Giám sát và phản biện xã hội, ghi nhận ở Thanh Miện (Hải Dương)
Nhằm tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, phát huy dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Miện (Hải Dương) đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Với các giải pháp đồng bộ, hoạt động tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội huyện đã khẳng định hiệu quả trong thực tiễn.
Xã Ngũ Hùng huy động nhân dân đóng góp mở rộng đường giao thông nông thôn.
Giai đoạn 2020-2025, huyện Thanh Miện tập trung cho mục tiêu ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao; đô thị văn minh, mở rộng không gian, tạo động lực để trở thành một cực tăng trưởng của tỉnh.
Góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở
Quá trình nêu trên đặt ra yêu cầu cao về đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy cao trí tuệ, nội lực trong nhân dân. Từ đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các chương trình, giải pháp hướng mạnh vào nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội. Qua đánh giá, chỉ rõ những hạn chế, bất cập trước đây trong lĩnh vực này, Ban Thường vụ Huyện ủy hướng nội dung công tác vào các trọng tâm cụ thể.
Theo đó, trước hết là sự phối hợp, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong công tác. Huyện coi trọng chỉ đạo, lựa chọn các nội dung giám sát và phản biện xã hội. Bí thư Huyện ủy Đồng Dũng Mạnh trao đổi, Huyện ủy luôn phát huy vai trò các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội hai cấp triển khai thực hiện nghiêm túc; kết quả đã có 6.300 lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, có nhiều ý kiến tâm huyết, tính phản biện xã hội cao được các ban soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa trong các dự thảo.
Huyện đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Gắn liền với đó, các hình thức lấy ý kiến được tiến hành đồng bộ, đa dạng như: Góp ý trực tiếp, tổ chức tọa đàm để tham gia góp ý trên các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri.
Huyện đã tổ chức 14 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền huyện với nhân dân, qua đó đã tiếp nhận và xử lý hơn 200 ý kiến, kiến nghị, hiến kế có giá trị; các xã, thị trấn tổ chức 81 hội nghị. Theo đó, đã tiếp nhận 1.371 ý kiến đóng góp. Từ các cuộc họp của các chi bộ và các đoàn thể đã trực tiếp góp ý cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trọng tâm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu. Ở bình diện khác, Huyện ủy coi trọng phát huy vai trò quần chúng giám sát về đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú.
Việc đánh giá tổ chức đảng hằng năm gắn trực tiếp với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của huyện và hướng đến những vấn đề mà đông đảo nhân dân quan tâm. Qua đó, kịp thời điều chỉnh những quy định không phù hợp, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn; bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Thực tế này góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội từ cơ sở trên địa bàn.
Phát huy nội lực
Chủ tịch UBND huyện Nhữ Văn Cúc cho biết, thông qua quá trình này, huyện cũng coi trọng huy động các tầng lớp nhân dân tham gia trí tuệ xây dựng, phản biện đối với việc xây dựng các đề án về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các chủ đề nêu trên được Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội huyện bám sát vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các kế hoạch, các chương trình phối hợp giữa các đoàn thể với các cơ quan nhà nước. Qua đó, để quần chúng đóng góp kiến nghị, hiến kế giải quyết các vấn đề “nóng”, các nút thắt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương được kịp thời, hiệu quả.
Ở xã Chi Lăng Nam, lộ trình hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022, với nguồn đầu tư hơn 45 tỷ đồng, trong đó nhân dân trong xã tham gia đóng góp, ủng hộ hơn 7 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhương, thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, đảng bộ và nhân dân trong xã đã sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư, phát huy tốt nội lực bảo đảm xã về đích đúng hạn.
Từ hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng, qua 5 năm, ban thanh tra nhân dân các xã, thị trấn toàn huyện qua giám sát, đã phát hiện được 639 vụ việc, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền giải quyết được 557 vụ việc, đạt hơn 87%; đã thu hồi 3.330m2 đất lấn chiếm trái phép. Huyện tổ chức giám sát được 416 dự án đầu tư ở cấp xã, xác định rõ những dự án có vi phạm, kiến nghị, buộc nhà thầu sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Thực tế Thanh Miện cũng cho thấy, việc giám sát thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội đối với một số cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở các lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường; giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân còn những hạn chế, bất cập; việc đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị sau giám sát còn chậm, hạn chế...
Qua đó, huyện xác định giải pháp bảo đảm hoàn thành 100% các cuộc giám sát, phản biện theo chương trình, kế hoạch. Trong đó huyện tập trung vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội của địa phương như: Quản lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường, thực hiện các chính sách của Nhà nước, đền bù giải phóng mặt bằng, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân,...
Đồng thời, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp của huyện đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức, lấy ý kiến giám sát, phản biện hiệu quả, thiết thực vào các dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo nhandan.vn
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam