F0 tại Hà Nội tăng nhanh, nhiều cơ sở y tế tư nhân hỗ trợ điều trị
Sự giúp sức của trạm y tế lưu động và lực lượng y bác sĩ bệnh viện tư nhân là nòng cốt đã giúp các trạm y tế cố định giảm quá tải.
Bác sĩ Hoàng Khánh Huyền là một trong những nhân viên y tế thuộc cơ sở tư nhân tình nguyện công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.
Nữ bác sĩ trẻ cho biết, chị đã tham gia chống dịch 2 tháng nay, được giao phụ trách chính tại trạm y tế lưu động phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm). Hai đồng nghiệp khác ở bệnh viện tư với chị Huyền cũng tham gia trạm y tế lưu động phường Cầu Diễn và một số nhân sự góp mặt ở trạm y tế lưu động phường Mỹ Đình.
Theo bác sĩ Huyền, ngay từ cuối tháng 12/2021, khi Sở Y tế Hà Nội, quận Nam Từ Liêm huy động bệnh viện tư nhân tham gia các trạm y tế lưu động trên địa bàn, chị và nhiều đồng nghiệp đã tự nguyện đăng ký tham gia.
“Số F0 ngày một tăng nhanh, với trách nhiệm là nhân viên y tế, tôi cũng muốn góp sức cho cộng đồng, mong đại dịch sớm kết thúc”, chị Huyền tâm sự.
Hiện trạm y tế lưu động phường Cầu Diễn quản lý khoảng hơn 4.000 F0, gồm cả những người đang điều trị và những người vừa kết thúc điều trị. Số bệnh nhân đang điều trị chiếm khoảng một nửa, tức 2.000 người.
Công việc chính của bác sĩ Huyền và các đồng nghiệp là quản lý, theo dõi F0 tại nhà, tổ chức cấp cứu khi F0 có tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe, cấp phát thuốc, tư vấn, giúp đỡ người bệnh. Ngoài ra, trạm cũng hỗ trợ công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân trên địa bàn phường. Tổng số nhân lực của trạm y tế lưu động là 7 người.
“Công việc vất vả vì số F0 hiện rất nhiều, lại tăng nhanh. Một khó khăn với chúng tôi là do không phải người thuộc địa bàn phường Cầu Diễn nên đôi khi không biết chính xác địa chỉ nhà của bệnh nhân. Khi đi cấp cứu, chúng tôi sẽ phối hợp cùng trạm y tế cố định - những người đã thông thuộc địa bàn này để triển khai cấp cứu nhanh nhất”, bác sĩ Huyền chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng Khánh Huyền thăm khám, cấp cứu cho 1 F0 điều trị tại nhà |
Hiện trạm y tế cố định phường Cầu Diễn chỉ có khoảng 6-7 nhân sự nhưng phụ trách hàng nghìn F0, chưa kể một số nhân viên bị mắc Covid-19 vẫn phải vừa làm việc, vừa tự chữa bệnh. Do vậy, sự giúp sức của trạm y tế lưu động và các y bác sĩ bệnh viện tư nhân như bác sĩ Huyền có ý nghĩa lớn trong việc giảm quá tải, hỗ trợ tốt hơn cho bệnh nhân.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm cho biết quận đã huy động toàn bộ lực lượng y tế tư nhân trên địa bàn tham gia đóng góp nhân lực cho các trạm y tế lưu động.
Theo đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Y tế giao các địa phương thành lập mỗi phường một trạm y tế lưu động để giúp sức trạm y tế cố định (lực lượng y tế thường trực của mỗi địa phương) thực hiện các nhiệm vụ cách ly, điều trị F0 tại nhà. Nói cách khác, đây là “cánh tay nối dài” của trạm y tế cố định.
Tất cả 10 trạm y tế lưu động của các phường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đều do lực lượng y tế tư nhân tham gia “làm chủ công”, đảm nhiệm chính.
Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm thông tin, hệ thống y tế tư nhân là lực lượng nòng cốt của các trạm y tế lưu động, tổng số trên 70 nhân viên y tế tham gia.
Ngoài ra, y tế tư nhân cũng tham gia vào các tổ cấp cứu, vận chuyển F0 24/24. Họ đóng góp 3 xe cứu thương cùng 18 người trong tổ cấp cứu. Hàng ngày, các lực lượng này giúp đỡ cho quận vận chuyển F0 diễn tiến nặng lên tầng 2, tầng 3, không phụ thuộc vào Trung tâm cấp cứu 115.
Vị đại diện cũng nhấn mạnh, việc huy động được lực lượng y tế tư nhân tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là vấn đề quản lý F0 cách ly, điều trị tai nhà rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
“Thực tế ở mỗi phường, 1 trạm y tế cố định thường chỉ có 7-8 người, phường nào đông cũng đến 10 người. Với số dân rất lớn, chỉ một mình trạm y tế cố định thì sẽ rất quá tải, không đảm đương hết các nhiệm vụ. Do vậy, việc tổ chức thành lập thêm trạm y tế lưu động với hệ thống y tế tư nhân làm nòng cốt là đặc biệt cần thiết, hỗ trợ kịp thời cho trạm y tế cố định”, vị đại diện nói.
Theo vị này, thống kê tại Nam Từ Liêm, 60% nhân lực tại các trạm y tế cố định đang bị nhiễm Covid-19, nếu không có sự hỗ trợ của y tế tư nhân thì sẽ rất khó khăn để hoàn thành được nhiệm vụ.
Lực lượng y tế tư nhân phụ trách tổ cấp cứu, vận chuyển F0 24/24 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm |
Những ngày qua, số nhiễm tại Hà Nội liên tục tăng nhanh, riêng ngày 2/3 đã vượt ngưỡng 15.000 F0 mới.
Tại phiên họp giao ban ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã yêu cầu những địa bàn có mật độ dân cư đông cần đánh giá ngay khả năng đáp ứng tư vấn, chăm sóc người nhiễm Covid-19 của mỗi cán bộ, nhân viên y tế. Có biện pháp huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn cùng tham gia, đảm bảo người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.
Trao đổi với VietNamNet sáng 3/3, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện nay, nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân đang tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, ở một số địa bàn, các phòng khám đã trở thành trạm y tế lưu động (như quận Đống Đa), y bác sĩ từ cơ sở tư nhân trực tiếp tham gia hỗ trợ, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà.
Trước đó, trong những đợt cao điểm của chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 như tháng 9/2021, Hà Nội cũng kêu gọi sự hỗ trợ của hệ thống bệnh viện, phòng khám tư để hình thành các dây chuyền tiêm chủng, thực hiện tiêm chủng ở cộng đồng. Tới nay, trong chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, đối với các khu vực cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, TP vẫn kêu gọi sự tham gia của các y bác sĩ ở đơn vị tư nhân.
Riêng việc huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia làm việc tại các trạm y tế lưu động đã bắt đầu từ cuối năm 2021, khi Hà Nội triển khai mô hình này để theo dõi quản lý F0 tại nhà. Số lượng đơn vị tham gia tùy từng thời điểm, huy động trên tinh thần tự nguyện.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh số lượng ca nhiễm tăng lên giai đoạn gần đây, áp lực dành cho tuyến y tế cơ sở cao hơn. Đặc biệt, ở các khu vực số F0 tăng nhanh chóng cũng đã gây tình trạng quá tải tại một số thời điểm. Như vậy, lực lượng ngoài công lập khi tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch sẽ giúp giảm tải, chia sẻ áp lực với tuyến y tế cơ sở, là điều rất cần thiết.
“Ngoài lực lượng này, ngành y tế Thủ đô cũng rất cần sự tham gia của các lực lượng ở các lĩnh vực khác. Vì hệ thống y tế ngoài công lập sẽ giúp y tế cơ sở giải quyết được nhiệm vụ liên quan đến chuyên môn y tế, nhưng trong công tác phòng chống dịch còn những nhiệm vụ ngoài chuyên môn như công việc hành chính, cũng rất cần sự hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh nhiều phức tạp như hiện nay”, đại diện Sở Y tế chia sẻ.
Theo Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ca-mac-covid-19-ha-noi-tang-nhanh-nhieu-co-so-y-te-tu-nhan-ho-tro-dieu-tri-819886.html
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc