Giao dịch chứng khoán chiều 11/2: VIC tiếp tục dò đáy, VN-Index có phiên điều chỉnh đầu tiên trong năm Nhâm Dần
Cổ phiếu VIC có phiên giảm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất hơn 1 năm, cộng thêm sức ép từ "anh cả" ngân hàng VCB khiến VN-Index chính thức có phiên điều chỉnh đầu tiên trong năm Nhâm Dần 2022.
Áp lực điều chỉnh sau 5 phiên tăng điểm liến tiếp khiến thị trường phần lớn thời gian trong phiên sáng cuối tuần ngày 11/2 giao dịch trong sắc đỏ. Dù cuối phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có những tín hiệu khá tích cực nhưng VN-Index cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh do thiếu sự đồng thuận của các nhóm lớn khác như bất động sản, thép.
Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán dâng cao ngay khi mở cửa, trong khi lực cầu không quá mạnh khiến VN-Index thủng mốc 1.500 điểm chỉ sau chưa đầy 30 phút. Tuy nhiên, ngay khi thủng ngưỡng tâm lý này, lực cầu đã gia tăng giúp thị trường hồi lại, nhưng không thể có được chọn vẹn 5 phiên tăng trong tuần đầu năm mới Nhâm Dần khi sức ép lớn từ 2 mã vốn hóa lớn nhất thị trường VIC và VCB.
Dù vậy, với diễn biến trong suốt cả phiên giao dịch, chỉ số VN-Index lình xình đi ngang trong biên độ hẹp quanh mốc 1.500 - 1.505, đây là vùng kháng cự đầu tiên sau khi VN-Index vượt 2 đường tín hiệu trung bình động MA20 - MA50, được đánh giá là khá tích cực, giúp thị trường tích lũy để sớm trở lại xu hướng tăng về đỉnh cũ trong thời gian tới.
Chốt phiên, sàn HOSE có 196 mã tăng và 240 mã giảm, VN-Index giảm 5,08 điểm (-0,34%) xuống 1.501,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 636,28 triệu đơn vị, giá trị gần 21.620 tỷ đồng, giảm 6,46% về khối lượng và 1,5% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 58,88 triệu đơn vị với tổng giá trị đạt gần 3.558,5 tỷ đồng, trong đó, VCB thỏa thuận gần 16,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.369 tỷ đồng và IMP thỏa thuận hơn 11,37 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn VIC tiếp tục là điểm trừ chính của thị trường khi duy trì đà giảm khá mạnh. Kết phiên, VIC giảm 2,7% xuống mức 81.700 đồng/CP với thanh khoản đạt xấp xỉ 7,85 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, bộ đôi còn lại của nhà Vingroup tiếp tục giảm sâu hơn khi VRE giảm 3,9% xuống mức giá thấp nhất ngày 34.600 đồng/CP, còn VHM giảm 0,5% và kết phiên cũng ngấp nghé giá thấp nhất ngày 79.700 đồng/CP.
Ngoài ra, thị trường còn chịu sức ép gia tăng về cuối phiên khi nhiều mã lớn khác nới rộng đà giảm và tìm về vùng giá thấp nhất ngày như PLX giảm 1,8% xuống 59.400 đồng/CP, VCB giảm 1,4% xuống 90.000 đồng/CP, BID giảm 1% xuống 47.900 đồng/CP, GAS và VNM cũng để mất gần 1%...
Trái lại, cổ phiếu ngân hàng TPB vẫn là điểm sáng của ngành nói chung và nhóm VN30 khi kết phiên tăng 4% lên mức 42.850 đồng/CP; các mã khác như SAB, STB, PNJ, GVR tăng trong biên độ 1-2%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi các thành viên khác nhà FLC là ROS, HAI, AMD đều giảm 1-3%, thì FLC hồi phục thành công khi tăng 1,7% lên mức giá cao nhất ngày 12.000 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5, đạt 16,24 triệu đơn vị khớp lệnh.
Xét về nhóm ngành, dòng bank vẫn là điểm nhấn của thị nhờ lực cầu tham gia sôi động. Trong top 5 mã thanh khoản tốt nhất thị trường, có tới 3 mã thuộc họ ngân hàng là LPB dẫn đầu đạt xấp xỉ 26 triệu đơn vị, tiếp theo là STB khớp 18,45 triệu đơn vị và TPB khớp xấp xỉ 16 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu cũng khá tích cực khi sắc xanh đang chiếm áp đảo, gấp hơn 2 lần số mã giảm, trong đó, ngoài TPB tăng tốt nhất, có LPB tăng 3,6%, STB tăng 1,6%, EIB tăng 2,29%, các mã khác như TCB, CTG, MBB, ACB, VIB, OCB tăng trên dưới 0,5%. Các mã giảm có VCB và BID mất hơn 1%; HDB, VPB, SSB giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu thép có phần tích cực hơn khi phần lớn đã khởi sắc trở lại với HPG tăng nhẹ 0,3%, trong khi HSG tăng 1,9%, NKG tăng 2,5%.
Nhóm chứng khoán chỉ còn duy nhất MBS giao dịch dưới mốc tham chiếu, nhưng chỉ tăng trong biên độ khá hẹp, ngoài trừ TVS tăng trần. Trong đó, các mã đầu ngành như HCM, VND, VCI chỉ tăng trên dưới 1%, SSI đứng giá tham chiếu.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi diễn biến chung vẫn thiếu khả quan với sắc đỏ bao phủ trên diện rộng, thì các mã bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì đà tăng tốt. Cụ thể, TIP tăng trần và dư mua trần 50.600 đơn vị, KBC tăng 1,9%, ITA tăng 4,1%, SZC tăng 2,3%, LHG tăng 2,7%...
Trên sàn HNX, giao dịch có phần kém tích cực hơn khi thị trường nhanh chóng quay đầu sau ít phút mở cửa.
Đóng cửa, sàn HNX có 132 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 1,34 điểm (-0,31%) xuống 426,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,94 triệu đơn vị, giá trị 1.962,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 227,23 tỷ đồng.
Cổ phiếu CEO tăng gánh nặng cho thị trường khi nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều. Kết phiên, CEO giảm 8,7% xuống mức 55.500 đồng/CP. L14 cũng giảm sâu khi để mất 7,3% xuống mức giá 345.100 đồng/CP.
Còn lại các mã khác trong nhóm HNX30 như NRC, VC3, TNG, TAR… giảm trên dưới 1%.
Trái lại, NBC vẫn là mã duy nhất trong rổ này có được sắc tím trong phiên hôm nay. Các mã tăng tốt khác như LAS tăng 7%, PVB tăng 3,8%, PVC tăng 3,3%, IDC tăng 2,4%, NTP tăng 2,3%...
Điểm nhấn thị trường trong phiên hôm nay trên sàn HNX chính là nhóm cổ phiếu than. Sóng lớn nổi dậy khi hàng loạt mã than khoe sắc tím. Trong đó, ngoài NBC, HLC, MDC, TC6, TDN, THT, TVD cũng kết phiên tăng kịch trần.
Về thanh khoản, cổ phiếu PVS vẫn giữ vị trí dẫn đầu với gần 12,73 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên tăng 1% lên mức 29.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, lực cầu tăng mạnh đã giúp thị trường thu hẹp biên độ và áp sát mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,09%) xuống 112,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 94,72 triệu đơn vị, giá trị 1.354,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 15,54 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR kết phiên tăng 1,5% lên mức 27.200 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 16 triệu đơn vị. Trong khi OIL tăng 1,7% lên 18.400 đồng/CP và khớp 2,13 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh ABB đứng giá, các mã khác đều khởi sắc như VAB tăng 3,3%, NAB tăng 1,5%, BVB, SGB và PGB tăng nhẹ,
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm của thị trường trên UPCoM với hàng loạt mã như PVV, DPS, MPT, VST, PVR, ATG, NTB, HLA, FDG… kết phiên trong sắc tím.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2202 đáo hạn gần nhất tăng nhẹ 0,5 điểm lên 1.543 điểm, khớp 118.260 đơn vị, khối lượng mở 25.810 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ có phần chiếm áp đảo hơn, trong đó 2 mã dẫn đầu thanh khoản đều mất điểm. Cụ thể, CVRE2201 giảm 7,2% xuống 1.670 đồng/CQ với khối lượng khớp 121.830 đơn vị; tiếp theo là CVRE2109 khớp 121.160 đơn vị, kết phiên giảm 11,9% xuống 1.550 đồng/CQ.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-11-2-vic-tiep-tuc-do-day-vn-index-co-phien-dieu-chinh-dau-tien-trong-nam-nham-dan-post291048.html
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán