Giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn trong lứa tuổi thanh thiếu niên

Chủ nhật, ngày 14 tháng 8 năm 2022 | 7:24

Việc giáo dục về sức khỏe sinh sản-tình dục tại Việt Nam còn nhiều khoảng trống và chưa theo kịp với nhu cầu và tình hình thực tế. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng các hoạt động can thiệp nhằm tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Các bạn trẻ chia sẻ trong tọa đàm
Các bạn trẻ chia sẻ trong tọa đàm "Dấn thân vững bước".

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định về tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thành niên, nhưng vẫn còn một số bất cập, hạn chế, là những rào cản đến sự phát triển toàn diện của đối tượng này.

Hiện nay, chương trình giáo dục về sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường chưa đầy đủ và phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới; tiếp cận thông tin, cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành về sức khỏe sinh sản còn hạn chế.

"Nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tránh thai tuy đã giảm, ở nhóm nữ từ 15-24 tuổi đã giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 29,6% năm 2017, nhưng vẫn còn cao", ông Hoàng cho hay.

Từ thực tiễn đó, đòi hỏi phải xây dựng các hoạt động can thiệp nhằm tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thành niên, phấn đấu đạt mục tiêu giảm 2/3 số vị thành niên/thành niên mang thai ngoài ý muốn, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 13/8 tại Hà Nội, Mạng lưới Hành trình yêu - một cộng đồng thanh niên từ 17 nhóm dự án và hơn 160 thanh niên tiên phong từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ hội "Tinh tỉnh tình yêu" với những hoạt động thiết thực phá bỏ định kiến và kiến tạo bình thường mới cho chủ đề sức khỏe sinh sản thanh thiếu niên.

Giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn trong lứa tuổi thanh thiếu niên ảnh 1

Lễ hội thu hút nhiều bạn trẻ.

Lễ hội thu hút được sự quan tâm và tham gia của 20.000 bạn trẻ trực tiếp tại sự kiện và qua các kênh truyền thông khác. Lễ hội nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn trong lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam” do Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ.

Theo đại diện tổ chức PSI, phá bỏ định kiến và bình thường hóa chủ đề tình dục, sức khỏe sinh sản thanh thiếu niên là hành động cấp thiết và cần sự chung tay của toàn xã hội - từ gia đình, nhà trường tới bản thân mỗi cá nhân nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

Lễ hội “Tinh tỉnh tình yêu” tiếp nối thành công của 82 sự kiện mà Mạng lưới Hành trình yêu và các câu lạc bộ dự án đã thực hiện trong 3 năm vừa qua.

Thông qua các hoạt động tương tác sáng tạo như trò chuyện cùng chuyên gia qua Talkshow “Dấn thân và vững bước”, “Vòng tròn chia sẻ”, “Khu vui Chill Mở”, triển lãm “Tỉnh” và đại nhạc hội “Yêu”, lễ hội đã khéo léo dẫn dắt người tham dự đi qua một hành trình yêu sâu sắc và lành mạnh, phù hợp với thế giới quan và thị hiếu của giới trẻ bằng một không gian cởi mở và không định kiến.

Talkshow “Dấn thân và vững bước” mở đầu lễ hội đã kết nối các chuyên gia hoạt động và khởi nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản-tình dục, vận động xã hội, qua đó các bạn trẻ được lắng nghe những kinh nghiệm bổ ích và những câu chuyện truyền cảm hứng.

 

Triển lãm “Tỉnh” được các bạn thanh niên trong dự án tự nghiên cứu, thiết kế cùng sự tư vấn của các chuyên gia đã mang đến cho người tham dự những nội dung hữu ích bằng cách thể hiện sáng tạo về cơ thể và kinh nguyệt, các kỹ năng cần thiết liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục, tình dục an toàn và các biện pháp tránh thai.

Khu vực tư vấn “Vòng tròn sẻ chia” là một không gian an toàn, kín đáo và không phán xét để các bạn trẻ được tự do chia sẻ và tham vấn từ cộng đồng cũng như các chuyên gia tâm lý đồng hành cùng Mạng lưới Hành trình yêu.

Giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn trong lứa tuổi thanh thiếu niên ảnh 2

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đánh giá cao hoạt động của các bạn trẻ.

Hoạt động tương tác “Khu vui Chill Mở” với một tổ hợp các trò chơi vận động trải nghiệm và tư duy được thiết kế tinh tế, qua đó người chơi có dịp khám phá những kiến thức mới mẻ về tình yêu và tình dục an toàn.

Đúng với cái tên “Yêu”, đại nhạc hội - câu chuyện về tình yêu xuyên suốt đầy thăng trầm nhưng cũng không kém phần bồi hồi được kể bởi chính các bạn sinh viên đã khép lại một lễ hội tuổi trẻ nhiều cung bậc cảm xúc.

Chia sẻ tại Lễ hội, bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Dịch vụ dân số quốc tế (PSI Việt Nam) cho biết, qua 3 năm, PSI đã từng ngày nhìn thấy sự phát triển lớn mạnh, sáng tạo của mạng lưới thanh niên nòng cốt - những người tiên phong tiếp lửa và truyền kiến thức về tình yêu, tình dục an toàn cho cộng đồng sinh viên tại chính nơi các bạn đang sinh sống và học tập.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng mỗi cá nhân các bạn trẻ sẽ là một nhân tố tạo nên bệ phóng vững chắc, là cầu nối kiến thức để các thế hệ thanh niên có thể tự tin và làm chủ chặng đường yêu và sức khỏe sinh sản của mình”, bà Hoa nói.

Tại buổi lễ, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đánh giá cao các hoạt động của mạng lưới hành trình yêu do PSI Việt Nam xây dựng.

Đây là một sự kiện các bạn thanh niên có thể được tự do khám phá, tìm kiếm thông tin và bày tỏ quan điểm của mình về tình yêu, tình dục, đa dạng giới tính và sức khỏe sinh sản. Từ đó, thúc đẩy tiềm năng của thanh niên trong các hoạt động đóng góp cho cộng đồng, xã hội về các chủ đề sức khỏe cho thế hệ trẻ.