Giải đáp tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Tuyệt đại đa số người lao động phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Luật Việc làm, mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Công văn số 260/LĐTBXH-VP gửi các đơn vị liên quan giải đáp tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Nội dung công văn nêu rõ, theo Điều 50 của Luật Việc làm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng, thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Khi xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp và đưa vào quy định tại Luật Việc làm, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia (Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…) thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm và quy chuẩn quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp.
Chẳng hạn, Điều 15 Công ước số 168 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp quy định, mức trợ cấp thất nghiệp không ít hơn 45% thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% tiền lương tối thiểu theo quy định hoặc tiền lương của người lao động bình thường, nhưng không ít hơn mức có thể đảm bảo mức sống cơ bản tối thiểu. Còn Điều 24 Công ước số 102 của ILO về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội quy định, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 12 tuần (tương đương với 3 tháng) trong thời kỳ 12 tháng.
So với các quy định khác liên quan trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, quy định về bảo hiểm thất nghiệp cũng tương đồng. Theo đó, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu của người lao động là 3 tháng, với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức hưởng này này bảo đảm cho người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian chưa tìm được việc làm mới.
Quy định đã rõ, song thực tế có xảy ra tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Dễ nhận thấy là người lao động chủ động xin nghỉ việc hoặc chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại quay về doanh nghiệp cũ để đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Để Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi đúng đối tượng, thời gian hưởng, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra và báo cáo của địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thực tế có trường hợp người lao động làm việc 12 tháng lại nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng, nhưng số này không nhiều, không phổ biến. Tuyệt đại đa số người lao động phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Luật Việc làm, mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong quá trình hưởng, hằng tháng, người lao động phải thông báo tình hình tìm kiếm việc làm với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi làm thủ tục đề nghị hưởng chế độ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, tư vấn, giải thích, giúp người lao động hiểu rõ, nếu nghỉ việc, họ sẽ mất toàn bộ 100% tiền lương (chưa kể cả khoản tiền thưởng, phụ cấp…) chỉ để nhận 60% tiền lương khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3