EU đạt thỏa thuận buộc các công ty công nghệ xử lý nội dung bất hợp pháp
Các ông lớn công nghệ như Google hay Meta sẽ phải siết chặt kiểm soát, xử lý nội dung bất hợp pháp trên nền tảng trực tuyến nếu như không muốn nhận án phạt nặng từ phía Liên minh châu Âu (EU).
Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) có thể sẽ buộc các ông lớn công nghệ phải thay đổi phương thức kinh doanh cốt lõi của họ ở châu Âu. (Ảnh: Reuters)
Ngày 23/4, các nước thành viên EU và các nhà lập pháp của khối đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) sau hơn 16 giờ đồng hồ đàm phán.
Theo đó, các công ty công nghệ sẽ đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của mình nếu vi phạm các quy định của DSA, và thậm chí bị cấm hoạt động ở thị trường EU nếu liên tục tái phạm.
Đạo luật này là mũi nhọn thứ 2 trong chiến lược của bà Margrethe Vestager, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của EU, nhằm kiềm chế sức mạnh của Google, Meta và các gã khổng lồ công nghệ khác của Mỹ.
Tháng trước, bà Vestager cũng đã giành được sự ủng hộ từ 27 quốc gia thành viên và các nhà lập pháp EU đối với các quy tắc mang tính bước ngoặt được gọi là Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), có thể sẽ buộc các tập đoàn Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft phải thay đổi phương thức kinh doanh cốt lõi của họ ở châu Âu.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter, bà Vestager cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về DSA: Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số sẽ bảo đảm những gì bất hợp pháp trong đời thực cũng sẽ được coi là bất hợp pháp trên không gian mạng”.
Nhà lập pháp Dita Charanzova của EU hoan nghênh thỏa thuận về DSA, đồng thời cho rằng Google, Meta và các nền tảng trực tuyến lớn khác sẽ phải hành động để bảo vệ tốt hơn người dùng của mình.
Các quy định trong DSA hướng tới cấm hoạt động quảng cáo có chủ đích nhắm vào trẻ em hoặc dựa trên dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo, giới tính, chủng tộc và quan điểm chính trị. Ngoài ra, những hành vi, phương thức lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty cũng sẽ bị cấm.
Bên cạnh đó, các nền tảng trực tuyến lớn và các công cụ tìm kiếm trực tuyến sẽ được yêu cầu thực hiện một số biện pháp cụ thể trong bối cảnh khủng hoảng. Động thái này xuất phát từ một thực tế là thời gian qua, thông tin sai lệch, thất thiệt lan tràn trên không gian mạng liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Trong một số trường hợp, các công ty công nghệ có thể sẽ bị buộc phải giao nộp dữ liệu liên quan đến các thuật toán của họ cho các nhà quản lý và nhà nghiên cứu.
Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) sẽ có hiệu lực từ năm 2024.
Nguồn nhandan.vn
https://nhandan.vn/thong-tin-so/eu-dat-thoa-thuan-buoc-cac-cong-ty-cong-nghe-xu-ly-noi-dung-bat-hop-phap-694261/
- LG Display đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam
- Người dân TPHCM đã có thể kết nối với chính quyền bằng App Công dân số
- 'Cái nắm tay' cần thiết dẫn bước doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng, livestream Facebook
- TSMC dừng cung cấp chip tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Đẩy mạnh sáng tạo ứng dụng số, ứng dụng AI Make in Viet Nam