Giải bài toán thiếu bác sĩ y tế công lập

Thứ năm, ngày 18 tháng 8 năm 2022 | 7:35

Theo thống kê, ba địa phương Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên đang thiếu nhân lực y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Đã thiếu, nhưng thời gian gần đây, một số bác sĩ lại nghỉ việc, trong khi nguồn bổ sung thì hạn hẹp.

Ảnh minh họa: Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên tiêm cho bệnh nhi. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa: Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên tiêm cho bệnh nhi. (Nguồn: TTXVN)

Thực tế đó đòi hòi các địa phương cần có chính sách thu hút, hỗ trợ, đào tạo bác sĩ trẻ, cũng như tạo nguồn tại chỗ. Mặt khác, Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ về chế độ đãi ngộ, để thu hút và giữ chân bác sĩ trong cơ sở y tế công lập.

Ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, hiện tại, địa phương đang thiếu khoảng 60 đến 80 bác sĩ làm việc trong các cơ sở y tế công lập so với chỉ tiêu biên chế đã được giao. Mặc dù đang thiếu nhưng có một nghịch lý là, tại các kỳ thi tuyển viên chức ngành y tế, số lượng bác sĩ được tuyển dụng đều thấp hơn chỉ tiêu, nguyên nhân chính là không có nguồn tuyển.

Như đợt thi tuyển viên chức năm 2021, ngành y tế Cao Bằng có 79 chỉ tiêu bác sĩ, nhưng chỉ có 50 bác sĩ dự tuyển và có 43 bác sĩ trúng tuyển. Đang thiếu nhưng từ năm 2021 đến nay, tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có đến 32 bác sĩ xin thôi việc, nghỉ việc để chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập.

Chia sẻ ảnh hưởng của việc thiếu bác sĩ đến nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, Trưởng phòng Tổ chức (Sở Y tế tỉnh Cao Bằng) Đỗ Thị Chính cho rằng, việc thiếu bác sĩ sẽ gây khó khăn trong bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh. Do thiếu nên phần lớn bác sĩ đều phải làm việc quá tải, phải đi trực đêm nhiều hơn, nhiều buổi trực đêm hôm trước, ngày hôm sau vẫn phải tham gia làm việc bình thường… dẫn đến ảnh hưởng việc tái tạo sức lao động của bác sĩ.

Hằng năm vẫn có tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, gắn bó lâu với bệnh viện nay xin chuyển công tác, thôi việc. Thiếu đội ngũ bác sĩ đào tạo chuyên sâu đã ảnh hưởng tới lộ trình phát triển, áp dụng các kỹ thuật cao phục vụ nhân dân.

(Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn Trần Văn Tuyến)

Tại tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm 2022 đến nay, có 26 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó, có tám bác sĩ. Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngành y tế địa phương đã điều chỉnh cơ cấu nhân sự phù hợp. Tuy nhiên, tại một số cơ sở vẫn đang thiếu, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Từ năm 2016 tới nay, tại Bắc Kạn có 48 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó, có 17 người ở độ tuổi dưới 40. Theo đánh giá, lương thấp và áp lực công việc là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, một số nhân viên y tế đã xin chuyển công tác hoặc thôi việc để sang những bệnh viện ngoài công lập có thu nhập cao hơn.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn Trần Văn Tuyến cho biết, hằng năm vẫn có tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, gắn bó lâu với bệnh viện nay xin chuyển công tác, thôi việc. Thiếu đội ngũ bác sĩ đào tạo chuyên sâu đã ảnh hưởng tới lộ trình phát triển, áp dụng các kỹ thuật cao phục vụ nhân dân. Hiện, bệnh viện đang thiếu các bác sĩ chuyên môn sâu các lĩnh vực tâm thần kinh, lao, bệnh phổi, da liễu, y học cổ truyền... để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Cần giải pháp căn cơ

Thiếu nhưng không có nguồn để tuyển đủ, đó là thực tế đối với ngành y tế tại ba địa phương. Thí dụ như Bệnh viện Phổi Thái Nguyên đang thiếu 10 bác sĩ và đã một số lần, đơn vị đăng thông báo tuyển dụng nhưng vẫn chưa tuyển dụng được. Chia sẻ giải pháp thu hút bác sĩ về công tác, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Nguyên Nguyễn Trường Giang cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung cải thiện điều kiện làm việc và từng bước nâng cao chế độ đãi ngộ để thu hút những người có trình độ cao về công tác.

 

Từ năm 2009 đến 2019, Bắc Kạn đã cử 109 người đi đào tạo bác sĩ theo địa chỉ tại Học viện Quân y và Trường đại học Y Dược Thái Nguyên. Tuy nhiên đến nay, địa phương chỉ tuyển dụng được 70 người trong số này, còn lại đã tới công tác tại các địa phương khác. Còn tại Cao Bằng, từ năm 2012, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 142 về đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ, sau khi tốt nghiệp, sẽ trở về địa phương công tác.

Theo mục tiêu kế hoạch này, từ năm 2012 đến 2020, địa phương sẽ phối hợp Trường đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) đào tạo 500 bác sĩ hệ chính quy, tập trung (ngoài chỉ tiêu ngân sách nhà nước), nhưng đến nay, mới có 53 bác sĩ được đào tạo theo chương trình này.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng Nông Tuấn Phong chia sẻ, thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch số 142, từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, thu hút và hỗ trợ học sinh tại địa phương theo học ngành y đào tạo theo địa chỉ, sau khi tốt nghiệp, sẽ trở về địa phương công tác.

Tuy nhiên, trong khi chờ nguồn tuyển bổ sung, thì việc làm thế nào để “giữ chân” đội ngũ hiện có cũng là rất quan trọng. Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn Tạc Văn Nam, ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức y tế.

Đồng thời ngành tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và khám, điều trị; từng bước triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng thêm nguồn thu nhập đối với nhân viên y tế, nhất là các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tiếp tục tuyển dụng, phân bổ số lượng người làm việc tại các đơn vị bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng hoạt động khám, chữa bệnh; đề xuất xây dựng văn bản quy định một số chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với viên chức y tế trên địa bàn, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh việc xếp thang bảng lương, mức lương khởi điểm đối với viên chức y tế cao hơn hiện nay; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đãi ngộ cho công chức, viên chức ngành y tế phù hợp đặc thù nghề nghiệp để động viên công chức, viên chức y tế yên tâm gắn bó, học tập nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến.

Sở Nội vụ tỉnh Bắc Kạn cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chính sách, cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh, trong đó có đội ngũ nhân viên y tế. Tuy nhiên, do phải chờ hướng dẫn của Trung ương nên chính sách này chưa được ban hành.

Còn tại Cao Bằng, thu nhập thấp và áp lực công việc là nguyên nhân chính khiến bác sĩ, nhân viên y tế chưa an tâm công tác. Do đó, địa phương kiến nghị Chính phủ điều chỉnh việc xếp thang bảng lương, mức lương khởi điểm đối với viên chức y tế cao hơn hiện nay; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đãi ngộ cho công chức, viên chức ngành y tế phù hợp đặc thù nghề nghiệp để động viên công chức, viên chức y tế yên tâm gắn bó, học tập nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng Nông Tuấn Phong cho biết thêm, ngành y tế địa phương sắp xếp, thực hiện chi trả kịp thời các chế độ, chính sách cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế theo quy định. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đồng bộ tại các cơ sở y tế, tạo môi trường làm việc, học tập, phát triển tốt, để công chức, viên chức trong ngành yên tâm làm việc, cống hiến và gắn bó.