Giá vàng, đồng USD tăng dữ dội, chứng khoán 'gặp khó'?
Thị trường chứng khoán giằng co trong tuần 8-12/4 và chưa có được xu hướng rõ ràng trong bối cảnh tỷ giá đang là mối quan ngại, giá vàng và đồng USD tăng vọt trên thị trường quốc tế.
Thông tin trái chiều, TTCK giằng co
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tuần giao dịch từ 8-12/4 với đa số các phiên ảm đạm hiếm có, với tâm lý lưỡng lự bao trùm. Từ mức giao dịch đều đặn trên tỷ USD mỗi phiên, thanh khoản trên thị trường đã xuống dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần qua (12/4), thanh khoản tăng khá mạnh trở lại. Thị trường nổi sóng với nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá tưng bừng. Một số mã nhiều thời điểm tăng kịch trần như Vietinbank (CTG), hay LPBank (LPB)…
Trong các phiên giao dịch trước đó, tâm lý lưỡng lự bao trùm. Các nhà đầu tư bị giằng xé giữa các thông tin tiêu cực và thông tin hỗ trợ.
Mở cửa thị trường tuần 8-12/4, chỉ số VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.250 điểm cho dù ông lớn ngành thép Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long báo cáo doanh thu quý I tăng vọt, gấp rưỡi so với cùng kỳ lên 31.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.869 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán (TTCK) cũng không có phản ứng tích cực trong phiên 8/4 cho dù đây là ngày đáo hạn của lô tín phiếu 28 ngày được Ngân hàng Nhà nước phát hành trước đó (trong phiên 11/3). Sau khi hút tiền về trong 28 ngày, tiền lại được bơm trả lại vào hệ thống.
Trong phiên tiếp theo 9/4, thị trường vẫn khá ảm đạm nhưng chỉ số VN-Index tăng mạnh hơn 12 điểm, qua đó chấm dứt chuỗi giảm điểm liên tiếp trong 4 ngày. Thị trường được kéo lên bởi tín hiệu tích cực từ một số cổ phiếu trụ cột trong đó có Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài.
MWG tăng kịch trần trong phiên 9/4 sau khi doanh nghiệp này hoành thành bán 5% vốn Bách Hóa Xanh cho nhà đầu tư Trung Quốc.
Chỉ số VN-Index điều chỉnh trong phiên sau đó 10/4 và 11/4 sau khi Mỹ công bố lạm phát cao hơn dự báo, qua đó đẩy đồng USD tăng vọt bởi giới đầu tư chuyển kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên sang tháng 9. Giá vàng cũng bất ngờ tăng nhanh và lập đỉnh cao mới.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần khá giằng co. Ảnh: Tùng Đoàn
Tỷ giá USD/VND ở thị trường trong nước tăng mạnh cả ở trên thị trường ngân hàng và tự do. Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá lập đỉnh lịch sử với mức 25.170 đồng/USD ghi nhận hôm 11/4 tại Vietcombank. Tới 13/4, đỉnh mới được thiết lập ở mức 25.180 đồng/USD.
Phiên 12/4 ghi nhận sự tích cực lan tỏa toàn thị trường với việc VN-Index tăng hơn 18 điểm khi Ủy ban Chứng khoán làm việc với FTSE Russell và Morgan Stanley bàn về công tác nâng hạng thị trường.
Bên cạnh đó, giới đầu tư đón nhận nhiều thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết.
Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 1,7% lên 1.276,6 điểm, HNX tăng 0,7% lên 241,34 điểm và UPCOM tăng 0,6% lên 90,21 điểm.
Một số cổ phiếu trụ cột tăng giá mạnh trong tuần bao gồm: Vietinbank CTG tăng 8,1%; BIDV (BID) tăng 6,4%; Techcombank tăng 4,9%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Vietcombank (VCB) giảm nhẹ 0,3%. PV GAS giảm 1,5% và Vinamilk giảm 1,8%...
Triển vọng tuần mới ra sao?
Có thể thấy, rủi ro lớn trong tuần này là những biến động theo chiều gia tăng mạnh của tỷ giá USD/VND.
Với mức giá 25.180 đồng/USD tại Vietcombank tính tới 13/4, tỷ giá đã tăng hơn 3,1%. Đây là một mức tăng rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước đó. Nó cũng ngang ngửa mức tăng thường thấy của đồng USD so với VND trong cả một năm. Trong năm 2023, tỷ giá USD/VND tăng tổng cộng 2,9%.
Đánh giá về TTCK trong tuần qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect cho rằng, thị trường đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.
Cụ thể, theo ông Hinh, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm thị trường lo ngại về kịch bản Fed sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn nữa. Hiện tại, thị trường cho rằng đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của Fed sẽ dời sang quý 3 thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng 6.
Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm 2024 về 1-2 lần thay vì kỳ vọng 3 lần trước đó. Có thể thấy rằng xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed đang tăng lên.
Việc Fed trì hoãn giảm lãi suất đã khiến chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - tăng vọt thêm 1% sau thông tin lạm phát và lên trên ngưỡng 105 điểm.
Chuyên gia VNDirect dự báo, DXY sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá.
Trên thực tế, theo tín hiệu thị trường từ công cụ CME FedWatch, tính tới ngày 11/4, chỉ còn dưới 20% khả năng Fed cắt lãi suất trong cuộc họp vào ngày 12/6 tới, thay vì mức trên 50% ngay trước khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát vào đêm 10/4.
Dù vậy, tỷ lệ này đang gia tăng trở lại. Tới 20h40 tối 13/4 (giờ Việt Nam) có 28,3% đặt cược Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu trong cuộc họp tháng 6. Tỷ lệ cho cuộc họp tháng 5 là 56,5%; còn cho tháng 9 là 76,2%.
Tuy nhiên, thông tin tốt là TTCK hiện được hỗ trợ từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024. Nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khá tích cực trong quý đầu năm nay do nền kinh tế phục hồi, lãi suất giảm và mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại đã có ước kết quả kinh doanh quý I này với tăng trưởng khá tích cực. Việc nhóm cổ phiếu trụ có thông tin hỗ trợ sẽ góp phần cải thiện tâm lý của thị trường.
Theo ông Hinh, trong bối cảnh thị trường đang có 2 luồng thông tin trái chiều, nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán tuần này sẽ giằng co trong biên độ hẹp trước khi một xu thế mới được xác lập.
Trước đó, nhiều chuyên gia dự báo TTCK Việt Nam vẫn đang ở đầu một làn sóng tăng trưởng mới. Hiện có nhiều thông tin hỗ trợ như lãi suất giảm, vốn FDI tăng, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng… Sắp tới, thị trường sẽ đón nhận hệ thống giao dịch công nghệ Hàn Quốc KRX, triển vọng được nâng hạng, áp lực tỷ giá sẽ giảm theo hành động của Fed…
Dù vậy, thị trường cũng đối mặt với những sự bất ổn của nền kinh tế thế giới khi mà xung đột, căng thẳng xảy ra ở khắp nơi, có thể leo thang bất cứ lúc nào.
- Tỷ giá hôm nay (25/11): Đồng USD thế giới tín hiệu tích cực cho đà tăng, “chợ đen” vẫn đà thẳng tiến
- Nhiều ngân hàng tăng lãi suất để hút tiền gửi dài hạn
- Tỷ giá hôm nay (23/11): Đồng USD thế giới tăng mạnh phiên cuối tuần, “chợ đen” tăng nhẹ trở lại
- Tỷ giá hôm nay (21/11): Đồng USD thế giới tăng trở lại, “chợ đen” không ngừng đà tăng
- Thẻ MB JCB Ultimate - Đặc quyền cao cấp
- Giải mã biến động tỷ giá dù chu kỳ nới lỏng tiền tệ ngày càng rõ nét
- Tỷ giá hôm nay (18/11): Đồng USD trên thị trường thế giới duy trì sức mạnh,“chợ đen” tiếp tục tăng giá
- Cơ hội vàng cho doanh nghiệp SME: Mở tài khoản BIZ MBBank, rinh xe hơi Vinfast VF3 và iPhone 15 Pro Max
- Tỷ giá hôm nay (16/11): Đồng USD thế giới quay đầu giảm, “chợ đen” vẫn không dừng tăng