Giá USD lên mức cao nhất lịch sử

Thứ bảy, ngày 1 tháng 10 năm 2022 | 8:32

Lần đầu tiên các ngân hàng tăng giá USD lên mức cao nhất lịch sử, trên 24.000 đồng/USD. Giá đồng bạc xanh đã tăng gần 5% so với đầu năm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thắng lớn, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu hay vay nợ bằng ngoại tệ thì như ngồi trên đống lửa.

Vượt mức 24.000 đồng/USD

Ngày 30.9, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng giá bán USD thêm 225 đồng, lên 23.925 đồng/USD. Đây là lần thứ 4 trong năm, nhà điều hành tăng giá bán USD tổng cộng 905 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 3,93%. Thế nhưng ở chiều mua vào, Sở Giao dịch NHNN không công bố giá. Giá USD trên thị trường cũng nhảy tăng lên trong ngày, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử khi các NH thương mại đã tăng giá USD vượt mức 24.000 đồng/USD, cao nhất là 24.010 đồng/USD. Chỉ tính riêng hôm qua, USD đã tăng thêm 40 - 50 đồng, tại Eximbank giá mua lên 23.710 - 23.730 đồng, bán ra lên 24.000 đồng/USD; Vietcombank bán ra lên 24.010 đồng, mua vào 23.700 - 23.730 đồng/USD. Mức giá USD cao nhất trong ngày thuộc về MSB lên 24.023 đồng ở chiều bán ra, mua vào lên 23.737 đồng…

 
 
 
Current Time0:00
/
Duration3:01
 
 
 
 
 
Auto
 
 
Ngân hàng chính thức tăng giá USD lên 24.000 đồng
Giá USD lên mức cao nhất lịch sử - ảnh 1

Giá USD tăng mạnh vượt qua 24.000 đồng/USD

NGỌC THẮNG

Trên thị trường liên NH, giá USD vẫn tiếp tục tăng trong sáng qua thêm 30 đồng, lên 23.870 đồng/USD. Lượng USD can thiệp thị trường từ nhà điều hành trong thời gian qua vẫn không hạ nhiệt được đà tăng giá của ngoại tệ. Chỉ 1 tuần sau khi NHNN tăng lãi suất (LS) điều hành, giá USD đã tăng khoảng 0,7% và tăng 4,85% so với đầu năm. Theo một trưởng phòng kinh doanh ngoại hối, tình trạng tín dụng eo hẹp nên LS cho vay USD của các NH cũng tăng lên so với trước. Thêm vào đó, tâm lý doanh nghiệp (DN) có USD lại chưa vội bán ra trong giai đoạn này nên nguồn USD trên thị trường cũng không mấy dồi dào.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng LS sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của VN. Mỹ tăng LS đồng nghĩa giá USD sẽ còn đi lên. Đáng nói, đợt nâng LS này của Fed vẫn chưa phải là cuối cùng mà sẽ còn kéo dài qua năm tới. Chưa kể bản thân tiền đồng (VND) đang bị sức ép mất giá do thâm hụt cán cân vãng lai. Đó là hai nguyên nhân chính làm áp lực giảm giá VND mạnh hơn. Áp lực này vẫn còn tiếp tục đến giữa năm 2023 hoặc thậm chí còn lâu hơn. “Khi tỷ giá hối đoái tăng sẽ đẩy lạm phát tại VN đi lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cũng lên theo. Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng gia tăng khi quy đổi theo VND. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy gia tăng rủi ro vào VN dù đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Từ đó có thể khiến họ lo ngại và làm giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN”, TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.

Ở chiều ngược lại, đồng bạc xanh trên thế giới tăng đồng nghĩa với các loại hàng hóa gắn theo USD như vàng, nhiên liệu lại sụt giảm, giúp làm hạ nhiệt mặt bằng giá trên thị trường. Theo dự báo của TS Lê Xuân Nghĩa, có khả năng VND cả năm 2022 sẽ giảm khoảng 5 - 5,2% và đây vẫn là mức thấp nếu so với đồng tiền của nhiều nước. “Đồng yen Nhật đã giảm 40%, bảng Anh mất 30% và euro sụt đi 20%. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều giảm mạnh hơn VND. Vì vậy, tỷ giá ở VN chưa đến mức quá căng thẳng. VN sẽ có 2 giải pháp là tăng LS và sử dụng các công cụ trên thị trường mở để hút tiền về. Đồng thời trong một số thời điểm có thể bán ngoại tệ ra thị trường để giữ tỷ giá ổn định. Thông thường, khi tăng LS thì sẽ khiến kinh tế gặp khó. Nhưng thường kinh tế chỉ bị tác động sau một thời gian nên có thể đến năm 2023 mức độ tăng trưởng sẽ chậm lại”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Xuất khẩu thắng lớn, vay ngoại tệ lo ngại

Bà Anh Thư, Giám đốc Công ty thủy sản T.N, cho hay từ mấy tháng trở về trước, khi đối tác thanh toán tiền hàng thủy sản (tôm) khoảng 50.000 - 100.000 USD, công ty bán lại cho NH ngay để lấy tiền đồng. Thế nhưng trước tình hình giá USD tăng lên, DN quyết định không vội bán mà chờ mức giá USD thích hợp. Trường hợp cần vốn VND để trả tiền nuôi tôm cho nông dân thì công ty mới bán lượng ngoại tệ hoặc vay đối ứng. Theo tính toán của bà Anh Thư, giá USD tăng sẽ mang về cho công ty mức lợi nhuận cao hơn dự kiến ban đầu. Hoạt động xuất khẩu quý cuối cùng của năm tại T.N đang thuận lợi, công ty tập trung trả đơn hàng cho khách. “Thế nhưng trước tình hình biến động như hiện nay, công ty cũng không dám nhận thêm đơn hàng vì nguồn nhân lực không đủ làm. Nói chung DN xuất khẩu hàng thủy sản như chúng tôi sẽ có một năm bội thu, đặc biệt là từ nguồn tỷ giá mang lại”, bà Anh Thư hào hứng.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, cũng thừa nhận giá USD bật tăng cao giúp các DN xuất khẩu có thêm một khoản bỏ túi. Ví dụ, một tấn cà phê từ VN xuất khẩu với giá 2.400 USD trước đây DN chỉ thu về khoảng 56,16 triệu đồng thì nay sẽ lên 56,88 triệu đồng, lãi thêm 720.000 đồng. Bình quân một tháng công ty xuất khẩu khoảng 6.000 tấn thì số tiền thu về sẽ tăng thêm hơn 4,3 tỉ đồng. Đây là một số tiền không nhỏ, góp phần đưa doanh số của Phúc Sinh Group cả năm nay ước tính tăng thêm 40% so với năm 2021. Đáng chú ý, với việc xuất khẩu các nông sản của VN như cà phê, tiêu… thì nguyên liệu đều hoàn toàn trong nước nên không rơi vào tình trạng được đầu này, mất đầu kia như một số ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. “Chúng tôi cũng có bán hàng tiêu dùng nhưng sản phẩm nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5%. Công ty cũng có nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu khá lớn nên việc bù lỗ cho ngoại tệ nhập hàng về không đáng kể. Giá USD tăng cao thì các DN xuất khẩu sẽ vui, nhưng ngược lại công ty nào nhập khẩu sẽ có nguy cơ bị lỗ. Nói chung từ đầu năm đến nay tỷ giá hối đoái biến động quá mạnh sẽ khiến các DN gặp khó khăn, nhất là các công ty nhỏ không đủ nguồn lực, công cụ để có thể dự phòng rủi ro tỷ giá”, ông Thông chia sẻ.

Đồng tình, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng về lý thuyết, đồng USD tăng giá sẽ giúp các DN dệt may chủ yếu xuất khẩu sẽ có lợi nhiều hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, các nguyên phụ liệu của ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu nhiều nên bù trừ qua lại sẽ không còn chênh lệch nhiều. Hơn nữa, trong bối cảnh đơn hàng đang sụt giảm mạnh thì DN lo lắng để tìm cách có hàng hóa, duy trì sản xuất hơn là về nỗi vui khi tỷ giá tăng.

Trong khi đó, báo cáo vừa phát hành của Công ty CP chứng khoán VNDirect cho thấy, nhiều DN niêm yết đang có cơ cấu nợ vay bằng USD khá lớn sẽ chịu áp lực gia tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá. Đối với thời hạn trả lãi, những DN có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn. Ngược lại, những DN có tỷ trọng cao khoản vay USD dài hạn sẽ chưa phải đối diện với việc đáo hạn nợ gốc. Tuy nhiên, biến động bất lợi của tỷ giá cũng sẽ khiến cho các DN này phải đánh giá lại khoản vay và ghi nhận lỗ kế toán trên báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như gia tăng chi phí lãi vay… Chẳng hạn, Tổng công ty Phát điện 3 (mã chứng khoán PGV) cũng có khoảng 36.868 tỉ đồng dư nợ vay bằng USD, chiếm 86,6% tổng dư nợ vay của DN; Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận 21.815 tỉ đồng dư nợ vay bằng USD, tương đương tỷ lệ 66,3% trên tổng dư nợ. Hoặc Tổng công ty CP khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) và Nhiệt điện Hải Phòng (HND) có dư nợ vay 100% bằng USD, lần lượt là 3.904 tỉ đồng và 1.547 tỉ đồng...

Tỷ giá hối đoái USD/VND tăng cũng có mặt thuận lợi là nhờ đó DN có thể giảm giá để cạnh tranh lấy đơn hàng. Ví dụ trước đây đơn giá là 10 USD khi thu về chỉ được 23.000 đồng thì nay có thể giảm xuống 9 - 9,5 USD để đàm phán với khách hàng ngoại cho những hợp đồng mới.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM