Đột quỵ tuổi 30 do dị dạng mạch máu não
Người phụ nữ 37 tuổi, đang về quê chơi Tết thì đau đầu, buồn nôn, nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê, liệt nửa người phải.
Người nhà đưa chị vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu, chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy hình ảnh xuất huyết não, phù não. Bệnh nhân được phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ sau đó chuyển đến Khoa Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bác sĩ Tạ Đức Thao (Khoa Đột quỵ) cho biết hình ảnh chụp CT sọ não và mạch máu não phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não. Bệnh nhân được kíp bác sĩ nút khối dị dạng mạch máu ngăn nguy cơ vỡ tái phát. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân còn nặng, thở máy, hôn mê.
Bác sĩ cho biết dị dạng mạch máu não ở người trẻ do bẩm sinh. Theo thời gian, bất thường mạch ngày càng phát triển tăng lên về kích thước, dưới tác dụng của áp lực dòng máu, các thành mạch chỗ bất thường ngày càng mỏng đi, căng lên, đến một lúc nhất định sẽ vỡ.
"Thời tiết là một trong những yếu tố thúc đẩy", bác sĩ nói. Khi trời lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn, dẫn tới áp lực tại mạch máu não tăng cao đột ngột, gây ra vỡ dị dạng mạch máu não.
Hình ảnh chụp CT sọ não bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bác sĩ Thao nhận định trước đây khi nói đến bệnh đột quỵ chúng ta thường nghĩ đây là bệnh của người cao tuổi tuy nhiên hiện nay tại Khoa Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 các bệnh nhân trẻ như vậy bị đột quỵ hiện không phải hiếm gặp. Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cấp cứu khoảng 3.000 ca đột quỵ, trong đó 15% là bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ tuổi, trong đó, dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cháy máu não, tỷ lệ tử vong rất cao. Trước khi vỡ mạch máu, bệnh nhân thường có triệu chứng đau đầu, điều trị không khỏi. Trường hợp dị dạng lớn gây chèn ép não thì người bệnh có thể bị bại liệt tay chân. Khi vỡ mạch máu, các triệu chứng đau đầu dữ dội, huyết áp tăng, nôn, liệt nửa người, loạn ngôn hoặc không nói được, nhiều trường hợp ý thức bình thường hoặc mơ màng, bị hôn mê...
Dị dạng mạch máu não có thể bẩm sinh (AVM) hoặc hình thành theo thời gian (phình mạch não). Hai phương pháp khảo sát mạch não là chụp cộng hưởng từ mạch máu não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não là phổ biến nhất. Nếu phát hiện dị dạng mạch, các bác sĩ có thể điều trị nút mạch chủ động trước khi dị dạng bị vỡ. Hiện tại các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên đều trang bị cả hai loại máy này, chi phí một lần chụp cũng không quá đắt tiền. Phần lớn bệnh nhân dị dạng mạch máu não không có triệu chứng, phát hiện khi dị dạng mạch đã vỡ, điều trị khó khăn, nếu không cấp cứu kịp thời gây nguy hiểm tính mạng.
Để tránh biến cố đe dọa tính mạng, bác sĩ khuyên không chỉ người cao tuổi cần chụp kiểm tra mạch máu não mà người trẻ cũng nên chụp tầm soát, đặc khi có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, co giật tái phát nhiều lần.
Nguồn VnExpress.net
https://vnexpress.net/dot-quy-tuoi-30-do-di-dang-mach-mau-nao-4426776.html
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hà Nội: Số ca mắc sởi, sốt xuất huyết trong tuần cao nhất từ đầu năm
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt