Giá dầu đi về đâu sau một loạt các báo cáo tháng quan trọng?

Thứ năm, ngày 16 tháng 6 năm 2022 | 19:49

Hiện nay, kiềm chế lạm phát luôn là một trong những mục tiêu quan trọng của các nhà hoạch định chính sách. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch, chi phí năng lượng ngày càng gia tăng khiến cho giá dầu thô trở thành một chủ đề nóng được nhiều quốc gia và tổ chức đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Thị trường biến động mạnh, các tổ chức năng lượng khó thống nhất quan điểm

Từ đầu năm tới nay, giá dầu thô WTI đã tăng 53% lên 115,3 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent cũng tăng đến 50% và chạm mốc 118,5 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng, đo lường sự biến động của các mặt hàng trong nhóm, cũng tăng đến gần 70% lên mức 5.704 điểm.

Giá dầu đi về đâu sau một loạt các báo cáo tháng quan trọng? -0

 

Yếu tố chính dẫn dắt thị trường vẫn là những thông tin xoay quanh tình hình nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu. Các số liệu này thường được rất nhiều tổ chức theo dõi và đưa ra dự báo hằng tháng, tuy nhiên giá dầu thường phản ứng mạnh nhất với các báo cáo thuộc 3 tổ chức năng lượng lớn là: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). 

Trong đợt phát hành báo cáo mới nhất vào tháng 6 mới đây, số liệu từ các cơ quan này vẫn cho thấy một vài sự phân hóa nhất định, dẫn đến nhiều biến động đối với giá dầu thô thế giới. 
Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO), EIA nâng ước tính tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 lên 99,63 triệu thùng từ mức 99,61 triệu thùng so báo cáo tháng 5. Sản lượng dầu toàn cầu cũng được điều chỉnh tăng từ 99,89 triệu thùng lên 100,08 triệu thùng. 

Trong khi đó, báo cáo tháng 6 của OPEC giữ nguyên ước tính tiêu thụ dầu là 100,29 triệu thùng. OPEC nhấn mạnh sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ trong nửa cuối năm sẽ bù đắp lại sự sụt giảm mạnh mẽ của trong quý II.

Điểm chung lớn nhất của cả 2 báo cáo nằm ở sự lo ngại về khả năng đáp ứng nguồn cung của OPEC. Mặc dù các thành viên đều đã đồng ý tăng sản lượng thêm 648.000 thùng trong tháng 7 và tháng 8, nhưng báo cáo của EIA cho thấy các nhà sản xuất có rất ít năng lực dự phòng, và hầu như khó có thể bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn cung lớn. Công suất dự phòng của nhóm được điều chỉnh giảm 300.000 thùng xuống 3,05 triệu thùng/ngày. 

Hiện chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) có công suất dự phòng ở mức đáng kể, tuy nhiên 2 nước này có thể không sẵn sàng khai thác năng lực dự phòng của mình vì điều này sẽ làm giảm sự linh hoạt trong việc điều chỉnh sản lượng.

Báo cáo của OPEC cũng chỉ ra rằng sản lượng của nhóm trong tháng 5 giảm đến 176.000 thùng/ngày. Nguyên nhân là do sự giảm đáng kể ở một số khu vực như Nigeria (45.000 thùng) và Libya (186.000 thùng), bất chấp theo các thỏa thuận, hằng tháng nhóm sẽ phải liên tục tăng sản lượng.

Số liệu của OPEC và EIA đều mang lại những tác động tích cực nhất định đối với giá dầu thô, trái lại báo cáo mới nhất của IEA lại khiến cho sức ép bán trên thị trường gia tăng. 

Cụ thể, sau rất nhiều tháng bày tỏ sự lo ngại rõ ràng về nguồn cung dầu toàn cầu, báo cáo của IEA đã dần cho thấy sự thay đổi quan điểm của cơ quan này. IEA cho biết sau 7 quý liên tiếp tồn kho giảm, tăng trưởng tiêu thụ chậm lại và nguồn cung dầu thế giới tăng vào cuối năm sẽ giúp thị trường dầu thế giới không còn quá lo ngại về chênh lệch cân bằng cung-cầu. Ngoài ra, các đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ của cơ quan này cũng đã phần nào hạn chế lại sự sụt giảm của tồn kho dầu thế giới. Dữ liệu sơ bộ cho thấy dự trữ dầu toàn cầu đã tăng 77 triệu thùng trong tháng 4 và tiếp tục tăng thêm trong tháng 5.

Mặc dù IEA cũng bày tỏ những lo ngại nhất định về việc nguồn cung dầu vẫn khó theo kịp nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023, nhưng thị trường phản ứng mạnh hơn với tin tức về triển vọng năm 2022 nên giá dầu thô đã có một nhịp giảm ngay từ thời điểm ra báo cáo.

Giá dầu đi về đâu sau một loạt các báo cáo tháng quan trọng? -0

 

Áp lực đến từ chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương

Lạm phát tại nhiều quốc gia tăng mạnh trong năm nay đã khiến cho các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều phải chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ, với công cụ phổ biến nhất là tăng lãi suất. Tiếp nối quyết định của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB tuần vừa rồi tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm, rạng sáng nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, FED có động thái mạnh như vậy. Lạm phát Mỹ trong tháng 5 tăng mạnh 8,6% lên cao nhất trong vòng 40 năm phần nào đã khiến cho FED phải nhanh chóng nâng lãi suất lên mức cao bất thường.

Biểu đồ dot-plot, ghi lại dự báo của mỗi quan chức FED về mức lãi suất ngắn hạn chủ chốt, cho thấy FED đang kỳ vọng lãi suất trong cuối năm 2022 sẽ đạt 3,4%, và 3,8% trong cuối năm sau. Như vậy, lãi suất mục tiêu của FED hiện được đặt trong khoảng từ 1,5% đến 1,75%. 

Để so sánh, trong cuộc họp tháng 3, FED chỉ kỳ vọng lãi suất sẽ ở mức 1,9% trong năm nay và 2,8% cho năm sau. Lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí đi vay, và có thể khiến các khoản chi tiêu dùng cũng như đầu tư sản xuất giảm bớt, từ đó khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng năng lượng nói chung và tiêu thụ dầu thô suy giảm. Kết hợp với dự báo IEA đưa ra đầu giờ chiều, giá dầu ngày hôm qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. 

Giá dầu đi về đâu sau một loạt các báo cáo tháng quan trọng? -0

 

Theo dữ liệu khảo sát của CME Watchtool, thị trường đang kỳ vọng cuộc họp tháng 7 tiếp theo FED cũng sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, với xác suất hiện tại đang ở mức 79%. Khả năng 2 đợt tăng mạnh liên tiếp sẽ là một yếu tố kìm hãm giá dầu trong tháng tới.

 

 

Nguồn https://nhandan.vn/nang-luong/gia-dau-di-ve-dau-sau-mot-loat-cac-bao-cao-thang-quan-trong--701502/