Giải mã bí ẩn về virus Langya lây từ chuột chù sang người ở Trung Quốc
Chưa có bệnh nhân nào tử vong do nhiễm virus Langya. Đa phần người nhiễm là nông dân. Triệu chứng phổ biến là sốt, một số người cảm thấy mệt mỏi, giảm lượng bạch cầu và ho. Triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới suy thận và suy giảm chức năng gan.
Giải mã về virus mới mang tên Langya ở phát hiện ở Trung Quốc
- Giải mã về virus mới mang tên Langya ở phát hiện ở Trung Quốc
- 1. Không có bằng chứng virus Langya lây từ người sang người
- 2. Triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus Langya
- 3. Virus Langya có vẻ sẽ không gây ra đại dịch giống như COVID-19
- 4. Cảnh báo về nguy cơ các loại virus lạ truyền bệnh từ động vật sang người
- 5 đặc điểm nổi bật về virus Langya
Theo Washington Post, đội ngũ các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra một loại virus mới dường như đã lây sang người kể từ lần đầu tiên cách đây 3 năm sau khi được phát hiện lây nhiễm trên động vật.
1. Không có bằng chứng virus Langya lây từ người sang người
Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine (NEJM) đã đăng tải chi tiết về phát hiện virus Langya ở 35 mẫu bệnh phẩm tại 2 tỉnh miền đông Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, Singapore và Australia chưa tìm ra bằng chứng virus lây từ người sang người, đồng thời trích dẫn rằng một phần do số lượng mẫu bệnh phẩm vẫn còn quá ít.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng, chuột trù - loài động vật có vú nhỏ sống nhờ côn trùng, có thể đã là vật chủ của virus trước khi virus lây sang người.
Mẫu virus Langya đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2018 từ một người nông dân ở tỉnh Sơn Đông bị sốt nên đi khám bệnh. Trong vòng khoảng 2 năm sau đó, 34 người khác đã được phát hiện nhiễm virus ở tỉnh Sơn Đông và tỉnh Hà Nam kế bên, với phần đông người nhiễm là nông dân.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết virus Langya, một loại henipavirus mới, có thể đã trú ẩn ở trong cơ thể chuột trù trước khi truyền bệnh sang người
Giải trình tự gene virus sau đó cho thấy mầm bệnh là một phần của họ henipavirus, trong họ virus này có 5 virus đã được biết tới.
2 virus trong họ này được coi là mang tính độc lực cao và có gắn với tỷ lệ các trường hợp tử vong cao, theo thông tin từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ.
2. Triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus Langya
Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng khẳng định chưa có bệnh nhân nào nhiễm virus Langya tử vong.
Trong số 35 bệnh nhân này, 26 người chỉ nhiễm virus Langya. Tất cả 26 người này đều sốt, với một nửa trong số này có triệu chứng mệt mỏi, giảm lượng tế bào bạch cầu và ho. Những triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm suy thận và suy giảm chức năng gan.
Virus Langya - Xét nghiệm phát hiện 35 người nhiễm virus Langya ở Trung Quốc
Các nhà nghiên cứu cũng đã xét nghiệm 25 loài động vật hoang dã để xem những loài này có bị nhiễm virus Langya hay không. Qua đó, vật liệu gene di truyền virus phát hiện chủ yếu ở loài chuột chù. Điều này dẫn tới việc các nhà nghiên cứu cho rằng chuột chù chính là "ổ chứa tự nhiên" của virus.
Theo các nhà nghiên cứu, giám sát dịch bệnh không chỉ ra nguồn phơi nhiễm phổ biến giữa những người bị nhiễm virus, hay cũng không cho thấy những người bệnh này có tiếp xúc gần với nhau. Điều này khiến các nhà nghiên cứu cho rằng lây nhiễm ở người có thể chỉ diễn ra lẻ tẻ.
3. Virus Langya có vẻ sẽ không gây ra đại dịch giống như COVID-19
Francois Balloux, một giảng viên sinh học máy tính tại Đại học College London (người không tham gia vào nghiên cứu) cho rằng virus Langya có vẻ như sẽ không gây ra đại dịch như COVID-19.
Chia sẻ trên Twitter, ông cho rằng virus này ít gây chết người hơn các virus thuộc họ henipavirus khác và dường như nó không dễ dàng lây từ người sang người.
Tuy nhiên, phát hiện này như một lời nhắc nhở về nguy cơ hiện hữu của nhiều loại mầm bệnh ở quần thể động vật hoang dã và động vật nuôi có tiềm năng gây lây nhiễm cho con người, chuyên gia Francois Balloux nhận định.
4. Cảnh báo về nguy cơ các loại virus lạ truyền bệnh từ động vật sang người
Virus lây truyền từ động vật sang người không phổ biến. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Và gần 1,7 triệu virus không được phát hiện có thể tồn tại ở động vật có vú và các loài chim.
Virus Hendra và virus Nipah, hai loại thuộc họ henipavirus với tỷ lệ tử vong cao, có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần với ngựa, lợn và dơi nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học nghiên cứu các bệnh lây qua động vật đã cảnh báo trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra rằng những hoạt động như buôn bán động vật hoang dã không được kiểm soát, chặt phá rừng và đô thị hóa đã khiến con người tiếp xúc gần với động vật hơn, do đó tăng nguy cơ các loại virus lạ truyền bệnh từ động vật sang người.
5 đặc điểm nổi bật về virus Langya
Kênh NDTV đã đưa ra 5 điểm đáng lưu tâm về virus Langya. Theo kênh này, loại virus mới thuộc họ Henipavirus phát hiện ở 35 người nhiễm ở các tỉnh Sơn Đông và Hồ Nam của Trung Quốc có các đặc điểm như sau:
1. Virus dường như lây từ động vật sang người.
2. Trong số 35 bệnh nhân nhiễm virus Langya, 26 người đã xuất hiện các triệu chứng gồm sốt, mệt mỏi, ho, mất cảm giác ngon miệng, đau cơ, buồn nôn, đau đầu và nôn. Một số bệnh nhân bị suy giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, suy gan và suy thận.
3. Kết quả xét nghiệm 25 loài động vật hoang dã cho thấy chuột chù (động vật có vú nhỏ ăn côn trùng trông giống chuột) có thể là ổ chứa tự nhiên virus Langya, bởi virus này được tìm thấy với tỷ lệ 27% ở các cá thể chuột chù.
4. Chưa có ca tử vong nào do LayV (tên gọi của virus do các nhà khoa học đặt). GS. Wang Linfa của Trường Y khoa Duke-NUS, đồng tác giả nghiên cứu trên tập san NEJM cho biết các ca LayV tới nay không gây tử vong hay không nghiêm trọng. GS. Wang Linfa cho biết do đó không cần thiết phải hoảng loạn trước virus mới này.
5. Henipavirus là họ virus RNA có nguồn gốc từ động vật trong đó bao gồm cả 2 virus đã biết trước đó là Hendra và Nipah. Virus Hendra được cho là có nguồn gốc từ Australia và gây bệnh ở ngựa và trên người. Còn virus Nipah từng gây ổ dịch ở một vài nước, trong đó có Ấn Độ. Cả 2 virus trên đều có tỷ lệ tử vong cao.
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy