Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương với Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội để thống nhất các nội dung trong Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2025 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN
Theo Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2025, việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải quán triệt và đáp ứng được các yêu cầu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội cần được tiếp tục đổi mới theo hướng chủ động, kịp thời; giám sát, phản biện từ sớm, từ cơ sở; lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, ưu tiên của Đảng, Nhà nước, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội phải rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục cao, bảo đảm khách quan, công khai, hiệu quả, thực chất và mang tính xây dựng.
Dự kiến trong năm 2025, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu thực tế theo Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam; tham gia giám sát với các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan theo Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch giám sát của các cơ quan liên quan...
Đối với hoạt động phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến chủ trì Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; phản biện xã hội dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị...
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch, hướng dẫn địa phương, tổ chức thành viên thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội; chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các bộ, ngành, tổ chức triển khai thực hiện; huy động các chuyên gia, nhà khoa học, những người có kinh nghiệm thực tiễn tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục tổ chức tập huấn về giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận các cấp.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng và ban hành Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2025, triển khai giám sát theo nội dung giám sát của Kế hoạch; căn cứ tình hình địa phương chủ động lựa chọn thêm những nội dung giám sát và phản biện xã hội phù hợp, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025).
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương thực hiện các nội dung liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025; tham gia giám sát với các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan hữu quan theo Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và kế hoạch giám sát của các cơ quan liên quan.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trên cơ sở kết quả Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ trao đổi, thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2025 trước khi trình xin ý kiến Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ghi nhận những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm tại Hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội nghiêm túc tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2025.
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm