Đồng tiền "cầm đằng chuôi"
Cần động viên nhau, chúc nhau "bình an và may mắn", tiền chưa kiếm lúc này sẽ kiếm lúc khác, đồng tiền an toàn nhất, quý nhất vẫn là tiền sinh ra từ bàn tay lao động và khối óc. Còn người là còn của!
Dịp cuối năm ở quê, có người bà con trở về từ miền Nam tâm sự với tôi rằng: Trừ những người có của ăn của để mang tiền đi đầu tư nhà đất, cổ phiếu… chứ còn với phần lớn người lao động như anh, muốn giàu được trong hoàn cảnh bây giờ, không trộm cắp hay sa vào kinh doanh, buôn bán trái phép thì chỉ có "trúng số" mới đổi phận được.
Ai trong chúng ta mà chẳng có lần mong trúng số, nhất là những khi không may rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính hay công việc không thuận lợi. Một khoản tiền trên trời rơi xuống thường được coi như là cách giải cứu khỏi những rắc rối, lo toan hiện hữu. Ít nhất thì việc trúng số cũng là cách giàu lên hợp pháp! Đó dường như là phần thưởng từ số phận rủi may, ít đánh đổi bằng công sức lao động, tựa như Lọ Lem mà cưới được hoàng tử vậy.
Thực tế là hàng ngày, hàng tuần, các công ty xổ số đều công bố có người trúng thưởng - dù tỉ lệ là cực kỳ nhỏ. Thỉnh thoảng, có người trúng độc đắc hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, những con số mà các nhà kinh doanh buôn bán có khi cả đời mới tích lũy được.
Tuy nhiên, lời nguyền với những người trúng số lại thường ít chệch. Một bài viết trên Dân trí ngày 16/1 đã tổng hợp 5 lý do để con người ta nên suy nghĩ lại về giấc mơ trúng số, bởi trúng số không hẳn tốt đẹp như những gì mà ta tưởng tượng. Theo đó, đa số họ đều giàu sang trong chốc lát rồi phá sản hoặc rơi vào cùng quẫn, đánh mất bản thân, tan vỡ gia đình và đánh mất các mối quan hệ xã hội.
Thực tế, theo quan sát của người viết thì có thể người trúng số không nhiều nhưng người có "tư duy trúng số", "đánh quả" lại rất phổ biến.
Ngoài xổ số, có người còn cố tìm đường làm giàu từ lô đề, cờ bạc, mà kênh làm giàu này thì 100% là không thể, cũng chẳng cần chứng minh làm gì vì các cụ có câu "cờ bạc là bác thằng bần" còn thực tế thì đầy rẫy!
Trong đầu tư chứng khoán, ai đã qua giai đoạn 2007-2010 hẳn cũng đã chứng kiến có người giàu lên chóng vánh và cũng có người phá sản, mất hết toàn bộ chỉ sau một đêm. Ngay tuần vừa rồi, rất nhiều người "đu đỉnh" đầu cơ cổ phiếu "nóng" cũng đang phải trải qua chuỗi ngày đen tối nhất vì cổ phiếu mất thanh khoản và "khóa sàn" (không có cơ hội thoát) suốt nhiều phiên liên tiếp.
Rồi bất động sản nóng lên, cũng có những gia đình thu được khoản tiền đền bù rất lớn hoặc trở thành tỷ phú nhờ bán đất thừa kế hay đầu cơ "lướt ván". Thế nhưng, khó có ai "giàu xổi" mà có thể gia tăng được tài sản và trở thành đại gia, doanh nhân, doanh nghiệp lớn.
"Tiền nhiều để làm gì?" - một câu hỏi kinh điển và không hề ngớ ngẩn. Kiếm tiền là khó nhưng sử dụng tiền (tiêu sản hay tích sản, đầu tư) cũng khó khăn không kém.
Chỉ khi người ta có hoạch định rõ ràng về tài chính, xác định được ý nghĩa, mục tiêu cuộc sống, cách sử dụng tiền làm công cụ để phục vụ cho những điều đó thì mới không bị đồng tiền điều khiển.
Điều này tưởng dễ mà không dễ. Không phủ nhận tiền mang lại rất nhiều giá trị, vai trò của tiền là rất quan trọng, hỗ trợ để chúng ta có được một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, giúp đỡ được người khác, nhưng tiền cũng có thể thao túng và hủy hoại phẩm giá con người, trong đó có cả những người từng đã có rất nhiều tiền phải vướng vào lao lý.
Chỉ còn ít ngày nữa là Tết. Tết năm nay có lẽ buồn hơn với đa số người dân lao động. Nhiều người đã mất việc. Nhiều người bị cắt giảm thu nhập, lương thưởng Tết trở nên xa xăm và… vô vọng. Nhiều người còn mang bệnh tật và gánh thêm nợ nần. Tiền là một sự "ám ảnh".
Vậy nhưng lúc này, có lẽ cần động viên nhau, chúc nhau "bình an và may mắn", tiền chưa kiếm được lúc này sẽ kiếm lúc khác, đồng tiền an toàn nhất, có giá nhất vẫn là tiền sinh ra từ bàn tay lao động và khối óc. Còn người là còn của!
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/dong-tien-cam-dang-chuoi-20220117074645148.htm
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá