Dòng tiền nội tiếp tục trợ lực, giữ đà tăng của thị trường chứng khoán
Bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, thị trường chứng khoán ghi nhận đà tăng tốt cả về mặt điểm số và thanh khoản nhờ vào dòng vốn nội. Các chuyên gia cho rằng, dòng vốn nhà đầu tư cá nhân trong nước được cho là động lực chính giúp thị trường giữ được đà tăng, trong bối cảnh dòng tiền ngoại có sự “lệch pha”.
Nhiều nhà đầu tư mong đợi vào việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Dòng vốn nội đang “cân” cả thị trường
Theo số liệu thống kê, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng 35.844 tỷ đồng, lớn hơn lượng bán ròng 22.800 tỷ đồng cả năm 2023. Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp diễn trong tuần đầu tháng 6. Điều này cho thấy, động thái bán ròng của khối ngoại đã kéo dài từ năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, thanh khoản bình quân phiên kể từ đầu năm đạt 25.237 tỷ đồng, tăng 44% so với mức bình quân của năm 2023 và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi khối ngoại trở thành bên bán ròng mạnh nhất thì nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò cân bằng và hỗ trợ thị trường chung.Việc khối ngoại bán ròng có thể từ nhiều nguyên nhân, bao gồm sự xoay chiều của dòng vốn do biến động tỷ giá, khiến đồng nội tệ mất giá so với USD. Sự biến động này làm tăng rủi ro tổng thể cho khối ngoại khi đầu tư vào chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, khối ngoại có thể bán ròng do họ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia có lợi suất chứng khoán hấp dẫn hơn. Việc bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn này, ngoài việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, còn đến từ việc rút vốn của các quỹ ETF lớn.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư nước ngoài có chiến lược riêng hoặc trong giai đoạn tái cơ cấu danh mục. Bên cạnh đó, khi tỷ giá tăng họ mua vào sẽ không có lợi, do đó buộc họ phải bán ròng.
Ngoài ra, ở các thị trường khác có mức tăng trưởng tốt hơn so với thị trường Việt Nam, ví dụ như: Châu Âu, Mỹ, các thị trường khác ở châu Á cũng tăng mạnh như Hàn Quốc, Đài Loan... tạo ra sức hút dòng tiền trên thế giới về.
Theo chuyên gia, rất khó lý giải một cách chính xác về động thái của khối ngoại cũng như vì sao khối ngoại thường có sự “lệch pha” so với dòng tiền trong nước. Tuy nhiên, nếu nhìn lại 10 năm nay, có thể thấy, giai đoạn 2013 - 2016, dòng vốn ETF mới vào Việt Nam, diễn biến thị trường thường tăng giảm theo những chu kỳ ra vào của dòng vốn ETF. Giai đoạn 2016 - 2019, dòng vốn mới khởi nguồn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam rất mạnh, đẩy thị trường có lúc lên lại 1.200 điểm và quy mô đạt đỉnh ở mức 80.000 tỷ đồng. Từ năm 2020 - 2024 là giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài bán ròng là chủ đạo.
Tiềm lực của khối nội còn rất lớn
Ngoài ra, theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSD), tài khoản nhà đầu tư vào cuối tháng 5 đạt gần 7,94 triệu (riêng số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 7,87 triệu tài khoản). Đây là số lượng cao nhất từ trước tới nay và là tháng thứ 6 liên tiếp tài khoản chứng khoán tăng không ngừng.
So với tháng trước, thị trường đón thêm 132.220 tài khoản. Trung bình mỗi ngày, chứng khoán ghi nhận khoảng 4.265 tài khoản cá nhân và tổ chức mới gia nhập. Nhà đầu tư trong nước đông đảo được xem là lực đối kháng trước xu hướng bán ròng của khối ngoại, tạo bệ đỡ để thị trường đi lên.
Bên cạnh số lượng tài khoản của nhà đầu tư không ngừng tăng thì lượng tiền trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán vẫn đang ghi nhận gia tăng, số dư tiền mặt tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối tháng 5/2024 ước vượt mức 104.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư chứng khoán cũng được thúc đẩy mạnh. Dư nợ margin tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối tháng 5/2024 ước tính hơn 200.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng suốt từ năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 mà thị trường không giảm sâu là nhờ khối nội cân hết lực bán của khối ngoại, điều đó cho thấy sức tiền trong dân còn nhiều.
Bên cạnh đó, số tiền của nhà đầu tư trong tài khoản chứng khoán cũng rất lớn chưa giải ngân, chưa tính tiền gửi tiết kiệm. Việc bán ròng của khối ngoại ảnh hưởng đến tâm lý, cũng ảnh hưởng cung cầu thị trường trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, lực mua của khối nội sẽ là đối trọng lớn để cân lượng bán ra của khối ngoại, giúp thị trường chinh phục mốc 1.300 điểm trong phiên giao dịch ngày 12/6 vừa qua.
Cũng theo ông Phương, dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều và mua ròng trở lại khi FED giảm lãi suất, sức hấp dẫn trái phiếu Mỹ không còn, dẫn đến dòng vốn đầu tư trên thế giới sẽ tìm đến thị trường có sức hấp dẫn hơn như những thị trường mới nổi, thị trường cận biên.
Bên cạnh đó, sau khi các quỹ bán ra để tái cấu trúc danh mục, các quỹ đầu tư sẽ phải giải ngân lại vào những cổ phiếu được đánh giá là tiềm năng.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mong đợi vào việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, sẽ tạo ra một sức hút lớn cho nền kinh tế và thúc đẩy khối ngoại mua trước để đón đầu cơ hội.
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức