Giảm thuế, phí xăng dầu: Tốt cho dân, lợi cho nền kinh tế
Xăng, dầu là một trong những mặt hàng đầu vào của nền kinh tế. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam phải xem xăng dầu là mặt hàng thiết yếu để đưa ra giải pháp phù hợp như cần giảm ngay thuế, phí, không nên chần chừ.
Người dân mua xăng tại một cửa hàng trên đường Giải Phóng. Ảnh: Việt Dũng
Lạm phát leo thang, vẫn đang tìm cách giảm thuế xăng dầu
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước bình quân tăng 27,26% và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài giá xăng dầu tăng cao, từ đầu năm đến nay giá gas cũng tăng gần 27%. Hiện xăng RON95 ở mức 31.570 đồng/lít. Tỷ trọng thuế chiếm 38% nên 1 lít xăng đang "cõng" hơn 11.700 đồng tiền thuế.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội), hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 50%, vẫn còn 50% nữa có thể sử dụng nếu diễn biến giá cả leo thang mạnh hơn. Ngoài ra, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu là 10% vẫn chưa được sử dụng. “Bởi xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng thiết yếu. Không có lý do gì chúng ta lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ… cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu”- PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, có thể xem xét giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Hiện trong cơ cấu giá xăng, dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Ngoài các khoản thuế nêu trên, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của DN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, có 3 biện pháp đã và đang được lưu ý thực hiện nhằm kiểm soát giá xăng, dầu. Trong đó, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu một cách hiệu quả, linh hoạt để hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng, Ngoài ra, điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng, dầu và phải cân nhắc đánh giá tác động rồi báo cáo với Chính phủ, Quốc hội.
Bộ Tài chính cho biết, đang lấy ý kiến về phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì. Cụ thể, dự thảo đã đề xuất xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Phải giảm ngay và giảm thêm nữa!
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng đã vượt 31.000 đồng và còn có thể tăng thêm nếu giá thế giới vẫn xu hướng đi lên, sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng, phục hồi kinh tế và lạm phát. Nguy cơ hơn nữa, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN để hồi phục sau dịch bệnh mà Chính phủ vừa ban hành có thể bị vô hiệu hóa vì lạm phát.
Việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng được các chuyên gia đánh giá là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, mức thuế nên giảm sâu hơn nữa mới thực sự phát huy hiệu quả. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo nhận xét, việc giảm thuế MFN từ 20% xuống 12% vẫn chưa thực sự tạo sức hút cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu tìm kiếm các thị trường mới.
Hiện mặt hàng xăng động cơ, không pha chì dùng để sản xuất xăng RON92, RON95 có thuế suất MFN là 20%, thuế suất FTA tại các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VNEAEU) là 8%, EVFTA là 20%. Nếu giảm thuế MFN xuống 12%, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng là rất lớn. Vậy nên họ vẫn sẽ ưu tiên nhập khẩu tại các thị trường cũ như Hàn Quốc, ASEAN với mức thuế suất FTA 8%.
Từ phân tích trên, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, nếu thực sự muốn đa dạng nguồn cung, thuế MFN phải giảm từ 20% xuống còn 8%, bằng với thuế suất FTA. Khi đó, các công ty xăng dầu mới hào hứng tìm các nguồn nhập khẩu mới để đa dạng nguồn cung.
Bên cạnh kiến nghị giảm thuế sâu hơn, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, phải thực hiện ngay. Thực tế nhiều DN cho biết, giá xăng dầu neo ở mức cao, không còn cách nào khác buộc phải tính toán điều chỉnh giá. Với DN vận tải hàng hóa, hàng loạt DN "chông chênh" khi đàm phán giá cước theo hướng tăng với khách hàng.
“Khả năng giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, mà theo các tổ chức quốc tế dự báo có khả năng tăng lên 150 USD/thùng vì lệnh cấm dầu Nga của châu Âu. Như vậy sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước thế nào, tác động tới người dân và nền kinh tế ra sao? Khi lên kế hoạch cụ thể thì ở mức độ nào có thể giao được cho Chính phủ hay liên bộ Tài chính - Công Thương xử lý? Còn nếu cứ để ngày mai xăng dầu tăng giá mà hôm nay chúng ta mới đưa ra bàn giải pháp thì rất bị động, không kịp” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
Giảm thiểu tác động khi giá xăng giảm
Trước lo ngại từ phía cơ quan quản lý cho rằng giảm một số loại thuế xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải chấp nhận một khoản thiếu hụt nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Ngược lại, nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo và nuôi dưỡng nguồn thu.
Theo Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường, việc giảm hoặc xóa thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, các bên đều được hưởng lợi. Khi giảm hoặc xóa sắc thuế này sẽ kéo giảm chi phí của DN, chi phí logistics, chi phí vận chuyển, hàng hóa cũng sẽ giảm. Điều này giúp DN có điều kiện giữ giá hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường.
Ngoài ra, sau mỗi lần giảm thuế, lệ phí trước bạ… để hỗ trợ người tiêu dùng thì tổng số thuế thu ngân sách tăng lên. Đơn cử việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước 6 tháng cuối năm 2020. Số thu lệ phí trước bạ giảm theo chính sách là 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách Nhà nước tăng 14.110 tỷ đồng. Bởi số tiền thuế, lệ phí giảm luôn được người dân sử dụng mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ, nhờ đó người kinh doanh, DN bán được nhiều hàng hơn, hoạt động tiêu dùng và sản xuất - kinh doanh sôi động ắt ngân sách sẽ tăng thu.
Bên cạnh việc giảm các loại thuế và phí, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần nâng mức dự trữ xăng dầu để ổn định nguồn cung cũng như chủ động điều tiết giá. Hiện dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ được 5 - 7 ngày. "Các nền kinh tế lớn họ làm rất tốt, như Mỹ có dự trữ đáp ứng cho nền kinh tế trong vòng 1 tháng. 29 quốc gia trong Tổ chức Năng lượng thế giới cũng có quy định phải dành ra bao nhiêu phần trăm kinh phí để dự trữ xăng dầu..." - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.
Nguồn https://kinhtedothi.vn/giam-thue-phi-xang-dau-tot-cho-dan-loi-cho-nen-kinh-te.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine