷ giá, dòng vốn rút ra của nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, tác động từ những yếu tố này không đủ để thay đổi xu hướng tăng của thị trường.
* PV: Giai đoạn hiện tại, sau khi đánh mất mốc 1.300 điểm thị trường giao dịch giằng co và biến động trong biên độ hẹp. Trong thời gian tới, đâu là những thông tin tích cực có thể hỗ trợ thị trường, thưa ông?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Các yếu tố vĩ mô, cơ bản đều đang hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường. Đầu tiên là sự phục hồi của nền kinh tế, theo đó sau khi đạt đáy trong quý I/2023, tăng trưởng GDP đạt mức thấp 3,32%, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi và hiện tăng trưởng 6,93% trong quý II/2024. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để hỗ trợ cho sự phục hồi này.
Đặc biệt, dòng vốn FDI có xu hướng quay trở lại Việt Nam, khi giải ngân FDI có xu hướng đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Những yếu tố cơ bản này sẽ là động lực chính hỗ trợ cho xu hướng tăng trong trung và dài hạn của thị trường.
Sự phục hồi của nền kinh tế là động lực chính giúp thị trường chứng khoán tiếp tục sự tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024. Ảnh: Duy Dũng |
*PV: Ngoài những thông tin tích cực ông vừa chia sẻ ở trên, thị trường sẽ còn phải đối mặt với những yếu tố rủi ro nào?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Có hai rủi ro lớn với thị trường ở giai đoạn này là vấn đề tỷ giá và áp lực từ khối ngoại. Đầu tiên khối ngoại đã bán ròng 52 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE trong 6 tháng đầu năm 2024. Xu hướng này đã bắt đầu tư đầu năm 2023 và áp lực ngày càng gia tăng. Dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại không quá lớn, nhưng phần nào cũng có thể tạo áp lực đến thị trường.
Bên cạnh đó, vấn đề tỷ giá cũng nên được quan sát. Theo đó, Việt Nam có kim ngạnh xuất nhập khẩu cao. Vì thế, việc giữ tỷ giá ổn định là điều cần thiết để không tạo áp lực lên sự tăng trưởng chung. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ giá liên tục có xu hướng tăng, tăng 4,2% so với đầu năm 2024. Mặc dù hạ nhiệt trong thời gian gần đây, nhưng nếu xu hướng tăng trở lại thì áp lực lên toàn bộ nền kinh tế sẽ không nhỏ.
* PV: Ông dự báo như thế nào về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II và nửa đầu năm. Nhà đầu tư có thế lựa chọn những nhóm ngành nào để đón cơ hội tăng trưởng và bứt phá trong nửa cuối năm 2024?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Hiện nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và phục hồi khá tốt, vì thế kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có sự cải thiện trong giai đoạn tới. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II và nửa đầu năm sẽ khả quan. Các ngành có thể ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng có thể kể đến như vật liệu xây dựng, hàng không, công nghệ thông tin, dầu khí… Tuy nhiên, giá cổ phiếu một số ngành đã phản ánh sự tích cực này nên cơ hội đã bị thu hẹp đi khá nhiều.
Một số nhóm cố phiếu có thể bứt phá trong nửa cuối năm 2024 có thể là vật liệu xây dựng, hàng không, bất động sản khu công nghiệp. Cụ thể, với vật liệu xây dựng là câu chuyện nhu cầu gia tăng khi thị thị trường bất động sản phục hồi. Thêm vào đó, việc tăng cường đầu tư công cũng sẽ là động lực không nhỏ với ngành này.
Với cổ phiếu hàng không là câu chuyện liên quan đến mùa cao điểm du lịch và sự phục hồi chung cả cả ngành hàng không sau đại dịch Covid-19.
Cuối cùng là bất động sản khu công nghiệp, câu chuyện của ngành sẽ liên quan đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dòng vốn FDI vào Việt Nam và Luật Đất đai có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp trong ngành thực hiện các dự án mới.
* PV: Dự báo của ông về diễn biến của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Tuy thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh mang yếu tố kỹ thuật khi chỉ số VN-Index gặp áp lực lớn khi tiếp cận vùng 1.300 điểm, nhưng xu hướng tăng trong trung và dài hạn của chỉ số VN-Index là khá rõ ràng.
- Cơ hội nào cho VN-Index trong giai đoạn cuối năm 2024?
- Tăng trưởng lợi nhuận và lãi suất thấp là động lực cho thị trường chứng khoán
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?