Giám đốc BV Việt - Đức lý giải vì sao bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài(?)
Trả lời báo chí bên lề hội thảo phổ biến Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Đầu thầu 2023, thay thế Luật Đấu thầu 2013, diễn ra ngày 2-8, tại Hà Nội, ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức khẳng định, thời gian khó khăn nhất về thuốc, vật tư y tế của bệnh viện đã qua.
Số lượng ca mổ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã tăng trở lại sau thời gian khó khăn về thuốc, vật tư y tế. Ảnh: Thuỳ Giang
Theo ông Dương Đức Hùng, sau một thời gian thiếu thuốc, vật tư y tế, đến nay, bệnh viện đã mua sắm, đấu thầu có kết quả.
Từ ngày 1-1-2024, Luật Đấu thầu bắt đầu có hiệu lực, sau đó, một loạt Nghị định, Thông tư hướng dẫn được ban hành. Những văn bản này đã cơ bản tháo gỡ được khó khăn cho các bệnh viện.
Đơn cử như trước đây, khi bỏ quy định về nguồn gốc xuất xứ, nhiều mặt hàng chất lượng không đáp ứng yêu cầu nhưng vì giá rẻ nhất nên vẫn trúng thầu, từ đó ảnh hưởng chất lượng điều trị.
“Chẳng hạn, băng dính, vì giá rẻ nhất nên đã có những loại khi bóc ra lột cả một phần da người bệnh. Dù vậy, có những giai đoạn không thể mua được loại tốt vì tiêu chí kỹ thuật xây dựng cho 1 cuộn băng dính là khó”, ông Dương Đức Hùng dẫn chứng.
Tuy nhiên, đến nay khi đã có quy định mới, hướng dẫn không nhất thiết mua giá thấp nhất và việc đưa nguồn gốc xuất xứ, tiêu chí chất lượng vào đã giúp các cơ sở y tế mua sắm được hàng tốt, phù hợp với nhu cầu, giá cả hợp lý và tuân thủ đúng quy định.
Riêng về vấn đề thuốc điều trị, ông Dương Đức Hùng khẳng định: Thuốc điều trị cho người bệnh tại bệnh viện không thiếu. Tuy nhiên, đâu đó nói rằng, người bệnh, người nhà người bệnh phải mua thuốc ở bên ngoài.
Trong thuốc có khái niệm tương đương sinh học, tức là nếu không có thuốc này thì có thể thay bằng thuốc khác với tác dụng tương đương. Tuy nhiên, hiện bệnh viện thiếu những thuốc không có để thay thế và không mua sắm được.
"Đó là những thuốc đang thiếu ở khắp hệ thống bệnh viện công như: Albumin và Gamma Globulin, bởi vì khi đấu thầu không có 1 hãng hoặc nhà phân phối nào tham gia đấu thầu. Loại thuốc này lại rất cần trong lâm sàng, đặc biệt cho ca bệnh nặng. Tại bệnh viện, bệnh nhân dùng loại thuốc này rất nhiều nhưng lại không có trong dược nội trú nên buộc phải mua bên ngoài”, ông Dương Đức Hùng lý giải.
Thuốc gây mê cũng không có loại thay thế, trong khi Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phải dùng rất nhiều loại thuốc này do trung bình mỗi ngày có tới 270 ca mổ phiên và 30-40 ca mổ cấp cứu.
Khi Thông tư hướng dẫn mua thuốc đấu thầu được ban hành vào đầu tháng 5-2024, các bệnh viện đã làm hồ sơ để mua. Thời điểm đó, bệnh viện phải làm ngày, làm đêm để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thầu để mua thuốc mê vừa phải điều tiết, giảm bớt những ca mổ không cấp bách. Hiện tại, vấn đề thuốc mê đã được giải quyết xong và số lượng ca mổ đã tăng trở lại.
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc