F0 Hà Nội than khó liên lạc với y tế phường
Không liên hệ được y tế phường, ba hôm trước, Ngọc Lan vác bụng bầu 7 tháng tự ra khai báo, nhưng bị yêu cầu quay về chờ hướng dẫn.
Chiều 21/2, Ngọc Lan, 27 tuổi, trú phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy có triệu chứng sốt, ho nhẹ sau khi tan làm. Nghi mắc Covid-19, cô tự test nhanh, kết quả lên hai vạch. "Ban đầu tôi hơi hoảng khi biết mình dương tính bởi chưa tiêm vaccine", Lan kể.
Cô xin được số trạm y tế phường nhưng máy bàn luôn bận, số di động có người bắt máy nhưng Lan chỉ được hướng dẫn khai báo điện tử và chờ điện thoại tư vấn. Nhưng gần ba tiếng trôi qua mà không có cuộc gọi nào, cô sốt ruột thử gọi vào số đường dây nóng và nhận ra thuê bao đã tắt máy.
"Tôi không xin cấp thuốc hay đi cách ly y tế, chỉ mong được hướng dẫn cách điều trị cho F0 đang mang bầu tại nhà nhưng càng chờ càng vô vọng", Lan thở dài. Đến 19h cùng ngày, cô mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang, đánh liều ra phường khai báo vì sợ để lâu ảnh hưởng đến thai nhi.
Nhưng ngay cả khi trực tiếp ra khai báo, Lan vẫn phải "theo đúng quy trình", sau khi khai báo y tế, được yêu cầu về nhà chờ hướng dẫn. Từ đó đến nay, cô vẫn chưa nhận được điện thoại hỗ trợ.
Minh Hiếu được yêu cầu đến trung tâm y tế phường Mai Động để xét nghiệm khẳng định Covid-19, sau khi test nhanh tại nhà dương tính, sáng 23/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chung cảnh ngộ, hôm 17/2, Hiền Thục, 24 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm nỗ lực liên hệ với trạm y tế khi cô và bạn cùng phòng đều F0 nhưng bất thành. Mỗi ngày Thục gọi cả chục cuộc điện thoại nhưng đầu dây bên kia không bắt máy.
"Tôi xác định tự điều trị tại nhà nhưng vẫn muốn báo phường vì theo quy định F0 không khai báo có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nhưng không liên lạc được liệu tôi có phạm luật?", Thục thắc mắc. Bên cạnh đó, việc báo chính quyền địa phương sẽ được cấp giấy chứng nhận là F0 hoặc đã khỏi, giúp người bệnh hưởng trợ cấp ốm đau từ cơ quan, bảo hiểm xã hội hoặc được cung cấp mã số bệnh nhân để bệnh viện nhận điều trị trong trường hợp trở nặng.
"Sáu ngày trôi qua tôi vẫn không thể liên hệ được y tế phường, có khi sắp khỏi rồi", Hiền Thục cho biết. Những ngày qua, đồ ăn, thuốc men điều trị cô đặt qua mạng nhờ shipper mang đến, bởi bạn bè, đồng nghiệp đều là F0.
Nữ nhân viên văn phòng cũng bày tỏ sự bức xúc khi cũng là F0 nhưng mỗi nơi lại có cách đối xử khác nhau. "Bạn tôi ở phường Dịch Vọng Hậu, sau khi liên hệ với trạm y tế, hàng ngày đều được nhắn tin hỏi thăm, hỗ trợ. Còn phường tôi đến số điện thoại cũng không thể liên hệ được", cô nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm giải thích về trường hợp "6 ngày không thể liên hệ" của Hiền Thục là do lực lượng cán bộ y tế có hạn, trong khi F0 nhiều. Đến nay, quận đã ghi nhận 745 ca nhiễm Covid-19. "Cùng một thời điểm sẽ có vài chục F0 gọi đến, tắc nghẽn đường dây là điều khó tránh", ông Tuấn nói. Hôm 22/2, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận thực trạng người dân khó tiếp cận dịch vụ y tế cấp xã, phường. Nguyên nhân là áp lực lên đội ngũ y tế cơ sở lớn, có phường số F0 lên đến hàng nghìn trong khi nhân viên y tế chỉ có 8-10 người nên rất khó tránh "chuệch choạc" trong công tác hỗ trợ người dân.
Để khắc phục vấn đề này, quận Nam Từ Liêm đã triển khai mô hình các nhóm chăm sóc F0 tại từng tổ dân phố. Các nhóm này có trách nhiệm liên hệ với trạm y tế phường để hỗ trợ khi phát hiện F0. "Thay vì cố gắng gọi đến trạm y tế, các F0 nên kết nối với các tổ dân phố", ông Nguyễn Anh Tuấn nói thêm.
"Nhưng liên hệ được với y tế phường cũng chẳng hơn gì, thậm chí còn thất vọng hơn", Minh Hiếu, 26 tuổi, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai nói. Sáng 23/2, anh test nhanh phát hiện đã nhiễm Covid-19 nên gọi đến trạm y tế để báo tin. Hiếu ngỡ ngàng khi nhận được yêu cầu phải trực tiếp ra phường test lại để khẳng định. "Ngày trước chỉ cần báo mình là F0 sẽ có nhân viên y tế đến phun khử khuẩn, chăm sóc đặc biệt, còn nay họ bắt phải ra phường để xét nghiệm khẳng định. Quá vô lý", Hiếu nói.
Theo anh, việc F0 không cách ly mà phải ra đường, tự đến các cơ sở y tế tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm, khi một tuần trở lại đây Hà Nội ghi nhận số ca mắc tăng vọt. Bộ Y tế thống kê trong bảy ngày (tính đến 20/2), thủ đô tăng 10.986 ca nhiễm, gấp hơn ba lần cùng thời điểm tháng 1. Riêng trong ngày 23/2, thành phố ghi nhận hơn 7.400 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ tư lên 218.000.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng yêu cầu F0 đã có kết quả test nhanh phải đến trạm y tế phường để xét nghiệm lại "là việc làm thái quá, không cần thiết".
"Buộc người nhiễm bệnh tự di chuyển đến các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ không đảm bảo là sai nguyên tắc và tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng", ông Nga nhận định. Theo chuyên gia y tế, các cơ sở y tế nên có các phương thức hướng dẫn điều trị qua các phần mềm từ xa để giảm nguy cơ lây nhiễm, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Minh Hiếu đến trạm y tế phường Mai Động, quận Hoàng Mai tối 23/2 để test lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Được chấp nhận cho quay video tự test nhanh tại nhà, nhưng Hằng Nga, 28 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy vẫn bị từ chối tiếp nhận vì "góc máy quay chưa chuẩn".
"Tôi đã giải thích do ở một mình, điện thoại đặt cố định, trong lúc lấy dịch mũi để test vô tình để tay che mặt. Nhưng các nhân viên y tế vẫn nói video không hợp lệ, bắt quay lại. Nhưng test Covid-19 chứ đâu phải thích là lôi ra chọc đâu", cô gái 28 tuổi, dương tính hôm 20/2, nói.
Theo Nga, ngay cả khi video không đạt yêu cầu, cô cũng xứng đáng được nhận tư vấn, hướng dẫn điều trị tại nhà, thay vì không trả lời tin nhắn. Cô đang tự tìm hiểu cách tự điều trị F0 tại nhà. "Giờ không tự cứu mình sẽ chẳng còn ai, nên tôi buộc tự bơi", Nga nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, người từng tham gia chống dịch tại TP HCM, đang điều hành một nhóm quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, cho biết F0 tại Hà Nội chủ yếu là nhẹ, diễn biến chỉ như cảm cúm thông thường, không cần quá sốt sắng tìm mua thuốc hay tích trữ thuốc, sử dụng thuốc trôi nổi.
Ông Tuấn tư vấn, khi không liên hệ được y tế cơ sở do quá tải, các F0 cần bình tĩnh và tỉnh táo lựa chọn kênh thông tin để giúp đỡ. Có thể chuẩn bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, thuốc hạ sốt, giảm đau, tiêu chảy,... nhưng không nên tích trữ máy tạo oxy và bình oxy. "Khi khó thở, cần hỗ trợ oxy tức là mức độ bệnh trung bình trở lên, phải điều trị ở bệnh viện, không điều trị ở nhà nữa", bác sĩ Tuấn nói.
Ngoài ra, F0 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập hít thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước, không bỏ bữa. "F0 cũng cần tăng dinh dưỡng như ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái", bác sĩ Tuấn khuyên.
Đến hôm nay Ngọc Lan vẫn tự cách ly tại phòng trọ và chờ điện thoại từ trung tâm y tế thay vì tự tìm cách điều trị. "Họ nói với tôi cứ về và chờ người gọi điện thoại hỗ trợ. Nhưng tôi không biết chờ đến bao lâu và đến khi nào", cô thở dài.
Theo VnExpress.net
https://vnexpress.net/f0-ha-noi-than-kho-lien-lac-voi-y-te-phuong-4431204.html
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh