Đưa chính sách bảo hiểm xã hội đến với nhiều người dân: Vì cuộc sống chất lượng hơn

Thứ hai, ngày 27 tháng 5 năm 2024 | 9:33

Có điểm tựa an sinh vững chắc khi còn tuổi lao động cũng như lúc về già, cuộc sống của người dân sẽ ổn định hơn. Thế nên, trong Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân năm 2024 (diễn ra từ ngày 1 đến 31-5), các cơ quan chức năng tiếp tục lan tỏa thông điệp: “Đồng hành cùng bảo hiểm xã hội vì cuộc sống chất lượng hơn” đến với từng người, gia đình, đơn vị, cộng đồng.

Bức tranh tương phản về chất lượng cuộc sống

Sự khác biệt về chất lượng cuộc sống giữa những người tham gia và không tham gia bảo hiểm xã hội rất dễ nhận diện. Ở độ tuổi lao động, người tham gia chính sách này sẽ có “phao cứu sinh” khi không may gặp rủi ro về sức khỏe, việc làm, thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Tin, ở phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị từng là nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội. Chị không may gặp nạn khi đang đẩy xe thu gom rác, dẫn đến chấn thương vào cuối năm 2021. Nhờ tham gia bảo hiểm xã hội, những năm qua, dù không còn đủ sức khỏe để làm công việc cũ, chị Tin vẫn có khoản tiền trợ cấp đều đặn hằng tháng dành cho người bị tai nạn lao động, nên cuộc sống không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Đối với những người bị mất việc làm, trong thời gian tạm thời không có thu nhập, họ sẽ được bù đắp bằng khoản trợ cấp thất nghiệp lên tới hàng triệu đồng mỗi tháng, giúp cuộc sống ít bị biến động. Ở chiều ngược lại, nếu không có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội, khi không may gặp rủi ro về việc làm, biến động về sức khỏe, người lao động mất luôn nguồn thu nhập từ công việc họ đã làm.

anh-1-bai-vi-clcs.jpg

Cuộc sống của người dân ổn định, chất lượng hơn khi nhận về khoản lương hưu đều đặn hằng tháng. Ảnh: Hà Hiền

Về lâu dài, sự khác biệt về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi giữa nhóm có lương hưu và không có lương hưu càng thể hiện rõ. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tiền lương hưu trung bình của người thụ hưởng hiện đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều mức sống trung bình của người dân (chuẩn mức sống trung bình khu vực nông thôn hiện nay là người dân có thu nhập từ 1,5-2,25 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là từ 2-3 triệu đồng/người/tháng).

Trong khi đó, nhiều người cao tuổi không có lương hưu, không có tài sản tích lũy hiện phải tham gia lao động để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Sinh (63 tuổi), trú tại xã Đông Quang (huyện Ba Vì) cho hay: “Hiện sức khỏe của tôi giảm dần, không thể làm đồng áng, nên tôi xin làm công việc dọn dẹp vệ sinh cho một khu chung cư quận Bắc Từ Liêm. Nếu thuê nhà ở lại, thì tiền công hằng tháng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, không có tích lũy. Vì thế, tôi chọn giải pháp sử dụng phương tiện xe buýt để đi về hằng ngày nhằm tiết kiệm tiền. Phải tham gia lao động tôi mới thấy hết vai trò quan trọng của việc có lương hưu lúc tuổi già”.

Qua những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ bức tranh tương phản về chất lượng cuộc sống giữa những người có lương hưu và không có lương khi đã hết tuổi lao động.

Nhiều giải pháp đưa người dân vào “lưới an sinh”

Góp phần đưa người dân vào “lưới an sinh”, ngoài những giải pháp dài hơi, trong Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân năm 2024, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tập trung cao điểm đưa chính sách bảo hiểm xã hội đến với từng người, gia đình, đơn vị, cộng đồng. Cách thức triển khai linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

anh-2-bai-vi-clcs.jpg

Chính sách bảo hiểm xã hội đến với nhiều người lao động thông qua các hội nghị, diễn đàn đối thoại. Ảnh: Đoàn Viên

Theo hướng này, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đến với người lao động làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp thông qua chuỗi hội nghị tư vấn, đối thoại về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội do cơ quan quản lý về lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cùng tổ chức Công đoàn ở cơ sở phối hợp tổ chức.

Chị Lê Thị Tươi, làm việc ở Công ty cổ phần SPI Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Tham gia cuộc đối thoại chuyên đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội diễn ra ngày 7-5 vừa qua, tôi hiểu rõ hơn những lợi ích khi có tên trên hệ thống an sinh. Vì thế, tôi sẽ cố gắng tham gia chính sách cho đến khi đủ điều kiện nhận lương hưu”.

anh-3-bai-vi-clcs.jpg

Các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với người dân xã Mai Đình và Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đình Tiến

Với những người thuộc đối tượng tiềm năng, lực lượng chức năng đưa chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đến với họ qua hội nghị truyền thông tại các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điểm tư vấn, giới thiệu việc làm...

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành, việc đưa chính sách bảo hiểm đến với những người chuẩn bị bước vào thị trường lao động sẽ phát huy hiệu quả tích cực, giúp người trẻ không bỏ sót quyền lợi về an sinh.

Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, dịp này, các lực lượng chức năng ở khu vực đô thị liên tục ra quân tuyên truyền trực quan, trực tiếp về tính ưu việt, nhân văn của chính sách tại những địa điểm tập trung đông người làm những công việc tự do như chợ dân sinh, bến tàu, xe, công viên...

Ở khu vực nông thôn, đa số người dân bận công việc vào ban ngày hoặc đi làm xa nên lực lượng chức năng rất khó gặp họ vào giờ hành chính, càng khó gặp từng người để tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nắm rõ nếp sinh hoạt này, các cơ quan chức năng đưa chính sách đến với người dân thông qua hội nghị tập trung, thường diễn ra vào buổi tối tại địa bàn dân cư.

Từ thực tế triển khai, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) Nguyễn Văn Hồng khẳng định: “Khi người dân hiểu sâu về chính sách, họ sẽ chủ động tham gia. Tại Trung Châu, toàn xã có khoảng 70 người dân ghi danh vào hệ thống bảo hiểm xã hội”.

Thông qua nhiều giải pháp khả thi, hy vọng chính sách bảo hiểm xã hội sẽ đến với nhiều người dân, người lao động, để mỗi người có cuộc sống ổn định, chất lượng hơn cả về trước mắt và lâu dài.