Giao dịch chứng khoán chiều 14/2: Không có hoa hồng ngày Valentine
Cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo khiến chỉ số thị trường lao dốc, ngày Valentine không có chocolate và hoa hồng cho các tình yêu chứng khoán.
Thị trường lao dốc cuối phiên bởi sức ép của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều cổ phiếu nhóm này vốn tăng tốt từ trước đó đã giảm về mức giá sàn như STB, LPB, các cổ phiếu khác trong nhóm này đều chìm trong sắc đỏ.
Sức nặng của nhóm ngân hàng khiến VN30-Index rơi hơn 40 điểm về ngưỡng trên 1.505 điểm, và đưa chỉ số xuống dưới đường MA20, gãy luôn trend tăng điểm ngắn hạn. 3 mã ngân hàng vốn hóa lớn nhất là các ngân hàng do nhà nước sở hữu chi phối gồm VCB, BID và CTG cũng là 3 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số chung VN-Index khi lấy đi hơn 11 điểm của thị trường.
Việc rơi mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng là khá bất ngờ khi gần như không có tin tiêu cực của nhóm này từ bên ngoài, thậm chí nhiều ngân hàng trong nhóm này đang công bố kết quả kinh doanh 2021 tích cực hơn cả kỳ vọng. Có lẽ việc chốt lời mạnh là do nhà đầu tư đã có lời trong nhịp tăng trước đó hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư.
Với thị trường chung, ngày lễ tình nhân hôm nay đa số mã mang màu đỏ của hoa hồng và vị đắng của chocolate, không ngọt ngào và dịu êm cho những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu. Số mã giảm giá chiếm áp đảo, còn các mã tăng giá chủ yếu là các mã liên quan tới hàng hóa dịch vụ thiết yếu cũng như năng lượng.
Những mối lo về lạm phát hay căng thẳng Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu dự báo còn tăng mạnh, phản ánh luôn vào giá cổ phiếu 2 nhóm ngành này. VIP, PET, PSH,… chốt phiên ở giá trần và đa số các mã chủ chốt như GAS, BSR, OIL, PLX, PVS,… đều tăng điểm rất tích cực.
Giai đoạn thị trường hiện tại rõ ràng là không tích cực, mối quan tâm hiện tại của các nhà đầu tư nằm ở các diễn biến thị trường quốc tế bất chấp nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp niêm yết đang phục hồi rất tích cực. Tuy nhiên, với những diễn biến trong quá khứ, việc tác động tâm lý từ thị trường bên ngoài thường không quá lớn và không dài, xu hướng chính của VN-Index vẫn phụ thuộc vào các yếu tố nội tại của nền kinh tế đất nước.
Về mặt ngắn hạn, thị trường đã chuyển trạng thái từ tích cực sang tiêu cực sau phiên ngày hôm nay, khu vực hỗ trợ 1.480 điểm (+/-) của VN-Index đã dễ dàng bị xuyên thủng. Đặc biệt nhiều mã ngân hàng có dấu hiệu phân phối đỉnh sẽ là áp lực dành cho thị trường những phiên tiếp theo.
Điều may mắn cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ở phiên hôm nay là áp lực bán ra dù mạnh, nhưng hiện tượng bán tháo diện rộng không diễn ra, đây là cơ sở kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi.
Chốt phiên, sàn HOSE có 132 mã tăng và 332 mã giảm, VN-Index giảm 29,75 điểm (-1,98%) xuống 1.471,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 810,7 triệu đơn vị, giá trị gần 25.921 tỷ đồng, tăng 27,42% về khối lượng và 19,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 59,15 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 2.092,8 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, chỉ còn 6 mã tăng điểm và có tới 24 mã giảm với hầu hết đều tìm tới mức giá thấp nhất trong ngày. Kết phiên, chỉ số VN30-Index đã giảm tới hơn 40 điểm và về mốc 1.505 điểm.
Dòng bank là nhóm cổ phiếu tạo sức ép lớn nhất trên thị trường khi top 10 mã giảm nhất trong rổ VN30 thì có tới 9 mã thuộc nhóm ngành này và các mã trong ngành hầu hết đều dừng chân ở vùng đáy của ngày.
Cụ thể, ngoại trừ duy nhất EIB vẫn giữ được sắc xanh với thông tin sắp có biến động ở cấp thượng tầng, thì các mã còn lại trong ngành đều giảm sâu như STB và LPB giảm sàn; các mã BID, TPB, HDB, SHB cũng ngấp nghé giá sàn với biên độ giảm trên dưới 6,5%; các mã khác như CTG giảm gần 6%, TCB giảm 4,1%, VPB giảm 4,37%, MBB giảm 5,74%... Cổ phiếu có biên độ giảm hẹp nhất trong ngành là VIB để mất 3,77%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt giảm mạnh, điển hình là VCI giảm sàn, SSI giảm 3,3% xuống mức giá thấp nhất ngày 43.600 đồng/CP, HCM giảm 4% xuống 36.950 đồng/CP, BSI giảm 4,3% xuống 40.100 đồng/CP…, chỉ còn duy nhất VIX nhích nhẹ nửa bước giá.
Ở nhóm cổ phiếu thép, chỉ còn mỗi NKG giữ sắc xanh, còn lại cũng đều nới rộng biên độ như HPG, HSG, TLH, POM đều giảm hơn 2%, SMC giảm 3,7%.
Ngoài các nhóm cổ phiếu trụ cột mất điểm, một số mã lớn cũng gia tăng sức ép lên thị trường như VHM giảm 2% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 78.100 đồng/CP, GVR giảm 1,9% xuống 33.300 đồng/CP, BVH giảm 1,6% xuống 54.200 đồng/CP, VNM giảm 1,1% xuống 81.100 đồng/CP…
Trong khi đó, vẫn có những nhóm cổ phiếu lội ngược dòng thành công. Điển hình là nhóm cổ phiếu dầu khí với GAS giữ mức tăng 4,5% và kết phiên đứng tại mức giá 116.000 đồng/CP, PLX tăng 1,3% lên 60.200 đồng/CP, PVD tăng nhẹ 0,5%...
Hay ở nhóm thủy hải sản, bên cạnh VHC tăng trần, nhiều cổ phiếu khác cũng nổi sóng như ANV tăng kịch trần, IDI tăng sát trần với biên độ tăng 6,45%, ACL tăng 5,64%, AGF tăng 4,76%, TS3 tăng 2,63%...
Về thanh khoản, các cổ phiếu ngân hàng được giao dịch khá sôi động với STB dẫn đầu khi đạt 37,42 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp theo là MBB khớp 27,32 triệu đơn vị, VPB khớp 22,66 triệu đơn vị, SHB khớp hơn 19 triệu đơn vị.
Bên cạnh diễn biến tiêu cực ở nhóm cổ phiếu bluechip, ở nhóm vừa và nhỏ, sắc đỏ cũng bao phủ trên diện rộng. Đáng chú ý, với thông tin khá tiêu cực về khả năng hủy niêm yết, cổ phiếu HAG đã bị bán tháo mạnh trong phiên hôm nay. Kết phiên, HAG nằm sàn với khối lượng dư bán sàn hơn 15,15 triệu đơn vị.
Cổ phiếu khác nhà bầu Đức là HNG cũng không mấy khả quan hơn với khoản lỗ ước tính trong năm 2022 là 2.400 tỷ đồng. Kết phiên, HNG giảm 6,4% xuống sát giá sàn 8.900 đồng/CP và khớp 13,18 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng giảm mạnh về cuối phiên, xuống vùng giá thấp nhất ngày do lực bán dâng cao.
Đóng cửa, sàn HNX có 67 mã tăng và 158 mã giảm, HNX-Index giảm 5,88 điểm (-1,38%) xuống 421,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.150 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,78 triệu đơn vị, giá trị 117,12 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các nhóm trụ cột như ngân hàng, chứng khoán trên sàn HNX đồng loạt mất điểm. Cụ thể như BAB giảm 1,3%, NVB giảm 0,6%; hay SHS giảm 5%, MBS giảm 3,2%, BVS giảm 2,2%, APS giảm 6,6%, ART giảm 2,8%, TVC giảm 3,7%, EVSS giảm 3,5%...
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác giảm khá sâu như IDC giảm 3% xuống mức giá 67.400 đồng/CP, THD giảm 1,9% xuống mức thấp nhất ngày 172.800 đồng/CP…
Trái lại, nhóm cổ phiếu than vẫn duy trì đà tăng với NBC là mã tăng tốt nhất trong ngành nói chung và rổ HNX30 nói riêng khi kết phiên tăng 6,9% lên mức giá 17.100 đồng/CP, TVD tăng 5,37%, TC6 và TCD tăng trên dưới 3,5%. TDN tăng 2,9%.
Cổ phiếu dầu khí PVS vẫn tăng khá tốt với biên độ 2,8% và kết phiên đứng tại mức giá 29.800 đồng/CP, cùng thanh khoản dẫn đầu sàn HNX, đạt 14,63 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 là CEO khớp 5,59 triệu đơn vị và kết phiên tăng 5,4% lên mức 58.500 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu KLF giảm 3,3% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 5.800 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị. Các mã khác như IDJ, HUT, AMV, DL1, PVL, BII… cũng kết phiên giảm khá mạnh.
Trên UPCoM, thị trường cũng lùi về vùng giá thấp nhất của ngày.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,69 điểm (-1,5%) xuống 110,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,34 triệu đơn vị, giá trị 1.574,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,38 triệu đơn vị, giá trị 16,1 tỷ đồng.
Áp lực bán gia tăng cuối phiên cũng khiến BSR quay xe. Kết phiên, BSR giảm 0,4% xuống mức 27.500 đồng/CP và thanh khoản vẫn vượt trội với hơn 16,64 triệu đơn vị giao dịch.
Trong khi đó, anh em cùng họ dầu khí là OIL vẫn giữ được sắc xanh khi tăng 1,6%, kết phiên đứng tại mức giá 18.800 đồng/CP và khớp 4,46 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết đều nới rộng biên độ giảm. Trong đó, ABB giảm 3,3%, BVB giảm 2,9%, NAB giảm 1,9%, SGB giảm 0,5%.
Một số mã lớn khác như ACV giảm 1,1%, MSR giảm 3,9%, QNS giảm 2,7%, MCM giảm 1,1%, VEA giảm nhẹ…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều quay đầu giảm, trong đó VN30F2202 đáo hạn gần nhất giảm 32,9 điểm (-2,1%) xuống 1.510,1 điểm, khớp gần 150.070 đơn vị, khối lượng mở hơn 26.510 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó CTCB2112 dẫn đầu thanh khoản với 225.430 đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 12,7% xuống 1.110 đồng/CQ.
Tiếp theo là CHPG2201 khớp 203.780 đơn vị, kết phiên giảm 5,6% xuống 1.010 đồng/CQ.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-14-2-khong-co-hoa-hong-ngay-valentine-post291203.html
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán