Gia Lai cần tạo ra bước đột phá riêng
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, Thủ tướng cho rằng, Gia Lai cần tạo ra bước đột phá riêng, phù hợp đặc điểm của địa phương, trong đó chú ý phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phải tập trung không manh mún; tiếp tục cải thiện môi trường thu hút đầu tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Chiều 21/5, tại khách sạn Hoàng Anh (thành phố PleiKu), UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022. Đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh; Đại diện Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng cùng hơn 400 khách mời là các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Báo cáo tại hội nghị, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu kêu gọi đầu tư hơn 40 nghìn tỷ đồng/năm, gấp 1,8 lần so giai đoạn 2016-2020. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai đã thu hút, kêu gọi đầu tư 515 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án, tăng 36 lần về vốn so giai đoạn 2011-2015; riêng trong năm 2021, có 60 dự án được phê duyệt với tổng số vốn đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng; 172 dự án được nhà đầu tư quan tâm, đề xuất với tổng số vốn đăng ký 67.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai còn chú trọng và tăng cường xúc tiến đầu tư tại các nước: Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Hàn Quốc, Nhật Bản... thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác trên các lĩnh vực, hứa hẹn nhiều triển vọng về thu hút đầu tư trong thời gian tới. Hiện nay, nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đóng góp lớn cho kinh tế-xã hội của địa phương.
Ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều quyết định ưu đãi cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, quảng bá phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng... Đồng thời xác định, cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm “Nhanh, gọn, hiệu quả”.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Gia Lai triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh (PCI); cải cách hành chính (Par Index); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)... liên tục tăng trong những năm qua, tiêu biểu PCI của Gia Lai năm 2021 tăng 12 bậc so năm 2020, đứng thứ 26 toàn quốc và thứ 2 khu vực Tây Nguyên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông tin một cách khái quát nhất tình hình thế giới và trong nước. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhất là qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, với nhiều tác động trên nhiều mặt, các địa phương, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận trên cơ sở toàn cầu và toàn dân, trên cơ sở đó mới thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Thủ tướng cho rằng, cần phải xác định rõ 3 nguồn lực quan trọng là: Con người; thiên nhiên; nền tảng văn hóa; phải kết hợp hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa các nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để tạo nên những đột phá trong tư duy, nhất là tư duy quản lý…
Đối với tỉnh Gia Lai, Thủ tướng cho rằng, Gia Lai là tỉnh Tây Nguyên có tầm quan trọng trong chiến lược toàn vùng Tây Nguyên; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, thương mại quan trọng trong khu vực và 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia; có tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Giao thông của tỉnh Gia Lai cũng tương đối thuận lợi với các Quốc lộ 19, 25, 14, 14C, đường Đông Trường Sơn và Cảng hàng không Pleiku.
Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực mà tỉnh Gia Lai đạt được trong công tác thu hút, kêu gọi đầu tư trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, Gia Lai cần tạo ra bước đột phá riêng, phù hợp đặc điểm của địa phương, trong đó chú ý phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phải tập trung không manh mún; tiếp tục cải thiện môi trường thu hút đầu tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tập trung nâng cao chất lượng nguồn năng lực, mạnh dạn đổi mới công nghệ và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xem đây là động lực, là nguồn lưc để phát triển bền vững.
Trao các quyết định đầu tư vào tỉnh Gia Lai giai đoạn 2020-2025. (Ảnh: PHAN HÒA)
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, đã có 17 dự án được trao quyết định đầu tư với tổng số vốn 15.000 tỷ đồng; 29 dự án ký kết ghi nhớ với tổng số vốn đăng ký hơn 115.000 tỷ đồng.
Nguồn https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/gia-lai-can-tao-ra-buoc-dot-pha-rieng-698185/
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam