Giải quyết ba gánh nặng về dinh dưỡng

Thứ hai, ngày 25 tháng 7 năm 2022 | 9:19

Bộ Y tế mới ban hành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 nhằm tập trung giải quyết ba gánh nặng về dinh dưỡng mà người Việt Nam đang phải đối mặt: thiếu dinh dưỡng (thấp còi, gày còm); thừa cân, béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

 

 
0:00/0:00
0:00
Cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: NAM HẢI
Cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: NAM HẢI

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang chịu đồng thời ba gánh nặng về dinh dưỡng. Mặc dù tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi đang giảm, từ 29,3% (năm 2010) xuống 19,6% (năm 2020), nghĩa là chuyển từ mức cao sang mức trung bình, tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đang chậm lại, ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường vẫn còn ở mức 14,8%...

Tỷ lệ thừa cân, béo phì (liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn và lối sống) lại đang gia tăng nhanh ở mọi lứa tuổi, ở cả thành thị và nông thôn. Thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị; 5,3% ở nông thôn) và cao ở mức 19% với trẻ em lứa tuổi học đường. Kèm theo đó là hệ lụy gia tăng các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng và mắc các bệnh không lây nhiễm ở người trưởng thành. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân, béo phì là 15,6% (kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm) năm 2015 và tiếp tục gia tăng… Trong khi đó, tình trạng thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Hiện tỷ lệ thiếu vitamin A, thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ dưới 5 tuổi đã có nhiều cải thiện nhưng kết quả vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Ðến nay, khẩu phần ăn của người dân đã có những cải thiện tích cực về năng lượng trung bình khi đạt 2.023Kcal/ngày, tăng nhẹ so với mức 1.925Kcal/ngày (năm 2010). Cơ cấu năng lượng từ protein, lipid và glucid lần lượt là 15,8%; 20,2%; 64,0% (so với tổng năng lượng ăn vào) và cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam. Tuy nhiên, mức ăn rau quả bình quân đầu người tuy đã tăng, nhưng vẫn còn thấp, mức tiêu thụ rau quả ở người trưởng thành mới chỉ đạt khoảng 66,4 đến 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt tăng nhanh từ 84gam/người/ngày (năm 2010) lên 136,4gam/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn ở mức 155,3gam/người/ngày; mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm; học sinh ở thành phố có xu hướng gia tăng tiêu thụ nước ngọt và thực phẩm chế biến công nghiệp... Thêm mối quan tâm cần giải quyết là sự khác biệt lớn về dinh dưỡng giữa các vùng, miền, nhất là giữa thành thị, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhìn tổng thể, chương trình dinh dưỡng vẫn còn có những khó khăn từ nhận thức đến hành động. Nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng đối với sức khỏe và phát triển kinh tế-xã hội, do vậy chưa quan tâm đầu tư cho công tác dinh dưỡng, chưa coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vấn đề bảo đảm an ninh thực phẩm hộ gia đình và an ninh dinh dưỡng chưa được đề cập cụ thể trong các chính sách, kế hoạch phát triển, chưa có mục tiêu, giải pháp và phân bổ nguồn lực. Nguồn lực tài chính cho công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi ngân sách từ Trung ương cho chương trình dinh dưỡng bị cắt giảm, ngân sách địa phương chưa tăng hoặc tăng không tương xứng thì đến nay chưa có bất cứ can thiệp dinh dưỡng nào được bảo hiểm y tế chi trả. Công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động dinh dưỡng còn nhiều bất cập, chưa lồng ghép và triển khai hiệu quả các nguồn lực đầu tư của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là ở địa phương. Dinh dưỡng được coi là vấn đề sức khỏe nên các hoạt động chủ yếu là do ngành y tế đảm nhiệm, thiếu cấu trúc và điều phối liên ngành…

 

Năng lực của mạng lưới dinh dưỡng các tuyến còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và phương tiện cần thiết để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý. Ðội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở cả cộng đồng, trường học và trong bệnh viện còn thiếu về cả số lượng và năng lực do thiếu các quy định về phát triển nguồn nhân lực, chuẩn hóa cán bộ làm công tác dinh dưỡng. Dịch vụ y tế tuyến huyện, xã chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của người dân về dinh dưỡng. Nhiều can thiệp dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ như chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng tại các hộ gia đình, trường học, ngành nghề đặc thù và môi trường độc hại… mới chỉ được triển khai trên diện hẹp, chưa tiếp cận đến đông đảo các nhóm đối tượng đích và người dân nói chung… Ðại dịch Covid-19 đã và đang có tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có y tế, dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm.

Ðể cải thiện vấn đề dinh dưỡng người Việt Nam được tốt hơn, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 sẽ tập trung cải thiện các chỉ tiêu như: tăng tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hằng ngày lên 55%; tăng tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ lên 50%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ 5-18 tuổi xuống dưới 12,5%; giảm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 10%; giảm lượng muối tiêu thụ trung bình của người dân xuống dưới 8gam/ngày; giảm tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ từ 6-59 tháng tuổi xuống dưới 8%.

Cùng với chỉ tiêu nêu trên, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược cũng đã nêu rõ những giải pháp cụ thể, đó là thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời, nhất là nhóm đối tượng nguy cơ cao, người bệnh; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp.