Gần 12.000 tỷ đồng xử lý bất cập tại 7 dự án BOT đường bộ
Theo tính toán của Vụ đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải), nếu xét về giải pháp tổng thể để xử lý vướng mắc, bất cập tại 7 dự án BOT cần bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.710 tỷ đồng.
Cụ thể, hiện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xử lý vướng mắc, bất cập tại 14 trạm thu phí. Tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các trạm được bảo đảm, công tác thu phí hoàn vốn cơ bản ổn định.
Giải pháp tổng thể để xử lý vướng mắc, bất cập tại 7 dự án BOT đường bộ cần bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.710 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Đối với 7 dự án BOT còn lại, giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cần bổ sung vốn nhà nước nên vượt thẩm quyền của Bộ GTVT.
Các dự án BOT cần xử lý bất cập gồm: Dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 và đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (trạm Bờ Đậu - chưa thu phí) 3.097 tỷ đồng. Dự án BOT xây dựng mới Quốc lộ 26 qua Ninh Hòa và nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 26 qua Khánh Hòa, Đắk Lắk (trạm Ninh Xuân) 550 tỷ đồng.
Dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 91 và 91B tại Cần Thơ (trạm T2) 587 tỷ đồng. Dự án BOT cầu Thái Hà nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (trạm cầu Thái Hà) 1.466 tỷ đồng.
Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 tránh phía Đông và phía Tây thành phố Thanh Hóa (trạm Bỉm Sơn - đã dừng thu phí) 741 tỷ đồng. Dự án BOT nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1.738 - km 1.736 (trạm thu phí km 1.747) 706 tỷ đồng.
Dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2 (không được thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan như phương án tài chính) 2.280 tỷ đồng.
Theo ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), tại các dự án BOT nêu trên, nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác.
Tuy vậy việc chưa được thu phí tại các dự án BOT hoặc đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước.
Theo các quy định tại hợp đồng dự án BOT, trường hợp xảy ra tình huống bất khả kháng làm ảnh hưởng đến việc thu phí hoặc doanh thu thu phí, Bộ GTVT có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền để hỗ trợ cho nhà đầu tư đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận theo hợp đồng.
Bên cạnh đó thanh toán, bồi thường các khoản chi phí do nhà đầu tư đã thực hiện, được xác định thông qua kiểm toán.
Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) cũng quy định, việc chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn áp dụng khi dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án PPP.
Về thẩm quyền quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, ông Lê Kim Thành cho hay, các dự án BOT giai đoạn trước đây được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, nên thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Nếu xét về giải pháp tổng thể để xử lý vướng mắc, bất cập tại 7 dự án BOT cần bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.710 tỷ đồng. Theo quy định của pháp luật về đầu tư công, phải trình Quốc hội quyết định chủ trương.
Nguồn https://congluan.vn/gan-12000-ty-dong-xu-ly-bat-cap-tai-7-du-an-bot-duong-bo-post195238.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam