Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Thứ bảy, ngày 11 tháng 3 năm 2023 | 16:48

Để bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế nhận định, thúc đẩy tiêu dùng được xem là 1 trong 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế hiện tại.

Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19 và khủng hoảng toàn cầu, đối mặt với tình trạng suy giảm trong năm 2023. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào tiêu dùng.

Báo cáo tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm vừa được công bố tiếp tục cho thấy sức phục hồi ổn định từ khu vực bán lẻ, dịch vụ, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. 

Cắt giảm chi phí, thắt lưng buộc bụng..., là cách giúp Saigon Co.op có doanh thu năm 2022 tăng hơn so với năm trước. Trong đó mảng thương mại điện tử lần đầu ghi nhận đạt gần 4% tổng doanh thu, tương ứng hơn 1.200 tỷ đồng. Tiếp tục mở rộng kênh trực tuyến là cách doanh nghiệp ứng phó với rủi ro sức mua sụt giảm hiện nay. 

"Thương mại điện tử không phải là công cụ để tăng tổng cầu lên, nhưng lại là công cụ để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, đảm bảo đáp ứng khi người tiêu dùng dịch chuyển từ kênh truyền thống, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết.

Qua 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các cấu phần liên quan đến tiêu dùng du lịch có mức tăng mạnh từ 30% đến hơn 120%.

Theo giới chuyên gia, trong lúc các trụ cột tăng trưởng xuất khẩu" gặp khó và "đầu tư" cần thời gian để lan tỏa, thì việc thúc đẩy trụ cột "tiêu dùng" sẽ tạo ra bệ đỡ cho tăng trưởng, nhờ lợi thế thị trường tiêu dùng nội địa trăm triệu dân.

"Sức mua của thị trường nội địa vẫn còn, như vậy các trung tâm kinh tế lớn của các đô thị lớn của Việt Nam sẽ có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của cả nước, vì vậy cần đảm bảo thị trường thông thoáng, môi trường kinh doanh ổn định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định.

Các chuyên gia đánh giá, ngay từ thời điểm đầu năm, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời như giảm thuế, phí để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo đó, “Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023” được tổ chức ngay trong đầu tháng 2/2023 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại hội nghị, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Đồng thời, chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/