FLC gán nợ toà tháp 42 tầng cho ngân hàng rồi thuê lại làm trụ sở
Tài sản mà Tập đoàn FLC dùng để gán nợ là tòa tháp văn phòng tại số 265 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tập đoàn FLC vừa có tài liệu gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) bổ sung 51 nghị quyết của HĐQT về giao dịch với các bên liên quan từ năm 2018 đến tháng 5/2021 nhằm cải chính nội dung sai lệch, bổ sung thông tin trong báo cáo quản trị năm 2020, 2021, khắc phục các vi phạm về công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán của FLC.
Trong đó, có tài liệu do cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ký từ tháng 11/2020, thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của FLC và CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để thay nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC cùng các công ty con, công ty liên kết tại Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Tài sản mà Tập đoàn FLC dùng để gán nợ là tòa tháp văn phòng tại số 265 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tòa nhà FLC Cầu Giấy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019, với tổng diện tích hơn 101 nghìn m2 với 42 tầng, gồm 4 tầng hầm và 38 tầng nổi.
Đây là các tài liệu đáng ra phải được công bố trong trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm cuộc họp HĐQT kết thúc nhưng nay mới được Tập đoàn FLC đưa ra dưới hình thức công bố thông tin bổ sung.
Trước đó vào ngày 21/9/2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc sử dụng tài sản tại số 265 Cầu Giấy để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại OCB chi nhánh Thăng Long.
Tài sản bảo đảm là sàn thương phẩm kinh doanh của 3 tầng hầm, 6 tầng trung tâm thương mại (từ tầng 1 đến 6), khu tháp văn phòng (từ tầng 7 đến 17 và từ tầng 21 đến 38) tại tòa nhà địa chỉ 265 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
FLCHomes cũng gán nợ cho OCB các quyền sử dụng thửa đất Khu 2, Khu 3A + 3B + 3C tại địa chỉ số 265 Cầu Giấy. Khu 2 có diện tích 1.160 m2 để xây dựng tháp văn phòng cao 38 tầng nổi và 4 tầng hầm. Khu 3A + 3B + 3C có diện tích 2.297 m2 để xây khu thương mại cao 5 tầng. Thời hạn sử dụng của các thửa đất đều là 50 năm kể từ ngày 3/1/2012.
Sau khi gán nợ tòa trụ sở chính, HĐQT Tập đoàn FLC quyết định thuê lại từ OCB một phần diện tích của chính tòa nhà này để phục vụ hoạt động kinh doanh của FLC và các bên thứ ba do FLC chỉ định.
Tại phiên họp cổ đông của OCB mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết OCB cho Tập đoàn FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 2 dự án bất động sản ở Quảng Ninh. OCB cũng cho Bamboo Airways vay khoảng 1.000 tỷ đồng với tài sản thế chấp bằng bất động sản. Giá trị bất động sản thế chấp của FLC tại OCB đã lên tới trên 2 nghìn tỷ đồng và các tài sản đất đai này có sổ đỏ đầy đủ.
Khi đó, đại diện OCB cho biết, ngân hàng muốn thu hồi nợ của FLC khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng ngay trong tháng 4 và phía FLC cũng "hợp tác rất tốt với các ngân hàng" để trả nợ.
Theo số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I của FLC, tại thời điểm 31/3/2022, dư nợ ngắn hạn của FLC tại OCB là hơn 700 tỷ đồng, vay dài hạn thông qua trái phiếu phát hành cho OCB Chi nhánh Thăng Long và OCB Chi nhánh Hà Nội lần lượt là 396 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.
Đầu 2019, Tập đoàn FLC và Ngân hàng OCB đã hợp tác toàn diện cùng phát triển với đại diện là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC lúc bấy giờ và ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB. Theo đó, OCB sẽ cung cấp các giải pháp tài chính về dịch vụ tín dụng trung - dài hạn, cấp vốn lưu động và tài trợ vốn để hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển dự án của FLC cũng như các đơn vị thành viên.
Nguồn
https://vietnamnet.vn/flc-gan-no-toa-thap-42-tang-cho-ngan-hang-vay-nghin-ty-2016994.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine