Dòng tiền đầu tư vào các quỹ chủ động có sự phân hoá rõ rệt trong tháng 11

Thứ ba, ngày 10 tháng 12 năm 2024 | 10:53

- Trong tháng 11 vừa qua, các quỹ ETF tăng cường rút vốn mạnh mẽ với tổng giá trị lên đến 1.480 tỷ đồng sau 2 tháng chậm lại so với mức 700 tỷ đồng của tháng 9 và 300 tỷ đồng của tháng 10. Các quỹ chủ động cũng có diễn biến giao dịch phân hóa khi các quỹ đầu tư chỉ vào Việt Nam giảm rút ròng xuống còn khoảng 500 tỷ đồng. Các quỹ đầu tư đa quốc gia tiếp tục rút ròng mạnh với 1.200 tỷ đồng, đẩy tổng mức rút ròng của các quỹ chủ động trong tháng lên 1.700 tỷ đồng.

Quỹ chủ động đối mặt thử thách

Trong báo cáo phân tích chiến lược mới nhất của SSI Research, các chuyên gia cho biết tháng 11 đã chứng kiến làn sóng rút vốn mạnh mẽ từ các quỹ ETF, với tổng giá trị lên đến 1.480 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 700 tỷ đồng của tháng 9 và 300 tỷ đồng của tháng 10.

Đây là tháng rút ròng liên tiếp thứ 11 trong năm 2024, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm lên 22.780 tỷ đồng, tương đương 30% tổng tài sản của các quỹ ETF, kéo tổng tài sản về mức 56.500 tỷ đồng.

Dòng tiền đầu tư vào các quỹ chủ động có sự phân hoá rõ rệt trong tháng 11
Nguồn: EPFR, SSI Research.

Áp lực rút vốn từ các quỹ đầu tư Mỹ và châu Âu gia tăng mạnh mẽ trong tháng 11, nổi bật với các quỹ như: VanEck và Xtrackers FTSE Vietnam ETF, với giá trị rút ròng lần lượt là 642 tỷ đồng và 214 tỷ đồng. Diễn biến này phản ánh xu hướng dòng tiền rút mạnh tại các thị trường đang phát triển.

Trong khi đó, các quỹ nội địa như DCVFM VN30, DCVFM VNDiamond và MAFM VNDIAMOND ETF cũng ghi nhận sự đảo chiều với giá trị rút ròng lần lượt là 301 tỷ đồng, 204 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.

Giao dịch từ cả nhóm quỹ chủ động và ETF trong tháng 11 cho thấy xu hướng rút ròng tiếp tục chi phối tại các thị trường đang phát triển, trong bối cảnh dòng tiền toàn cầu vẫn đổ dồn sự chú ý vào thị trường Mỹ. Triển vọng tháng 12 vì thế chưa tạo ra nhiều kỳ vọng tích cực.

Trái ngược với xu hướng chung, quỹ Fubon đã cho thấy sự cải thiện đáng kể sau 6 tháng liên tiếp bán ròng, với giá trị rút ròng giảm xuống chỉ còn 28 tỷ đồng trong tháng 11.

Quỹ SSIAM VNFIN Lead cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực khi dòng vốn vào ròng nhẹ 16 tỷ đồng sau 8 tháng rút ròng. KIM Growth VN30 là quỹ duy nhất duy trì được dòng vốn vào ổn định trong nhiều tháng qua, đạt mức tăng 34 tỷ đồng.

Tín hiệu lạc quan hơn đến từ quỹ Fubon, quỹ ETF lớn nhất trên thị trường Việt Nam, trong nửa cuối tháng 11, cùng với việc Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Nghị định 155. Dự thảo mới này cho phép các công ty chứng khoán đăng ký làm tổ chức tạo lập thị trường cho chứng chỉ quỹ ETF, nhằm tạo thanh khoản cho các quỹ ETF nội và mở ra nhiều cơ hội cho các quỹ mới niêm yết trên thị trường.

Về dòng tiền vào các quỹ chủ động, làn sóng rút vốn diễn ra mạnh mẽ nhất ở các quỹ đến từ Mỹ và châu Âu, như quỹ đầu tư chủ động vào Việt Nam giảm rút ròng xuống chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng, trong khi các quỹ đa quốc gia tiếp tục rút ròng mạnh với giá trị 1.200 tỷ đồng, đẩy tổng mức rút ròng từ các quỹ chủ động lên 1.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một điểm sáng là kết quả tích cực sau một tháng triển khai sản phẩm NPS, cùng với những đánh giá khả quan từ FTSE Russell. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng tiền ngoại trở lại Việt Nam vào năm 2025, khi các nhà đầu tư toàn cầu dần chuyển dịch tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi.

Dòng tiền tìm đến cổ phiếu nhỏ

Trong khi đó, cũng theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực trong tháng 11. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng do biến động tỷ giá và áp lực từ dòng tiền rút ròng của khối ngoại. Dù vậy, lực cầu đã được đẩy mạnh ở các vùng giá thấp, giúp chỉ số VN-Index thu hẹp mức giảm chỉ còn 1,1% so với cuối tháng 10, kết phiên 29/11 đạt 1.250,5 điểm.

Dòng tiền đầu tư vào các quỹ chủ động có sự phân hoá rõ rệt trong tháng 11

Dòng tiền tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu có quy mô vừa và nhỏ, nhất là các nhóm có yếu tố hỗ trợ. Trong khi nhóm viễn thông, nhờ đóng góp lớn từ một vài cổ phiếu nổi bật, tăng mạnh tới 22,05%, các nhóm hàng tiêu dùng, dịch vụ công nghiệp, bảo hiểm, du lịch, giải trí đều ghi nhận mức tăng mạnh.

Tính chung từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 88.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại vẫn đạt xấp xỉ 21% vào cuối tháng 11, dù sụt giảm so với năm 2023 nhưng vẫn cao hơn so với các năm trước.

Ngược lại, nhóm ngân hàng giảm 2% với một số mã giảm mạnh do lo ngại về chính sách gia hạn thông tư 02. Nhóm chứng khoán là nhóm có hiệu suất kém nhất, ghi nhận sự điều chỉnh từ các mã lớn.

Thanh khoản trên sàn HOSE trong tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm, với giá trị giao dịch chỉ đạt 12.200 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền nghiêng về nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi tỷ trọng giao dịch ở nhóm VN30 suy giảm do sự thu hẹp giao dịch ở nhóm ngân hàng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tháng 11 với giá trị gần 12 nghìn tỷ đồng, gồm 9.500 tỷ đồng qua khớp lệnh và 2.500 tỷ đồng qua thỏa thuận. Dù bán ròng mạnh, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại vẫn chiếm 13,92%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2023.

Khối ngoại bán ròng chủ yếu ở nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính và thực phẩm đồ uống, gây áp lực lên giá cổ phiếu. Trong khi đó, một số nhóm như hàng tiêu dùng và bảo hiểm ghi nhận sự mua ròng nhẹ./.

\