Gia tăng bệnh nhân bị rắn, côn trùng độc cắn
Thời điểm mưa, bão kết hợp thời tiết ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để các loài rắn, côn trùng… ra khỏi nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn. Do đó, bên cạnh việc phòng, chống thiên tai, người dân cần đề cao cảnh giác với các loài động vật có độc như rắn, rết…
Ngày 10-9, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra cảnh báo về việc gia tăng bệnh nhân bị rắn và các loài vật có nọc độc cắn trong mưa bão.
Bàn tay hoại tử của một bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo đó, đêm ngày 7-9 và rạng sáng 8-9, khi bão Yagi (cơn bão số 3) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận điều trị 9 bệnh nhân bị rắn độc và các loài vật gây độc khác cắn, chiếm phần lớn các ca nhập viện.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thời điểm mưa, bão kết hợp thời tiết không lạnh, ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để các loài rắn, côn trùng… ra khỏi nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn. Bên cạnh đó, hiện môi trường sống tự nhiên của động vật bị phá vỡ và thu hẹp lại. Nhiều loài rắn và các động vật gây hại buộc phải tới sống xen kẽ trong khu vực dân cư, rất dễ xảy ra tiếp xúc với con người và các tai nạn đáng tiếc.
Với các ca nhập viện Trung tâm Chống độc vừa tiếp nhận, bệnh nhân bị cắn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, đa phần khi ra ngoài kiểm tra sân vườn, ruộng vào thời điểm trong và sau bão, tiếp xúc với các các bờ cây, bụi cỏ, đống rác hay lá cây, điều kiện quan sát hạn chế. Cá biệt có trường hợp rắn độc chui vào nhà cắn khi bệnh nhân đang ngủ.
“Thường các loài rắn độc và côn trùng có độc ưa hoạt động trong bóng tối, ban đêm. Trong điều kiện bóng tối chúng sẽ hoạt động mạnh, hung dữ hơn. Khi mưa bão, ánh sáng bị hạn chế, nhiều nơi buộc phải cắt điện để đảm bảo an toàn cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ người dân bị rắn, côn trùng độc cắn”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích.
Bác sĩ cũng lưu ý, rắn cạp nong, cạp nia khi cắn thì không gây đau hay sưng, thậm chí không để lại dấu vết do răng nhỏ. Khi đêm muộn hoặc sáng dậy, người bị cắn có biểu hiện nhiễm độc như bị liệt gây khó thở, thậm chí tử vong và rất dễ nhầm với rất nhiều bệnh khác.
Hậu quả các trường hợp rắn độc cắn là tổn thương vùng bị cắn như đau, sưng nề, hoại tử, nhiễm trùng, dễ dẫn tới sẹo, tàn phế, thậm chí tử vong. Các loài rắn như: Cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ mang có thể gây liệt dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Các loài rắn lục gây rối loạn đông máu dẫn tới chảy máu,…
Để phòng tránh nhiễm độc do rắn và các động vật có độc trong mùa mưa bão, Trung tâm Chống độc khuyến cáo, người dân luôn chú ý quan sát khi tiếp xúc các vị trí khuất, đống rác, đống lá cây, bụi cây, đống gạch, khe hốc, hang... Chú ý dùng gậy, dùng đèn chiếu sáng để đi lại và làm việc. Khi lao động, đi lại ban đêm thì nên mang ủng, đeo găng tay, nếu đi rừng thì nên đội mũ.
Ngoài ra, người dân ở vùng nông thôn, rừng núi cũng nên đóng cửa kín ở tầng 1, đặc biệt ở vị trí gần mặt đất để tránh rắn chui qua khe vào nhà. Khi thấy rắn, người dân không nên chủ động bắt mà cần đuổi đi hoặc bất đắc dĩ thì đánh chết.
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa