Gần 650 nghìn lượt người hưởng chế độ ốm đau do mắc Covid-19
Chiều 28/4, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý I/2022.
Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý I/2022.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là thu nhập và việc làm của người lao động, gây khó khăn nhất định cho việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Toàn ngành đã chủ động, quyết tâm, “biến khó khăn, thách thức thành động lực”, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục bảo đảm kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Kết quả, trong quý I/2022, toàn ngành đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ cho hơn 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2021; hơn 308 nghìn lượt người hưởng chế độ thai sản; gần 199 nghìn lượt người hưởng mới các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; gần 27,8 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Tại hội nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp một số thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần đang được dư luận xã hội quan tâm như những thiệt thòi của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đinh Thị Thu Hiền cho biết, việc nhận bảo hiểm xã hội 1 lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi ngay khi hưởng 1 lần, toàn bộ thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó của người lao động không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Theo thống kê, đến hết quý I/2022, giải quyết 208 nghìn người nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, lũy kế từ đầu năm đến nay là 302 nghìn người. So sánh cùng kỳ năm trước, tăng 1%; bốn tháng đầu năm có giảm 3% so cùng kỳ năm 2021...
Về kết quả giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động mắc Covid-19 trong quý I/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho 648.012 lượt người hưởng chế độ ốm đau do bị mắc Covid-19 với số tiền hơn 987 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số tiền chi trả đối với chế độ ốm đau.
Số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong quý I/2022 tăng 124%, số tiền chi trả tăng gần 300% so cùng kỳ năm 2021; mức hưởng bình quân 1 người bị ốm đau do mắc Covid-19 là hơn 1,5 triệu đồng; thời gian hưởng bình quân là 8,5 ngày.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp nhận các hồ sơ giấy tờ để giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 theo đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.
Về giải quyết vướng mắc trong hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 điều trị tại nhà, ngày 2/3/2022, Bộ Y tế đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 279/TTr-BYT về việc giải quyết cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 và đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn chỉ đạo Giám đốc Bảo hiểm xã hội các địa phương bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi đối với người lao động bị mắc Covid-19 có đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.
Để công tác triển khai đạt hiệu quả tốt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người lao động nhận chế độ bảo hiểm xã hội trực tiếp qua tài khoản cá nhân của người lao động để việc giải quyết và thụ hưởng chính sách được minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện.
Tính đến hết quý I/2022, đã có hơn 16,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,77% so cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so cùng kỳ năm 2021); hơn 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so cùng kỳ năm 2021; hơn 85,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 87,44% dân số.
Nguồn nhandan.vn
https://nhandan.vn/bhxh-va-cuoc-song/gan-650-nghin-luot-nguoi-huong-che-do-om-dau-do-mac-covid-19-695057/
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024