Giá bột mì tiếp tục tăng, người làm bánh “khóc ròng”
Trong làn sóng “bão giá” ngày một khó lường như hiện nay, bột mì là một trong những loại nguyên liệu tăng giá cao và liên tục gây khó khăn cho rất nhiều cửa hàng kinh doanh, làm bánh.
Nhiều cửa hàng đã rục rịch tăng giá các sản phẩm, thậm chí có nơi còn tạm ngưng bán vì giá thành đắt đỏ, trong khi khách kém.
Giá bột mì tiếp tục tăng
Thời gian gần đây, không chỉ xăng mà hàng loạt thứ khác cũng không ngừng tăng giá. Thậm chí, nhiều hàng hoá còn đội giá lên đến mức chóng mặt.
Giá bột mì liên tục tăng trong tháng 3 khiến người tiêu dùng và cả người buôn bán nhỏ lâm vào cảnh khốn đốn vì buôn bán ế ẩm.
Theo khảo sát của PV, vào đầu tháng 4, giá bột mì Cái Lân (bao 25kg) có giá 453.200 đồng; giá bột mì 3 bông hồng chạm mốc 437.750 đồng/bao 25kg; giá bột mì SSB Uniflour 900.000 đồng/bao 25kg; bột mì bánh ngọc Uniflour có giá 550.000 đồng/bao 25kg, bột mì bông lan Uniflour 550.000 đồng/25kg…
Giá bột mì tiếp tục tăng trong làn sóng “bão giá” (cập nhật giá một số loại bột mì vào ngày 3/4).
Chỉ trong tháng 3/2022, giá bột mì đã có tới hai lần điều chỉnh giá khiến cho những người kinh doanh lao đao.
Đại diện Công ty Meizan CLV cho biết từ cuối năm 2021 đến nay giá nhiều nguyên liệu tăng 30%-40%, cước vận chuyển tăng cao. Thế nhưng từ đầu năm đến nay công ty cố gắng chỉ điều chỉnh các sản phẩm bột, mì tăng 7%-10%.
Bà Huỳnh Phương Trinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh bột quốc tế Intermix chia sẻ rằng tất cả nguyên liệu công ty nhập từ đầu năm đến nay mặt hàng nào cũng tăng giá 20%-30%.
Đặc biệt, trong hai tháng đầu năm giá bột mì nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, châu Âu tăng đột biến hơn 50%. Nhà cung cấp cho biết không đủ nguyên liệu thô, lúa mì sản xuất nên cung cấp không đủ sản lượng khiến doanh nghiệp phải tìm nhà cung cấp khác.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn kìm giá và đang thông báo lộ trình từ tháng 3, 4 tùy mặt hàng, tùy đơn vị đã ký hợp đồng mới điều chỉnh tăng giá 10%-15%” - bà Trinh cho biết.
Thành phẩm của bột mì “bắt buộc” phải tăng giá
Gía bột mì và các nguyên liệu tăng chóng mặt khiến cho các cửa hàng kinh doanh bánh đã phải điều chỉnh lại mức giá bán.
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ sản xuất cơ sở bánh mì Nam Hà (Hải Dương) đã thông báo điều chỉnh mức giá bán vào ngày 22/3.
Theo như chị Hà chia sẻ: “Cửa hàng chúng tôi luôn cố gắng bình ổn giá bán để tạo điều kiện cho khách hàng có nhiều trải nghiệm tại cửa hàng. Nhưng do thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, tiêu biểu nhất là giá bột mì, bơ, dầu tăng mạnh. Do đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí nguyên liệu làm bánh mì”. Vì vậy cửa hàng chị Hà đã quyết định tăng giá bánh lên 1.000 đồng/mỗi loại bánh.
“Sau khi thị trường có dấu hiệu bình ổn trở lại bánh sẽ điều chỉnh lại giá bán. Cửa hàng mong nhận được sự chia sẻ và đồng cảm của khách hàng”, chị Hà nói thêm.
Một công ty bột mì đã điều chỉnh giá bán lẻ trong tháng 3/2022 hai lần.
Chị Hoàng Oanh, chủ một cửa hàng bánh ngọt ở Lào Cai chia sẻ: “Do tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên bánh mì nhà mình cũng tăng nhẹ lên chút. Bột mì năm 2021 tăng gần chục lần, năm 2022 mới 1 tháng đã tăng 2 lần giá và còn tăng đều lên nữa, đường tăng gấp đôi, bơ, dầu cũng tăng gấp đôi luôn, toàn thấy tiền đi mà chả thấy tiền về”.
Chật vật trước cơn “bão giá” bột mì.
Không chỉ những cửa hàng kinh doanh các sản phẩm bánh mì, bánh ngọt lao đao, mà những người tiêu dùng cũng chật vật trước cơn “bão giá”.
Cầm ổ bánh mì trong tay, chú Sáu bán đồ nuôi cá tại Lạc Long Quân (Tân Bình) than thở: “Giá cả hàng hóa gì tăng riết muốn lên tăng xông quá. Ổ bánh mì này trước có 10.000 đồng, giờ 13.000 đồng rồi. Đó là loại thường, nếu đặc biệt thêm miếng chả phải 17.000 đồng…”.
Chị Trần Thị Trâm, chủ lò bánh mì Huệ Di (Buôn Ma Thuột) nói: “Bữa giờ bột mì lên mấy trăm nghìn một bao rồi chứ ít gì. Nghĩ mà nó bạc, thức trắng cả đêm để làm cho ra được ổ bánh”.
“Thứ gì cũng tăng, đến ổ bánh mì cũng lên giá. Nhưng bột mì Việt Nam mình nào có tự sản xuất được. Mà nhập về thì công ty, đại lý cứ báo lên giá ầm ầm. Đơn giản là lúa mì hiếm, phí vận chuyển cao thì nó đẩy giá lên thôi, Nhích mỗi loại lên 200 đồng. Thiệt tình chỉ đủ bù lỗ tiền xăng thôi”, chị Trâm chia sẻ.
Công ty Vimaflour thông báo tăng giá bột mì trong tháng 3.
“Khổ cho ngành bánh khi giá nguyên liệu tăng 20-30%. Thấy ngộp thở, vì giờ mọi thứ đều bị ảnh hưởng lạm phát, chúng ta đang gồng sắp hết nổi rồi. Cũng mong các khách hàng thông cảm, nghề của chúng mình cũng vất vả phải cặm cụi mới hoàn thiện được cái bánh”, chị Đoàn Thị Vân, chủ cửa hàng bánh kem Phong Vân (Lâm Đồng) chia sẻ.
Dự báo giá bột mì trong năm sẽ còn tiếp tục tăng, vì vậy những cửa hàng kinh doanh các loại bánh ngọt, bánh mì sẽ phải tiếp tục tìm cách để duy trì trong cơn “bão giá”.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/gia-bot-mi-tiep-tuc-tang-nguoi-lam-banh-khoc-rong-post188463.html
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 25/11/2024: Thêm ngân hàng tăng lần 2 trong tháng
- Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm