FLC bị hủy niêm yết và chuyện “yêu đúng cách, chọn đúng mã” hậu Valentine

Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023 | 13:5

Cổ phiếu hủy niêm yết, nhà đầu tư có bị mất trắng? Đó là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra sau thông tin FLC bị hủy niêm yết. Hậu Valentine, chuyện “yêu đúng người, chọn đúng mã” trên sàn chứng khoán đang được nhiều nhà đầu tư bàn tán.

Làm gì khi đang sở hữu cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Từ ngày 20/2/2023, 710 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) chính thức bị hủy niêm yết, do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HOSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Phản hồi lại quyết định này, chiều 14/2, FLC kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại quyết định hủy niêm yết cổ phiếu. Văn bản của FLC cho biết, xác định việc chưa có báo cáo kiểm toán xuất phát từ các nguyên nhân bất khả kháng. FLC đã liên tiếp có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước để giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ.

Sau thông tin này, câu hỏi “nhà đầu tư cần phải làm gì khi cổ phiếu bị hủy niêm yết” lại được đặt ra.

Theo khoản 2 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán: Các công ty sau khi có cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom với điều kiện công ty đó là công ty đại chúng. Và “cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom theo quy định tại Điều 133 Nghị định này” (Điều 133 quy định về đối tượng và thời hạn thực hiện đăng ký giao dịch).

Cụ thể hơn, tài liệu của Công ty CP Take Profit đưa ra 2 trường hợp cụ thể, là cổ phiếu hủy niêm yết chuyển sàn và không chuyển sàn.

Đối với cổ phiếu hủy niêm yết chuyển sàn, trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn có nghĩa là công ty đó hủy niêm yết ở sàn cũ để chuyển sang niêm yết ở sàn giao dịch mới. Nếu trường hợp bị hủy niêm yết do kinh doanh không tốt hay bất kỳ vấn đề nào đó liên quan đến vi phạm quy định niêm yết, theo quy định, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản. Vậy nên cổ phiếu sẽ được giao dịch trên sàn Upcom, nhà đầu tư có thể làm thủ tục giao dịch cổ phiếu như bình thường.

Với trường hợp cổ phiếu hủy niêm yết nhưng không chuyển sàn, có nghĩa là không được niêm yết trên sàn chứng khoán nữa cho dù là Upcom. Đối với cổ phiếu này thì nhà đầu tư hãy liên hệ với phòng cổ đông của công ty để được cấp lại sổ, và xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc bán dưới dạng thương lượng thỏa thuận với người khác.

“Nếu giao dịch trên sàn chứng khoán, việc mua bán cổ phiếu giữa các nhà đầu tư sẽ thuận tiện hơn, khả năng thanh khoản cao. Nhưng khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc, việc mua bán sẽ bị giảm đi rất nhiều và ảnh hưởng đến giá trị tài sản của cổ phiếu đó bởi các nhà đầu tư sẽ khó tìm và khó mua cổ phiếu hơn khi được giao dịch trên một sàn giao dịch chứng khoán lớn” - thông tin từ Take Profit cho hay.

Bảo vệ nhà đầu tư tương lai

Trên các diễn đàn chứng khoán, dù nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết có những lo lắng nhất định, tuy nhiên, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc huỷ niêm yết là bảo vệ nhà đầu tư tương lai. “Tất cả đều là bài học cho nhà đầu tư. Trước khi đầu tư cần đầu tư vào kiến thức và tầm nhìn trước của chính mình trước. Có chơi, có chịu, khẩu vị rủi ro cao thì phải chấp nhận sự cố” - một nhà đầu tư viết.

Theo ông Phan Linh - nhà sáng lập Công ty Take Profit, nhìn chung, lý do buộc các cổ phiếu phải “rời khỏi sàn" chủ yếu là vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên hay không minh bạch về công bố thông tin.

“Những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu và các cổ đông nhỏ sẽ bị thiệt hại lớn, do hầu hết cổ phiếu trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh. Mức giá thường dưới giá niêm yết rất nhiều, thanh khoản èo uột thậm chí nhiều cổ phiếu bị mất thanh khoản nên rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt. Hoặc ngược lại có không ít trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy niêm yết còn xảy ra hiện tượng tăng giá vì có những thông tin đồn đoán về việc có nhà đầu tư mới sẽ tái cấu trúc, được công ty lớn thâu tóm. Điều này khiến cho nhà đầu tư lao vào gom cổ phiếu như con thiêu thân để rồi sau đó phải khóc ròng” - ông Linh cho hay.

Cơ hội cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp bị hủy niêm yết là rất mong manh. Tuy nhiên, vẫn có một số thông tin có thể hy vọng. Đó là việc có một số nhà đầu tư lớn thu mua với mục đích tái cấu trúc hoặc thâu tóm doanh nghiệp. Có thể lựa chọn nắm giữ đối với những cổ phiếu bị hủy niêm yết có khả năng phục hồi. Việc đánh giá về khả năng phục hồi của 1 cổ phiếu bị hủy niêm yết là cực kỳ khó, đòi hỏi bạn phải có nhiều kiến thức cũng như nắm rõ các thông tin nội bộ.

Tuy nhiên, hãy dựa trên nguyên nhân bị hủy niêm yết của công ty, để xem nguyên nhân đó là gì, dựa vào đó có thể đánh giá được cơ bản các khả năng phục hồi của cổ phiếu. Với cổ phiếu có khả năng phục hồi, nếu không thể bán, nhà đầu tư có thể lựa chọn nắm giữ. Bởi cũng có rất nhiều cổ phiếu sau khi bị hủy niêm yết đã phục hồi rất tốt dựa trên các dự án đầu tư mới, việc tái cấu trúc hay dựa trên sự lãnh đạo của người mới.

Và “yêu đúng cách, chọn đúng người” là câu chuyện được đặt ra. Nhà đầu tư nên thận trọng để bảo vệ mình trước những rủi ro, chọn những mã cổ phiếu cơ bản, bền vững, lâu dài.

Nguồn:https://kinhtedothi.vn/