Dự án đất ở không hình thành đơn vị ở có thể được cấp sổ
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện tỉnh và Tổ công tác Chính phủ có đề xuất về việc cấp sổ cho các căn hộ thuộc dự án có đất ở không hình thành đơn vị ở và đang chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Ngày 15/6, tại TP Nha Trang đã diễn Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa lần thứ I năm 2022.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở ngành và hơn 200 lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đối thoại doanh nghiệp. Ảnh: Trung Vũ.
Cần giải pháp đột phá
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ ngày 01/01 đến 31/5, Khánh Hòa có 910 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 10.706 tỷ đồng.
Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 837 doanh nghiệp, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 1.108 doanh nghiệp, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Khánh Hòa thu hút được 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 436 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư là 342 tỷ đồng).
Đáng chú ý, đến hết tháng 5/2022, so với kế hoạch được UBND tỉnh Khánh Hoà giao thực tế, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 ước đạt 16,9%.
Bà Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, hiện Sở đã tổng hợp được 63 nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp. Cụ thể, có 32 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải quyết dứt điểm sau hội nghị đối thoại doanh nghiệp vào ngày 24/12/2021 và 26 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp đang giải quyết và tiếp tục theo dõi.
Khoảng 200 lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự Hội nghị. Ảnh: Trung Vũ.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng Văn phòng Đại diện VCCI tại Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, VCCI đã thực hiện 3 cuộc khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp.
Theo đó, đơn vị nhận thấy, tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 là cơ bản ổn định và có tăng lên. Tuy nhiên, những khó khăn chính mà doanh nghiệp đang gặp phải như: chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và khó tìm kiếm, khó tiếp cận đất đai để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh...
Bà Nguyệt cũng cho biết, theo số liệu phân tích PCI 2021 Khánh Hòa đứng thứ 44/63 tỉnh thành. Nhìn chung, bức tranh PCI của Khánh Hòa qua các năm giảm không ổn định ở vị trí trung bình đến khá rồi quay về vùng trung bình so với cả nước, chưa có bước đột phá và tăng trường bền vững.
Theo đó, bà Nguyệt đề xuất chính quyền Khánh Hòa cần quyết liệt hơn nữa để có những giải pháp mạnh mẽ nhằm đơn giản hóa giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhất là quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đồng thời, Khánh Hòa cần có những ưu đãi, đột phá, tổ chức các hội nghị lớn nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Có thể cấp sổ cho condotel
Tại Hội nghị, sau khi xem qua các kiến nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, khó khăn lớn nhất của Khánh Hòa là sau nhiều đợt thanh, kiểm tra, kiểm toán… thì có gần 100 dự án trong danh sách và nhiều dự án tương tự khác.
Các dự án condotel tại Khánh Hòa có thể được cấp sổ trong thời gian tới. Ảnh: Trung Vũ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, đối với dự án nằm trong các kết luận, cơ bản các chủ doanh nghiệp đồng tình thực hiện nghiêm và khắc phục.
“Hiện nay, chúng tôi đang báo cáo Trung ương và cơ bản đã được cho phép Khánh Hòa thành lập hội đồng xác định lại giá. Khi xác định lại giá dù cao hơn hay thấp hơn số Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) thông tin tỉnh sẽ có báo cáo. Bởi chỉ thượng tôn pháp luật là duy nhất. Do đó, chúng tôi đang giao Sở TNMT thực hiện việc tính toán sự thất thu ngân sách theo kết luận của UBKT TƯ” – ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết đối với các dự án vi phạm quy hoạch, quy chuẩn như xây vượt tầng, quy hoạch đất thương mại dịch vụ (TMDV) lại đi bán căn hộ - đất ở không hình thành đơn vị ở, Khánh Hòa sẽ không hợp thức sai phạm, nhưng sẽ gỡ cho được cái sai trong điều kiện phù hợp với quy hoạch pháp luật.
Cụ thể, đối với các dự án vượt tầng nếu phù hợp quy hoạch mới thì sẽ truy thu nộp ngân sách đối với các tầng xây vượt để trách thất thoát, thay vì hợp thức hóa cái sai.
Khánh Hòa sẽ không hợp thức hóa các sai phạm. Ảnh: Trung Vũ.
Riêng đất ở không hình thành đơn vị ở, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Luật Đất đai không có quy hoạch này nên các đoàn thanh, kiểm tra kết luận vi phạm pháp luật. Do đó, các dự án chưa triển khai, Khánh Hòa sẽ chuyển về đất TMDV như quy hoạch ban đầu.
Đối với, các dự án đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp, Tổ công tác của Chính phú có đề xuất hai hướng xử lý. Với các dự án thuộc khu vực xét thấy đủ cơ sơ hạ tầng như trường học, bệnh viện, giao thông… thì có thể chuyển thành đất ở. Theo đó, chủ đầu tư phải nộp thêm ngân sách để chuyển đất TMDV sang đất ở. Tiếp đó là cấp sổ đỏ cho các căn hộ này.
Đối với các dự án không thể điều chỉnh, Khánh Hòa đã đề xuất với Trung ương chuyển về đúng với quy hoạch ban đầu là đất TMDV nhưng có thể căn cứ vào giấy phép đầu tư tỉnh sẽ báo cáo Trung ương cấp số hồng cho các nhà đầu tư thứ cấp là sở hữu trong 50 năm, với loại đất là TMDV.
"Nếu các bộ ngành và Chính phủ đồng ý các đề xuất tỉnh sẽ tiến hành cấp sổ cho các dự án.Đối với các dự án đã cấp sai thì sẽ thu hồi, hủy hoặc tiến hành kiểm tra lại quy hoạch xem có phù hợp không. Hiện các tổ công tác của Chính phủ đã vào làm việc với tỉnh, nếu được cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho Khánh Hòa thì sẽ khơi thông rất nhiều các dự án. Đồng thời, Khánh Hòa cũng xin Trung ương cho thực hiện các dự án tương tự trong các trường hợp nói trên"- ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin.
Nguồn https://kinhtedothi.vn/du-an-dat-o-khong-hinh-thanh-don-vi-o-co-the-duoc-cap-so.html
- Bất động sản: Cú vấp với ‘Ba lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
- Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
- Thiết kế chính sách phát triển nhà ở xã hội dựa trên lợi ích và nhu cầu
- Những khó khăn chính của thị trường bất động sản Việt Nam và giải pháp tháo gỡ
- Các ông trùm bất động sản mất 65 tỷ USD vì chính sách Thịnh vượng chung của Trung Quốc
- Bị thu hồi dự án gần 800 ha, doanh nghiệp khởi kiện tỉnh Lâm Đồng
- Phát lộ những lần điều chỉnh ‘nhồi’ cao ốc vào ‘con đường đau khổ’ Lê Văn Lương
- Hơn 2,2 triệu tỷ cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ mối nguy cơ
- 13 dự án chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương nhiều sai phạm