Gần 90% công nhân, lao động trở lại làm việc sau Tết: Tín hiệu vui đầu năm mới
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với trên 2,7 triệu lao động. Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Giáp Thìn (mùng 6 Tết Nguyên đán), khối sản xuất có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng với 88,67% công nhân lao động trở lại sản xuất.
Đây là tín hiệu vui cho thấy các doanh nghiệp và người lao động đã sẵn sàng cho một năm mới với kỳ vọng ổn định việc làm, đời sống công nhân nâng cao, doanh nghiệp tăng trưởng.
Công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: Hà Anh
80,78% doanh nghiệp mở xưởng khai xuân
Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến ngày 15-2 (mùng 6 Tết), có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 88,67% số công nhân lao động trở lại làm việc. Số doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ mở xưởng vào ngày 19-2-2024.
Riêng ngành Dệt may Hà Nội đã có 44/62, tương đương 70,96% đơn vị trở lại hoạt động bình thường để đáp ứng đơn hàng sản xuất. Ngay từ ngày làm việc đầu tiên, công nhân, viên chức, người lao động đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao mừng Đảng, mừng xuân mới, tạo khí thế thi đua từ ngày đầu, tháng đầu năm.
Tại Công ty Sumitomo Heavy, anh Nguyễn Văn Quý, một trong những công nhân được tổ chức Công đoàn đưa về quê ăn Tết và trở lại Hà Nội làm việc chia sẻ, chính sự quan tâm và những món quà ấm áp trong những ngày đầu xuân năm mới của tổ chức Công đoàn là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với các anh chị em công nhân trong công ty, tạo động lực để mọi người gắn bó hơn với nghề và đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô.
Tương tự, tại Nhà máy Nước Yên Phụ thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội, toàn hệ thống đã sẵn sàng tâm thế mới với khát vọng và quyết tâm cống hiến thật nhiều cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ trước mắt là nỗ lực thi đua triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án, bảo đảm tất cả các hoạt động cấp nước bình thường những ngày đầu năm mới; vận hành mạng lưới cấp nước lưu thông phân phối, bố trí phương tiện, thiết bị, xe téc cấp nước 24/24 giờ để xử lý kịp thời các sự cố…
Tín hiệu khả quan cũng diễn ra ở địa bàn quận Long Biên. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Nguyễn Trường Giang, do làm tốt công tác chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán nên đã có 95% cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn bắt tay vào công việc những ngày đầu năm mới.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thăm, động viên công nhân Công ty TNHH URC Hà Nội. Ảnh: Mai Quý
Xuân mới với nhiều kỳ vọng
Đón xuân mới với khí thế mới, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố, nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước với phương châm đoàn viên, người lao động là trung tâm, Công đoàn cơ sở là địa bàn hoạt động. Nội dung các phong trào thi đua được triển khai cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực.
Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp, tập trung phát động thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và chủ đề công tác năm 2024 theo chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...
Để chăm lo tốt hơn công nhân, người lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Đống Đa Lê Thị Kim Huệ đề xuất, cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua, tổ chức Công đoàn tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ tới Chính phủ và các cấp, ngành trong tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật tại các doanh nghiệp; nâng cao công tác đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; có biện pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp và có chế tài xử lý nghiêm những doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, trốn đóng kinh phí công đoàn.
Là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn Thủ đô, nhiệm kỳ 2023-2028, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho hay, sẽ có nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân các khu công nghiệp và chế xuất. Đặc biệt, vừa qua, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính Công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê, mua, cán bộ công đoàn và công nhân, lao động rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Đình Thắng kỳ vọng, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ nhanh chóng triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê, mua; đáp ứng kịp thời nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, giúp họ yên tâm làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp.
- Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ
- Anh dân quân không tham của rơi, tìm người để trả
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3