Dùng căn cước công dân giả rút tiền ngân hàng: Nhà băng và nhà mạng đều bị lừa
Dùng căn cước công dân giả để rút tiền ngân hàng, cắt dán ảnh làm CCCD giả một cách tinh vi đến nỗi mắt thường khó phân biệt được là một số thủ đoạn mới của nhóm tội phạm mới này.
Trong 1 năm từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021 trên cả nước đã có hơn 2.500 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, tương đương gần một nửa số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là lừa qua mạng với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Đây là thống kê của Cục An ninh Mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.
Tội phạm mạng giờ đây không chỉ lừa người dân mà nghiêm trọng hơn còn lừa cả ngân hàng và cả các nhà mạng để chiếm đoạt tiền của người khác với nhiều thủ đoạn mới, rất tinh vi.
Mới đây, Cơ quan công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm lừa đảo rút tiền ngân hàng bằng CCCD, CMND giả. Hành vi phạm tội được đánh giá là rất nguy hiểm của tội phạm công nghệ cao.
Dùng CCCD giả để rút tiền ngân hàng
Với thủ đoạn đánh cắp thông tin cá nhân, số điện thoại, hình ảnh, chữ ký của nhiều người qua mạng xã hội, nhóm đối tượng này đã làm giả CCCD của những người có khuôn mặt có nhiều điểm gần giống với khuôn mặt của 1 đối tượng trong nhóm.
Người dân không cho mượn hay đăng tải thẻ CCCD, CMND lên mạng xã hội
Sau đó, chúng sử dụng những CCCD giả này đến các ngân hàng yêu cầu thay đổi số điện thoại, nhận mã OTP , chiếm quyền sử dụng tài khoản của các nạn nhân.
Tại cơ quan công an, đối tượng được phân công trực tiếp mang CCCD giả ra ngân hàng rút tiền khai nhận, đã thực hiện trên 10 vụ rút tiền tại ngân hàng, chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng.
Thủ đoạn cắt dán ảnh làm CCCD giả
Để thực hiện hành vi lừa đảo, rút tiền ngân hàng bằng CCCD giả, nhóm đối tượng này cũng đã làm giả nhiều CCCD bằng cách dán ảnh của 2 đối tượng trong nhóm. Sau đó mang ra các ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản. Với thủ đoạn, mỗi tài khoản đăng ký 2 số điện thoại: 1 để nhận mã OTP và 1 để nhận thông báo biến động số dư tài khoản. Các đối tượng rao bán các tài khoản này trên mạng xã hội. Khi gặp khách có nhu cầu mua, chúng chuyển thẻ ATM cho khách và giữ lại số điện thoại biến động số dư.
Mỗi khi thấy tiền chuyển vào tài khoản, ngay lập tức chúng sẽ ra ngân hàng làm thủ tục rút tiền. Trước khi bị bắt, các đối tượng này đã mở 30 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.
Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh - Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: "Tinh vi ở đây là các đối tượng đã chuẩn bị và phân chia vai trò của các đối tượng khác nhau trong cái vụ việc này. Các đối tượng cũng đã liên lạc với các nơi có khả năng làm giả giấy tờ tài liệu. Bằng mắt thường, trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng không có đủ những căn cứ hay khả năng để phân biệt được khi mà những qui định liên quan đến CMND phải do những đơn vị chức năng, sử dụng những thiết bị kỹ thuật mới có thể kiểm tra được".
Theo điều 341 của Bộ luật Hình sự, chỉ riêng hành vi làm giả CCCD đã đủ yếu tố để cấu thành tội làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo rút tiền ngân hàng
Hiện nay, các ngân hàng nhận diện khách hàng chỉ căn cứ vào chữ ký mẫu và đặc điểm khi đối chiếu trên CCCD. Khi giấy tờ bị làm giả, về mặt nghiệp vụ, nhân viên ngân hàng khó nhận diện được.
Ngoài ra, theo quy định của ngân hàng, khách hàng muốn rút được tiền, chỉ phải đối chiếu gương mặt, chữ ký với thông tin có trong hồ sơ. Tuy nhiên, có một số trường hợp, giao dịch viên, chấp nhận những chữ ký không đúng hoặc đề nghị khách hàng ký lại, thậm chí là đưa mẫu chữ ký cũ để khách hàng nhìn và ký lại cho đúng. Đây chính là kẽ hở khiến các đối tượng lừa đảo dễ dàng qua mặt để thực hiện hành vi phạm tội.
Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa tội phạm dùng CCCD giả để rút tiền ngân hàng:
Về phía người dân:
- Không cho mượn hay đăng tải thẻ CCCD, CMND lên mạng xã hội, tạo điều kiện cho đối tượng lấy cắp thông tin, chỉnh sửa thay ảnh nhằm mục đích vay tiền hoặc rút tiền trong tài khoản của mình.
- Không mua bán hay sử dụng các tài khoản ngân hàng được rao bán trên mạng xã hội, tránh việc tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.
- Trong trường hợp sử dụng tài khoản qua mạng, cần liên kết với ngân hàng để xác thực.
Về phía ngân hàng:
- Cần đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, sử dụng mã vân tay, soi kỹ dấu giáp lai trên CCCD để phân biệt thật giả.
- Liên kết với Trung tâm dữ liệu của Bộ Công an, trích lục các thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền để đối chiếu CCCD khách hàng mang đến.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng nên tổ chức các buổi tập huấn liên quan đến nhân viên giao dịch hoặc khách hàng để cập nhật những phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm dùng giấy tờ, con dấu, chữ ký giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về phía cơ quan công an:
- Cần tiến hành công tác điều tra, xác minh, phong tỏa ngay lập tức đối với các vụ việc sử dụng CMND giả lừa rút tiền ngân hàng.
Để ngăn chặn hành vi dùng CCCD giả rút tiền ngân hàng, cần có biện pháp ngăn chặn việc làm giả giấy tờ cá nhân, trước hết từ phía ngân hàng, nhà mạng cần tăng cường công tác bảo mật thông tin khách hàng, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký dịch vụ tài khoản ngân hàng, đăng ký kích hoạt sử dụng thuê bao điện thoại.
Nguồn https://vietnamnet.vn/dung-can-cuoc-cong-dan-gia-rut-tien-ngan-hang-nha-bang-va-nha-mang-deu-bi-lua-2029342.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine