F0 Hà Nội có nên khai báo với phường để... "được" giăng dây?
"F0 không khai báo thì bị phạt tiền, khai báo thì chẳng ai quan tâm, vẫn phải "tự xử" ở nhà. Khi khỏi bệnh lên xin giấy thì xếp hàng, đăng ký hưởng trợ cấp mắc Covid-19 thì bị hành...
Ca mắc mới Covid-19 tiếp tục tăng vọt tại Hà Nội kể từ đầu tháng 2/2022. Tối 28/2, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 12.850 ca dương tính SARS-CoV-2 (4.265 ca cộng đồng; 8.585 ca đã cách ly). Đây là số F0 ghi nhận cao nhất trong ngày tại Hà Nội từ trước đến nay. Trong khi đó, theo dự báo, số mắc mới ở Thủ đô vẫn tiếp tục tăng, có thể đạt đỉnh trong nửa tháng tới.
Số F0 tăng nhanh đồng nghĩa với việc hệ thống y tế các địa phương bị quá tải, đặc biệt là cấp phường, xã, gây khó khăn cho người dân trong việc khai báo và xin tư vấn điều trị.
Vì sao nhiều trường hợp F0 không khai báo?
Báo chí, mạng xã hội những ngày gần đây liên tục cập nhật tình trạng người dân tại nhiều quận/huyện, phường/xã tại Hà Nội không thể khai báo được khi là F0 vì thủ tục quá rườm rà, thay đổi liên tục cách thức khai báo; người bệnh và người nhà xếp hàng, chen lấn cả trăm người một lúc dễ gây lây nhiễm chéo ngay tại trạm y tế…
Thậm chí nhiều F0 từ khi khai báo thành công cho đến lúc âm tính trở lại, không được một cán bộ y tế nào hỏi han, tư vấn, cấp thuốc. Có chăng đến khi sắp khỏi rồi mới "được" cán bộ y tế tới giăng dây, dán biển cách ly y tế và đưa quyết định cách ly.
Chị Thanh Hòa tự quay video cảnh lấy mẫu test cho bố để gửi cho y tế phường.
Chị Thanh Hòa ở quận Hà Đông chia sẻ: "Nhà mình có 2 bố con là F0, sau khi tự test nhanh đã chủ động liên hệ với một cán bộ y tế phường được phân phụ trách tổ dân phố để khai báo. Tuy nhiên trong 3 ngày liền gọi điện, nhắn tin không được phản hồi, mình đã phải lên tận phường để hỏi cách thức khác.
Đến đây thì mình được hướng dẫn cách khai báo online qua zalo bằng cách quay lại quá trình tự test và hình chụp mẫu test, cùng một số thông tin F0 như: Thông tin cá nhân, địa chỉ và số mũi vaccine đã tiêm để gửi cho trạm trưởng vì không thể liên lạc được với cán bộ phụ trách địa bàn".
Sau khi khai báo thành công cho đến khi âm tính trở lại, bố con chị Hòa không hề nhận được lời thăm hỏi, tư vấn điều trị bệnh từ trung tâm y tế phường mà phải tự liên hệ với bác sĩ quen để được kê đơn thuốc.
Vì không được hỗ trợ gì trong quá trình điều trị tại nhà nên khi các thành viên khác trong gia đình bị mắc Covid-19, chị đã không báo với y tế nữa mà tự chăm sóc, điều trị cho người nhà mình. Chị cho biết, sau khi khỏi bệnh mới biết, tổ dân phố nơi chị ở có hàng chục ca nhưng không có ai khai báo được nên đều tự uống thuốc và... tự khỏi.
Trường hợp của chị Hòa cũng giống rất nhiều gia đình khác tại Hà Nội, lựa chọn không khai báo khi phát hiện mắc Covid-19 với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay, nhiều trang mạng xã hội lan truyền dày đặc thông tin về quảng cáo và rao bán đơn thuốc điều trị F0 tại nhà, nhiều F0 hoang mang và rơi vào "ma trận" thuốc, dẫn đến tình trạng bác sĩ internet, bác sĩ thực phẩm chức năng,... đang là xu hướng bùng nổ tại Việt Nam. Và các hệ lụy về sức khỏe, kinh tế lẫn tình cảm cũng bùng nổ theo.
Bình luận về vấn đề này, bạn đọc Lưu Hải Phong viết: "Chúng tôi cũng mất cả buổi sáng ngày 22/2 đăng ký là F0 ở phường Định Công, quận Hoàng Mai đây này. Trẻ nhỏ, người già đông nghịt, chen chúc, vui như hội làng, 3 tiếng chờ để ký 5 tờ giấy cam đoan cam kết gì đó. Hai vợ chồng là F0 được phát 3 gói nước cam nhỏ, 1 vỉ thuốc hạ sốt. Đủ loại phần mềm Covid-19 mà không hiểu sao lại làm việc cổ lỗ sĩ như thời 0.4.
Tôi không hiểu, tại sao lại để F0 ra đường, đi khai báo, lại bắt họ đem theo bộ kit dương tính theo, trong khi đó là virus Covid chứ không phải trò chơi đâu. Quy trình là do con người tạo ra chứ không phải quy trình tạo ra con người".
Bạn đọc Khánh Huyền cho rằng: "Cái này phải do người phụ trách y tế của từng trạm y tế mỗi phường, xã. Biết là y tế phường xã thời điểm này quá tải thì họ phải có cách giải quyết linh hoạt sao cho hợp lý nhất với người dân, tôi hoan nghênh những người khai báo y tế và cách ly đầy đủ, họ là những người có trách nhiệm với cộng đồng thì họ mới khai báo mà lại còn làm khó họ thì tôi cũng không hiểu.
F0 tăng từng ngày chưa có dấu hiệu giảm vậy mà đã phải xếp hàng dài như thế này rồi. Lẽ ra bị bệnh cần phải ở nhà điều trị tránh phát tán virus thì lại phải ra đường xếp hàng chỉ để lấy cái tờ giấy xác nhận. Đến nản với cái thủ tục. F0 báo tổ trưởng, tổ báo phường, cho dân quân mang giấy xuống nhà dán thông báo để mọi người biết rồi đăng ký thông tin luôn. Quy trình dễ vậy mà sao không làm?".
Không khai báo là thiệt thòi!
Theo quy định của Bộ Y tế, trạm y tế là nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận các F0 cũng như xác nhận F0 khỏi bệnh. Tuy nhiên, hiện nay biên chế của Trung tâm Y tế cấp phường cũng chỉ từ 7-9 người.
Cũng vì thế, tình trạng quá tải trong khâu cấp xác nhận F0 là khó tránh khỏi, bởi ở nhiều phường hiện nay số F0 lên đến 150-200 ca mỗi ngày. Trong khi đó, quận không chủ động được trong vấn đề vật tư y tế, mà phải lệ thuộc vào Sở Y tế. Từ đây, dẫn đến các tuyến y tế quá tải, các phường đã có sự chậm trễ, chưa tiếp nhận kịp thời bệnh nhân khi họ thông báo nhiễm bệnh.
F0 "bùng nổ" trên địa bàn thành phố đang mang đến áp lực cho ngành y tế, đặc biệt là cấp y tế cơ sở (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).
Theo quy định của pháp luật, có sự khác biệt lớn về quyền lợi giữa những F0 được điều trị dưới sự quản lý của cơ quan chức năng và những F0 tự ý điều trị cho mình.
Theo đó, F0 khi khai báo sẽ được cấp đơn thuốc để mua được thuốc kháng virus và việc báo chính quyền địa phương sẽ được cấp giấy chứng nhận là F0 hoặc đã khỏi, giúp người bệnh hưởng trợ cấp ốm đau từ cơ quan, bảo hiểm xã hội hoặc được cung cấp mã số bệnh nhân để bệnh viện nhận điều trị trong trường hợp trở nặng.
Nếu trường hợp không may tử vong, thì họ cũng được hỗ trợ kinh phí mai táng cũng như quy trình mai táng đảm bảo an toàn không lây nhiễm. Còn đối với F0 tự ý điều trị sẽ không có những quyền lợi này.
Biết được những điều này nên nhiều F0 mặc dù xác định tự điều trị tại nhà nhưng vẫn muốn báo phường vì theo quy định F0 không khai báo có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Chính vì vậy ở một số phường đã xảy ra tình trạng người dân bất chấp dịch bệnh mà phải chen lấn, xếp hàng để được khai báo.
"F0 phải "tự xử" ở nhà, không khai báo thì bị phạt tiền, khai báo thì chẳng ai quan tâm, tự mua thuốc, tự cứu. Khi khỏi bệnh lên xin giấy thì xếp hàng, đăng ký hưởng trợ cấp nhiễm Covid thì bị hành lên bờ xuống ruộng...", một bạn đọc ngán ngẩm.
"Tôi đã chứng kiến một phụ nữ có bầu 7 tháng là F0 đến trạm y tế khai báo. Mọi người hãy thử hình dung xem: Khi một người bụng mang dạ chửa bị F0 họ sẽ hoang mang đến nhường nào, hãy hiểu cảm giác của họ, gọi điện thoại không được, chờ mòn mỏi không thấy, lặn lội đến nơi thì bị cho về vì sai quy trình.
Theo tôi quy trình là cứng nhắc, các trường hợp: người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, hãy tạm gác lại quy trình và ưu tiên hỗ trợ một chút, có khi chỉ đơn giản là hướng dẫn để họ an tâm.
Bên cạnh đó, ban chỉ huy Covid mỗi tổ dân phố/phường/quận cũng cần mở rộng tư vấn từ xa qua điện thoại, zalo,... hoặc các phương tiện truyền thông nào đó để mọi người thuận lợi tiếp nhận thông tin từ người có chuyên môn, không phải dồn hết lên y tế phường để giảm gánh nặng và lây nhiễm trong cộng đồng", bạn đọc Quang Huy đề xuất.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/ban-doc/f0-ha-noi-co-nen-khai-bao-voi-phuong-de-duoc-giang-day-20220301114822853.htm
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá