Giảm thuế thu nhập cá nhân: “Chia lửa” với dân!
Để “không ai bị bỏ lại phía sau vì đại dịch”, ngoài câu chuyện “chia lửa” với doanh nghiệp, còn rất cần, rất cấp thiết sự “chia lửa” với từng người dân đang phải gánh vô vàn áp lực chi phí trong cơn bão giá, trong đó có khoản thuế thu nhập cá nhân...
Đại dịch COVID-19 đã, đang để lại những hệ lụy khủng khiếp đến mọi mặt đời sống. Vì thế, để “không ai bị bỏ lại phía sau vì đại dịch”, ngoài câu chuyện “chia lửa” với doanh nghiệp, còn rất cần, rất cấp thiết sự “chia lửa” với từng người dân, không chỉ là những lao động nghèo tự do, mà còn cả người làm công ăn lương đang phải gánh vô vàn áp lực chi phí trong cơn bão giá, trong đó có khoản thuế thu nhập cá nhân vốn từ lâu đã bị xem là không theo kịp với thực tế đời sống.
1. “Nếu trước đây, chỉ hết khoảng 700.000 – 800.000 đồng/cho 1 tuần, thì hiện nay đã phải tăng lên hơn 1 triệu/tuần. Chí phí tăng lên chóng mặt, nhưng thu nhập thì không thay đổi”; “Trước kia 700.000 đồng là có đủ thực phẩm cho 2 vợ chồng trong vòng 1 tuần. Nay thì 1,5 triệu đồng để tiêu trong vòng tuần cũng khó đủ”; “Lái xe chuyên chở khách. Khi xăng chưa tăng giá, mỗi lần đổ đầy bình xăng hết khoảng 500.000 - 600.000 đồng. Hiện, để đổ đầy bình xăng phải chi hơn 1 triệu đồng”, “Từ giữa năm 2021, tôi đi chợ mua tôm thẻ khoảng 170.000 - 180.000 đồng/kg thì nay duy trì ở mức 200.000 đồng/kg; cá mó 90.000 - 100.000 đồng/kg nay là 120.000 đồng/kg; Học phí đại học của con gái đầu tăng hơn 50% chỉ sau 2 năm, từ 18 triệu đồng/năm thứ nhất thì nay vào năm thứ ba lên gần 28 triệu đồng”, “Với thu nhập hơn 20 triệu/hằng tháng, chi phí ăn uống tiết kiệm cho cả gia đình cũng phải 8 triệu đồng/tháng. Chưa kể do dịch căng thẳng, hơn 1 năm nay đều đặn cả nhà chi hơn 2 triệu đồng/tháng tiền thuốc để tăng sức đề kháng, rồi ma chay, giỗ tết. Chẳng còn dư đồng nào”...
Đó là một số trong vô vàn những chia sẻ xuất hiện liên tục trên hàng loạt các phương tiện truyền thông thời gian qua. Mỗi cặp vợ chồng trước đây, mỗi người lương 15 triệu đồng/mỗi tháng, chi tiêu tằn tiện hết mức trong gia đình hai đứa con nhỏ thì mới để ra được một vài triệu phòng lúc ốm đau nhưng với thời giá giờ đây, mọi sự càng trở nên… bất khả thi. Mỗi người dân một hoàn cảnh nhưng đều có nỗi lo âu chung trước cơn bão giá. Với người lao động tự do, đồng lương bấp bênh do COVID-19 nỗi lo ấy 10 thì với người làm công ăn lương, nỗi âu lo ấy cũng chẳng kém mấy phần.
2. Với cá nhân cư trú có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất, trong đó, thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ. Các khoản giảm trừ gồm: Giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Và mức quy định cho giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng, từ rất lâu, thậm chí là từ trước khi dịch COVID-19 ập đến, đã bị xem là quá lỗi thời, không đủ để đảm bảo đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình.
Theo tính toán từ Tổng cục thống kê (GSO), nếu những năm 2008, mỗi người bình quân chỉ tiêu khoảng 792.000 đồng thì tới năm 2020, nghĩa là cách đây 2 năm, khi dịch COVID-19 mới chỉ mới bắt đầu, con số này đã tăng… 3,6 lần. Theo cơ quan thuế, giảm trừ gia cảnh được hiểu là mức chi phí tối thiểu nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của một cá nhân và người phụ thuộc của họ. Nhưng với tốc độ tăng chỉ số chi tiêu như hiện nay, mức “giảm trừ gia cảnh” như vậy đã trở nên hết sức… hài hước.
Vì thế, “Cần giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân” đã là vấn đề được báo chí nhắc đến quyết liệt, nhiều chuyên gia đã lên tiếng gay gắt. Theo TS. chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Hệ thống thuế thu nhập cá nhân với biểu thuế lũy tiến từng phần quá dày với 7 bậc thuế, từ 5 - 35%, khoảng cách giữa các bậc thuế quá thấp và mức thu nhập khởi điểm chịu thuế rất thấp. Vì vậy, dẫn đến tình trạng đối xử không công bằng giữa các cá nhân nộp thuế. .
Trong cuộc trao đổi với Tuổi trẻ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng nhấn mạnh: Thuế suất thu nhập DN giảm từ 285 xuống còn 25% và giờ đang áp ở mức 20% trong khi đó mức thuế TNCN đối với các bậc thuế vẫn giữ với mức cao nhất lên đến 35%. Để bớt thiệt thòi cho người làm công ăn lương, nên sửa Luật Thuế TNCN theo hướng quy định mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng, để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng.
Ngoài ra, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ cho các chi phí cuộc sống... Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, rất nhiều nước phát triển đều đã điều chỉnh tỷ lệ tính thuế TNCN theo mức độ lạm phát hàng năm, nhưng Việt Nam lại quy định chỉ khi nào lạm phát trên 20% mới thay đổi là quá chậm.
Thực tế, trong suốt 15 năm từ năm 2007 - thời điểm ban hành Luật Thuế TNCN, mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh 2 lần (năm 2013 và 2020). Rõ ràng, sự “giảm trừ” này trở nên quá lạc hậu mà còn có độ trễ lớn.
3. Nếu áp dụng việc giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập nhập cao, điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đó là lý giải được Tổng cục Thuế đưa ra hồi tháng 8/2021 về câu chuyên giảm thuế TNCN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi sự đã có nhiều sự thay đổi. Bên cạnh đó, dẫu biết thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, chưa kể ngân sách lại hạn hẹp như hiện nay, các dư địa về chính sách tài khóa và tiền tệ không còn nhiều.
Tuy nhiên, khoan thư được sức dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau” âu cũng là câu chuyện cần phải làm ngay trong bối cảnh người dân đang phải gánh chịu “tác động kép” như hiện nay. Nói như luật sư Nguyễn Văn An: Điều này coi như Nhà nước hỗ trợ cho những người đang có thu nhập thêm một khoản để chi tiêu. Khi người dân mua sắm nhiều hơn cũng kích cầu kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ khởi sắc hơn.
Hay nói cách khác, đó chính là cách Nhà nước “chia lửa với người dân”. “Chia lửa”, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó giúp đẩy nhanh tiến trình mục các mục tiêu phục hồi kinh tế, âu đó cũng là điều nên làm nhất lúc này.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/giam-thue-thu-nhap-ca-nhan-chia-lua-voi-dan-post186871.html
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí