Gậy ông đập lưng ông?
Hai phiên liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt chao đảo vì tác động của việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu ngày 10/1 và Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bỏ cọc đất đấu giá Thủ Thiêm.
Hàng nghìn tỷ đồng vốn liếng của hơn 19.000 tài khoản chứng khoán bỗng chốc bốc hơi khi đang từ giá trần chuyển sang giá sàn sau phi vụ “đánh úp” của Chủ tịch FLC. Hàng chục nghìn tỷ đồng cũng bay khỏi tài khoản của tất cả các nhà đầu tư trên thị trường do tác động của hai sự kiện trên.
Sẽ không phải là chuyện lớn nếu trước đó cả hai vị lãnh đạo doanh nghiệp này từng có các hành động “úp sọt” và “xù cọc” nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sự kiện đấu giá. Năm 2017, ông Quyết bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước phạt 65 triệu đồng vì tội bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC. Bị phạt số tiền nhỏ nhưng phi vụ này đã giúp ông chủ FLC thu về khoảng 400 tỷ đồng. Với ông Dũng, việc “chạy làng” sau khi từ chối trả 6 tỷ mua cặp chóe Tứ Linh đã đấu giá thắng trước đó cũng là “vết” trong lịch sử tham gia kinh doanh của ông và Tân Hoàng Minh.
Ở khía cạnh nhà đầu tư, việc ông Quyết “chơi xấu” nhà đầu tư và cũng chính là các cổ đông của FLC được đánh giá sẽ khiến cá nhân và doanh nghiệp ông phải trả giá rất lớn. Nhưng ở góc độ nào đó, ông Quyết đáng trách một, những nhà đầu tư trong cơn say hốt bạc từ cổ phiếu nóng FLC cũng đáng phải trả giá gấp 10 lần. Rủi ro đi kèm lợi nhuận và ngược lại đã chứng minh rất rõ trong trường hợp này.
Dù có một năm dậy sóng với 1,5 triệu tài khoản cá nhân mở mới kỷ lục chưa từng có, thị trường chứng khoán ở Việt Nam vẫn được đánh giá còn non trẻ và là cơ hội lớn cho các quỹ, các nhà đầu tư ngoại và tổ chức trong nước tham gia cuộc chơi. Những kẽ hở về quản lý rồi cũng sẽ được bịt lại giúp thị trường chứng khoán không bị biến thành sòng bài cho các đội lái, hội nhóm. Nhưng với các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cả cơ quan công an có lẽ đã đến lúc nhìn lại câu chuyện bán chui của ông Quyết: Có sự tiếp tay của các đội lái và công ty chứng khoán đứng sau trong việc liên tục thổi giá và không cảnh báo khi phát hiện việc bán chui?
Việc có nên cho các công ty chứng khoán, vốn hưởng lợi rất lớn về doanh thu và lợi nhuận (có công ty quy mô vốn tương đương sức mạnh của một ngân hàng lớn), từ sự bùng nổ của thị trường hai năm trở lại đây, tiếp tục đầu tư, gây nhiễu thị trường cũng là ý kiến cần lưu tâm lúc này.
Thị trường chứng khoán luôn có cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng, đầu cơ nhưng cũng sẵn sàng phô ra những góc khuất khiến những con thiêu thân phải trả giá khi lao vào các cổ phiếu đã tăng 2, 3, thậm chí 4 lần.
Cuộc chơi nào cũng có người thắng người thua. Người định kiếm chác từ bán chui cổ phiếu và kẻ nhăm nhe từ việc đánh bạc trên thị trường chứng khoán đều đã phải trả giá. Câu “Tham thì thâm” hoặc “gậy ông đập lưng ông” là phù hợp với diễn biến vừa qua khi nhiều người muốn hốt bạc nhưng thiếu những kiến thức, kỹ năng phản ứng cũng như độ tỉnh táo khi lao vào thị trường chứng khoán.
Các cơ quan quản lý cũng sẽ phải làm tròn vai hơn nữa trong việc giám sát thị trường, đặc biệt với những hành vi bán chui, bán khống hoặc xù cọc gây thiệt hại chung cho cả thị trường của những người mang danh “ông lớn”.
Nguồn Tienphong.vn
https://tienphong.vn/gay-ong-dap-lung-ong-post1409149.tpo
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá