Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở phải lắng nghe nhiều hơn
Theo ông Lê Văn Cương, Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cần tổ chức thêm nhiều hội thảo, trong đó cần lắng nghe nhiều hơn ý kiến của chính quyền, cấp ủy các xã, phường…
Sáng nay (8/2), tại Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Tham dự hội thảo có các đại diện trong và ngoài lực lượng công an nhân dân gồm Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Nguyên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Công an. Các lãnh đạo các đơn vị công an nhân dân và các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực.
Trung tướng Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân cho biết, hội thảo nhận được sự quan tâm sâu rộng của các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến việc tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.
Trung tướng Trần Vi Dân. Ảnh: Đoàn Bổng |
Theo Trung tướng Dân, hội thảo tập trung vào năm mục tiêu trọng tâm gồm: xác định vị trí vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và sự cần thiết xây dựng dự án luật. Hai là xác lập những luận cứ khoa học của việc xây dựng dự án luật.
Ba là phân tích, đánh giá về thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở hiện nay.
Bốn là làm rõ cơ sở thực tiễn của việc xây dựng dự án luật. Năm là phân tích, đánh giá vấn đề củng cố, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.
“Kết quả hội thảo khoa học này sẽ góp phần cung cấp thêm những luận cứ hữu ích phục vụ cho Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền tham vấn trong quá trình xây dựng và ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, Trung tướng Trần Vi Dân khẳng định.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở được xây dựng tập trung 3 lực lượng gồm công an xã, dân phòng và bảo vệ dân phố.
Để phát huy vai trò của ba lực lượng trên, theo Trung tướng Anh, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện hệ thống, chính sách đối với lực lượng trên.
“Bên cạnh những đóng góp nhất định của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, theo tôi thực tế cho thấy còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, về hệ thống pháp lý đang làm những văn bản dưới luật; sau khi công an chính quy về xã, lực lượng công an xã bán chuyên trách ở một số địa phương còn gặp khó khăn...”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh. Ảnh: Đoàn Bổng |
Để góp phần nhanh chóng xây dựng ban hành luật, Trung tướng Anh nêu một số giải pháp cụ thể, gồm: bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở; hai là tiếp tục pháp điển hóa nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động của công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng.
Phải lắng nghe nhiều hơn tiếng nói cơ sở
Tại hội thảo, ông Lê văn Cương, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an đề xuất sửa đổi tên đề án luật từ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cở sở thành Luật Bảo vệ an ninh trật tự cơ sở. Theo ông, việc đổi tên này bao quát hơn, rộng hơn, bao hàm toàn bộ các vấn đề an ninh trật tự cơ sở và đáp ứng được mục tiêu mà luật hướng đến.
Phân tích về yếu tố lý luận và thực tiễn để xây dựng luật này, ông Lê Văn Cương dẫn chứng các điều 53, 78, 79 của Hiến pháp. Ngoài ra, ông Cương viện dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định vai trò của mọi công dân trong việc giúp chính quyền bảo đảm an ninh trật tự; vì việc đảm bảo an ninh trật tự “trực tiếp quan hệ lợi ích của bản thân mỗi người”.
Ông Lê Văn Cương trả lời VietNamNet bên lề hội thảo. Ảnh: Đoàn Bổng |
Để dự án luật bám sát thực tiễn, ông Cương đề nghị cần tổ chức nhiều hội thảo, trong đó các hội thảo cần tập trung lấy ý kiến của các bí thư, chủ tịch, công an cấp xã ở ba khu vực gồm thành phố, đồng bằng và miền núi.
“Riêng xã Mường Toong (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) có diện tích hơn 402km2, con số này của toàn tỉnh Bắc Ninh là hơn 700km2. Việc đi từ đầu xã đến cuối xã phải mất đến 2 ngày. Do đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự”, ông Cương dẫn chứng. Nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược cho rằng, việc xây dựng dự án luật phải lắng nghe nhiều hơn tiếng nói từ cơ sở.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học phát biểu các ý kiến liên quan đến dự án luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Các ý kiến đều cho rằng, tính cấp thiết phải ban hành luật và xác định rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong việc đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Nguồn Vietnanmnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/du-an-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-co-so-phai-lang-nghe-nhieu-hon-814072.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam