EU “đau đầu” đối phó yêu cầu thanh toán khí đốt bằng rúp của Nga

Thứ hai, ngày 2 tháng 5 năm 2022 | 14:31

Bộ trưởng Năng lượng các nước EU sẽ nhóm họp khẩn trong ngày 2/5, để thảo luận về việc trả tiền khí đốt Nga bằng đồng rúp.

Bộ trưởng Năng lượng EU họp khẩn đối phó khủng hoảng nhiên liệu

Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị công bố thêm hướng dẫn chi tiết cho các quốc gia thành viên về thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp như yêu cầu của Moscow mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Nguồn tin từ Brussels cho biết, trong tuần qua, một số nước thành viên EU gồm Bulgaria, Đan Mạch, Hy Lạp, Ba Lan, Slovakia đã lên tiếng yêu cầu EC hướng dẫn chi tiết thêm về việc trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp theo yêu cầu thanh toán mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hồi cuối tháng 3. Các nước này cho rằng, hướng dẫn trước đó từ EC không rõ ràng, khiến các nước khó áp dụng.

Cuối tháng trước, Tổng thống Putin yêu cầu các nước “không thân thiện”, bao gồm hầu hết thành viên Liên minh châu Âu (EU), phải thanh toán hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp do các lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga đã hạn chế việc thực hiện các giao dịch bằng đồng USD và euro của Moscow.

Theo sắc lệnh này, các quốc gia "không thân thiện" phải mở một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của tập đoàn Gazprom, sau đó chuyển USD hoặc Euro vào đó, để chúng được chuyển sang đồng rúp và trả về cho Nga.

Nhằm đối phó với yêu cầu từ phía Nga, EC đã ra hướng dẫn, cho biết để tránh vi phạm lệnh trừng phạt cấm giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga mà châu Âu áp đặt liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, các công ty năng lượng châu Âu có thể “lách” về mặt kỹ thuật bằng cách tuyên bố đã hoàn tất việc trả tiền khí đốt cho Nga ngay lập tức sau khi chuyển số tiền này bằng đồng euro hoặc đồng USD cho đối tác Nga, trước khi phía Nga quy đổi số tiền này sang đồng rúp Nga. 

Tuy nhiên, sau khi Nga thông báo đình chỉ việc cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria hôm 27/4 vừa qua, các công ty năng lượng châu Âu đang gấp rút tìm cách tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp do lo ngại bị Nga “khóa van” khí đốt. Các công ty này muốn nhận được hướng dẫn rõ ràng từ EC rằng liệu việc thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp có vi phạm biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow hay không.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU sẽ nhóm họp khẩn trong ngày 2/5 để thảo luận về chủ đề này. Bên cạnh đó, tại cuộc họp này, các bộ trưởng Năng lượng EU cũng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh khối này đặt mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga trong năm nay.

EU có thể cấm vận dầu mỏ Nga vào cuối năm 2022

Hai nhà ngoại giao của khối cho biết, EU đang hướng tới khả năng áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022.

EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự nước phát động ở Ukraine hơn hai tháng trước. Gói trừng phạt mới dự kiến nhắm tới dầu mỏ Nga, các ngân hàng Nga và Belarus cũng như nhiều cá nhân và công ty Nga hơn.

EC đã tổ chức những cuộc thảo luận với một nhóm nhỏ các quốc gia thành viên EU nhằm củng cố kế hoạch trừng phạt Nga để đưa ra tại cuộc họp của các đại sứ EU ở Brussels, Bỉ, vào ngày 4/5 tới đây.

Trước đó, hãng tin Bloomberg cho biết EU có khả năng sẽ thông qua lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga vào tuần tới. Theo nguồn tin trên, lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga sẽ được áp dụng vào cuối năm nay, trước đó các biện pháp hạn chế nhập khẩu sẽ dần được áp dụng theo từng cấp độ.

Trong khi đó, theo số liệu kinh tế mới được công bố cho thấy, bất chấp quan hệ “xuống dốc không phanh” với Nga và các lời tuyên bố sẽ sớm chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga, EU trong thời gian qua vẫn đang nhập khẩu năng lượng Nga với con số cao kỷ lục.

Báo cáo của Tổ chức nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho biết, trong hơn 2 tháng qua, tức từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, EU đã chi tới 45 tỷ euro (tương đương 47,43 tỷ USD) để mua khí đốt, dầu mỏ, than đá từ Nga.

Mặc dù một số nước thành viên EU thông báo sẽ ngừng sử dụng nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga năm nay, nhưng nhiều nước khác trong khối vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Moscow vẫn gia tăng lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga.

Nga hiện vẫn đang cung cấp 40% khí đốt và 26% dầu mỏ cho EU và thực tế hiện nay khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu mà EU đặt ra là đến năm 2027 chấm dứt hoàn toàn nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga là rất tham vọng và không dễ đạt được.

 

 

Nguồn kinhtedothi.vn

https://kinhtedothi.vn/eu-dau-dau-doi-pho-yeu-cau-thanh-toan-khi-dot-bang-rup-cua-nga.html