Giá xăng dầu hôm nay 7/1: Tăng mạnh khi năng lực cung cấp từ OPEC+ bị hạn chế
Giá dầu thô tăng mạnh do bất ổn địa chính trị leo thang tại Kazakhstan và việc gián đoạn nguồn cung tại Libya, hai nước đều là thành viên của OPEC+.
Giá xăng dầu thế giới
Chốt phiên 6/1, dầu thô Brent tăng 1,19 USD (tương đương 1,5%) lên 81,99 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 1,61 USD (tương đương 2,1%) lên 79,46 USD/thùng. Trong phiên có thời điểm giá dầu WTI lên cao nhất ở 80,24 USD/thùng.
Biến động tại khu vực OPEC+ đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh
Giá dầu tăng khoảng 2% do bất ổn địa chính trị leo thang tại Kazakhstan và việc gián đoạn nguồn cung tại Libya, hai nước đều là thành viên của OPEC+.
Nga đã cử lính dù tới Kazakhstan để dập tắt cuộc nổi dậy trên toàn quốc sau khi bạo lực gây chết người lan rộng khắp đất nước thuộc Liên Xô cũ này. Mặc dù vậy, không có tin tức nào cho thấy sản lượng dầu ở Kazakhstan bị ảnh hưởng. Nước này sản xuất khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Trong khi đó tại Libya, sản lượng dầu ở mức 729.000 thùng/ngày, giảm từ mức cao hơn 1,3 triệu thùng/ngày năm ngoái do nguyên nhân bảo dưỡng và đóng cửa mỏ dầu.
Giá dầu tăng kể từ đầu năm nay bất chấp OPEC+ đồng ý duy trì tăng sản lượng và tồn kho nhiên liệu của Mỹ tăng.
Theo khảo sát của Reuters sự gia tăng sản lượng của OPEC+ trong tháng 12/2021 một lần nữa không đạt mức tăng theo thỏa thuận của OPEC+, cho thấy những hạn chế về năng lực.
Số liệu của chính phủ cho thấy dự trữ xăng của Mỹ tăng hơn 10 triệu thùng trong tuần trước, tăng một tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Tồn kho dầu thô giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống 419 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Trong khi đó, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, Arab Saudi đã giảm giá bán chính thức cho tất cả loại dầu thô mà họ bán cho châu Á trong tháng 2 ít nhất là 1 USD/thùng, theo nguồn thạo tin.
JP Morgan dự báo dầu thô Brent đạt trung bình 88 USD/thùng trong năm 2022, tăng từ 70 USD/thùng trong năm ngoái.
Giá xăng dầu trong nước
Tại kỳ điều chỉnh ngày 25/12, sau hai đợt giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã tăng trở lại.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng 468 đồng/lít, nâng giá bán lên 22.550 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 494 đồng/lít để có giá bán mới là 23.295 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S tăng 245 đồng/lít, giá bán mới là 17.579 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 196 đồng/lít, nâng giá bán lẻ lên mức 16.518 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu mazut 180CST 3.5S giữ nguyên là 15.745 đồng/kg.
Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 550 đồng/lít, dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 552 đồng/kg. Đồng thời không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/gia-xang-dau-hom-nay-7-1-tang-manh-khi-nang-luc-cung-cap-tu-opec-bi-han-che-post176198.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine