Đưa Luật Thủ đô đến mọi người, mọi nhà
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật một cách cụ thể, bài bản, hệ thống là nhiệm vụ trọng tâm tại phiên họp Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội, diễn ra ngày 14-8.
Thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô năm 2024. Trong ảnh: Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Quang Thái
Góp phần hoàn thiện Luật Thủ đô
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố đẩy mạnh truyền thông về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo tiến trình xây dựng Luật Thủ đô.
Đặc biệt, với Luật Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29-1-2024 đẩy mạnh thông tin, truyền thông dự thảo Luật Thủ đô; tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc đẩy mạnh truyền thông dự thảo Luật Thủ đô nhằm phổ biến rộng rãi dự thảo Luật đến các tổ chức và nhân dân để tạo sự thống nhất và đồng thuận của các cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương, người dân trong và ngoài nước về dự thảo Luật Thủ đô.
Sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể thành phố tăng cường tuyên truyền, truyền thông về Luật Thủ đô bằng hình thức phù hợp. Cùng với tham mưu lựa chọn tài liệu để xây dựng, xuất bản kỷ yếu soạn thảo Luật Thủ đô, số hóa và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô, phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trình UBND thành phố ban hành.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, Hội đã bám sát kế hoạch của Hội đồng giao, tập trung cho nội dung tuyên truyền về Luật Thủ đô, thực hiện đa dạng các loại hình tuyên truyền như hội nghị, các tiểu phẩm…
Quang cảnh phiên họp của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội, ngày 14-8.
Rõ trách nhiệm, nhiệm vụ
Những tháng còn lại của năm 2024, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, truyền thông về Luật Thủ đô 2024 bằng hình thức phù hợp; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển khai tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Cùng với đó là xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền về Luật Thủ đô; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Để tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Sở đang tham mưu xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về Thủ đô cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn Thủ đô.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu đơn vị chức năng, đến hết tháng 8-2024 phải xây dựng xong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách bài bản, hệ thống; làm sao toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong Luật để triển khai thực hiện hiệu quả nhất. Trong đó, cần liệt kê rõ nhiệm vụ, phân công cụ thể của từng đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô.
Trên cơ sở các quy định của Luật, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cụ thể, phù hợp với lĩnh vực phụ trách, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông phổ biến quy định của Luật đến đúng đối tượng thực hiện, thụ hưởng.
“Từ tháng 9-2024 phải có sự chuyển động của toàn thành phố trong tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô năm 2024”, đồng chí Lê Hồng Sơn nói và đề nghị cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ báo cáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn Luật.
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên:
Luật Thủ đô là trọng tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Hà Nội là một trong những địa phương nổi bật trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trong đó, việc HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định một số mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố là cơ sở pháp lý để bố trí kinh phí bảo đảm cho hoạt động quan trọng này.
Thời gian tới, thành phố xác định Luật Thủ đô là trọng tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Để thực hiện hiệu quả công tác này, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố cần nâng cao vai trò chỉ đạo, định hướng; mỗi ngành, địa phương trên địa bàn thành phố cần chủ động biên soạn tài liệu, chuẩn bị nội dung, tổ chức truyền thông chính sách. Đồng thời, thành phố cần nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở, tăng cường ứng dụng thông tin, chuyển đổi số là những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Hoàn thành nhiệm vụ đóng góp xây dựng chính sách
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã tổ chức 21 đợt đóng góp vào các văn bản Luật. Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các mô hình, trong đó có mô hình Luật sư Thủ đô với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, nâng cấp thành mô hình Luật sư Thủ đô với Luật Đất đai 2024. Đoàn Luật sư thành phố đang xây dựng 4 kịch bản gửi Sở Tư pháp tập trung vào các kịch bản phòng, chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy, an ninh mạng, an toàn giao thông.
Đặc biệt, Đoàn Luật sư thành phố đã tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Luật Thủ đô, qua đó hoàn thành nhiệm vụ đóng góp xây dựng chính sách. Về công tác tuyên truyền, tính đến ngày 13-8, Đoàn Luật sư thành phố đã tổ chức 39 cuộc tuyên truyền pháp luật, trong đó 12 cuộc tuyên truyền về Luật Đất đai. Về Luật Thủ đô, Đoàn Luật sư thành phố sẽ triển khai tuyên truyền Luật sau khi các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu:
Phổ biến song hành với rà soát văn bản luật
Triển khai Luật Thủ đô, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trong ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi Sở quản lý đến toàn thể cán bộ, công chức thuộc Sở; các phòng, đơn vị thuộc Sở đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô.
Sở cũng chủ động đề xuất lãnh đạo Sở tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về phân cấp, quyết định ủy quyền theo quy định của Luật Thủ đô, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô đối với lĩnh vực Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách. Đơn vị cũng đã phối hợp với các sở, ngành theo lĩnh vực phụ trách; tổng hợp, kết quả báo cáo, đề xuất UBND thành phố các nội dung liên quan đến phân cấp, ủy quyền theo các quy định của Luật Thủ đô.
Mai Hữu ghi
- Cần quy định bắt buộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
- Bảo đảm an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ Online Banking
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- "Điểm danh" 56 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội
- Đề xuất nhiều chính sách trợ cấp với cán bộ không đủ tuổi tái cử tự nguyện nghỉ hưu sớm
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu