Giao dịch chứng khoán chiều 8/4: VN-Index nhận thêm một phiên giảm hơn 20 điểm
Áp lực bán mạnh và lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, trong đó, hàng loạt mã đã nằm sàn. Chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 20 điểm và về sát ngưỡng hỗ trợ 1.480 điểm với sắc đỏ bao trùm.
Phiên sáng cuối tuần đã diễn ra khá ảm đạm khi tâm lý bên mua tham gia thận trọng trong khi bên bán cũng quan sát và giao dịch cầm chừng khiến VN-Index biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu trong hơn nửa thời gian giao dịch. Tuy nhiên, tín hiệu xấu dần gia tăng về cuối phiên khi lực bán gia tăng và lan rộng thị trường khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, đồng thời, các chỉ số cũng nới rộng đà giảm điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khi thủng mốc 1.490 điểm, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, không giống như phiên sáng, chỉ số VN-Index chưa thể vượt được mốc 1.500 điểm đã bị nhấn chìm trở lại trước lực bán thường trực khá lớn.
Đặc biệt, ngay trước và trong đợt khớp lệnh ATC, áp lực bán ồ ạt lan rộng trên thị trường khiến các cổ phiếu cũng như các nhóm ngành đua nhau giảm sâu, đẩy chỉ số VN-Index về sát mốc hỗ trợ ngắn hạn 1.480 điểm. Và nếu không có "má phanh" VIC thì việc xuyên thủng vùng hỗ trợ này là hiển nhiên.
Câu chuyện hiện tại của thị trường chính là tâm lý nhà đầu tư đang bị chi phối bởi nhiều tin đồn khác nhau chứ không hẳn là các yếu tố cơ bản. Nhưng có một điều khá rõ ràng trong những giai đoạn thị trường như thế này lại xuất hiện cơ hội cho các nhà đầu tư giá trị chọn được danh mục cổ phiếu cơ bản giá hợp lý để đầu tư trung và dài hạn, những tác động tâm lý phản ánh vào giá cổ phiếu kéo dài không lâu.
Với 2 phiên giảm điểm liên tiếp khiến VN-Index mất đi hơn 40 điểm đã khiến biểu đồ kỹ thuật của chỉ số chuyển trạng thái tiêu cực. Cả 2 ngưỡng hỗ trợ là đường MA20 ở khu vực 1.490 điểm và đường MA100 ở khu vực 1.484 điểm đều dễ dàng bị xuyên thủng. Ngưỡng hỗ trợ hiện tại chính là khu vực 1.480 điểm, tuy nhiên đây là ngưỡng hỗ trợ yếu nên khả năng bật tăng trở lại ở vùng này là có nhưng cần thêm các điều kiện hỗ trợ khác.
Chỉ số của các cổ phiếu lớn VN30 khả dĩ hơn khi vẫn còn một khoảng cách với khu vực hỗ trợ 1.515 điểm, nhưng không quá xa.
Điều tích cực nho nhỏ về mặt kỹ thuật sau phiên giao dịch ngày hôm nay là dù thị trường giảm điểm nhưng thanh khoản cũng giảm theo cho thấy lực bán đang yếu dần đi và khu vực tích lũy phục hồi có thể đang khá gần đâu đây.
Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 92 mã tăng (3 mã trần) và có tới 370 mã giảm (25 mã sàn), VN-Index giảm 20,35 điểm (-1,35%), xuống 1.482 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 795,1 triệu đơn vị, giá trị 27.145,4 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng và 13,27% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,25 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.066 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn VIC vẫn khá nỗ lực đi ngược xu hướng thị trường và nếu không có sự đóng góp của “ người anh cả” này, chỉ số VN-Index có thể xuyên thủng mốc 1.480 điểm. Kết phiên, VIC nới rộng biên độ so với phiên sáng và tăng 2,8% lên mức 81.700 đồng/CP, cùng thanh khoản đạt xấp xỉ 5,2 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã bluechip khác như VJC, NVL. ACB, VHM kết phiên giữ được đà tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Trái lại, trong nhóm VN30, số mã giảm vẫn chiếm ưu thế là 24 mã. Trong đó, FPT tiếp tục nới rộng đà giảm điểm khi để mất 4,2%, đóng cửa tại mức giá thấp nhất trong ngày 108.500 đồng/CP. Ngoài FPT, cổ phiếu khác trong nhóm công nghệ thông tin giảm sâu có CMG giảm 2,8%, ELC và SGT giảm sàn…
Các mã giảm mạnh khác trong nhóm bluechip phải kể đến như GVR giảm 4% xuống 34.850 đồng/CP, MWG giảm 3,2% xuống 150.000 đồng/CP; BID, SSI, GAS, MSN đều giảm hơn 2%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực xả bán mạnh về cuối phiên khiến hàng loạt mã nằm sàn như HAG, GEX, ROS, FLC, BCG… Trong đó, GEX xác nhận chuỗi 5 phiên giảm mạnh và đóng cửa phiên hôm nay tại mức giá 34.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 30,35 triệu đơn vị, cùng lượng dư bán sàn hơn 1,36 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, sau phiên sáng thoát được sắc xanh mắt mèo nhờ lực cầu tăng mạnh, trong phiên chiều, HAG đã không được giải cứu. Kết phiên, HAG giảm 6,8% xuống mức giá sàn 12.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 41,77 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn có những mã lội ngược dòng ngoạn mục. Điển hình là TSC tiếp tục nới rộng đà tăng điểm trong phiên chiều. Kết phiên, TSC tăng 4,5% lên vùng giá cao nhất trong ngày 18.750 đồng/CP, cùng khối lượng giao dịch đạt 11,42 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, hàng loạt mã vừa và nhỏ trong nhóm bất động sản đua nhau nằm sàn như KBC, VGC, BCG, FLC, ROS, CIG, LHG, VRC. Bên cạnh hàng loạt mã khác như PDR, KDH, VCG, DXG, TCH… đều kết phiên nới rộng đà giảm.
Ở nhóm ngân hàng, ACB vẫn là mã duy nhất có được sắc xanh dù mức tăng chỉ hơn 0,5%, cùng VCB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm với phần lớn các mã có mức giảm hơn 2% như BID, VPB, STB, HDB, đáng kể có VIB và SHB giảm hơn 3%.
Nhóm chứng khoán phần lớn vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu, thậm chí VIX kết phiên nằm sàn do lực bán dâng cao. Tuy nhiên, sắc xanh le lói đã xuất hiện ở một số thành viên như VND, FTS, TVS với mức tăng trên dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu thép cũng suy yếu, bên cạnh HPG mất mốc tham chiếu và quay đầu điều chỉnh nhẹ, các mã còn lại đều nới rộng đà giảm điểm, đáng kể HSG bị xả mạnh và nằm sàn về mức giá 32.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ HPG, đều đạt hơn 13 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 0,3 triệu đơn vị.
Các nhóm cổ phiếu còn lại như bán lẻ, vận tải biển, vận tải biển, dầu khí… cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đổ đèo về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 57 mã tăng và 177 mã giảm, HNX-Index giảm 9,58 điểm (-2,17%), xuống 432,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 84,35 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.659 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,61 triệu đơn vị, giá trị 130,42 tỷ đồng.
Rổ HNX30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh, đều thuộc nhóm bất động sản và xây dựng là L14, HUT, CEO, VC3.
Còn lại có tới 25 mã mất điểm, trong đó chi phối lớn tới thị trường là mã lớn nhóm bất động sản – IDC khi giảm hết biên độ và đóng cửa tại mức giá sàn 64.900 đồng/CP.
Ngoài ra, trong rổ này còn có PVC cũng nằm sàn, một số mã bất động sản khác giảm sâu như LHC giảm 3%, THD giảm 2,2%..., hay TAR giảm 8,51%. TNG giảm 5,38%, VCS giảm 1,8%...
Trong đó, IDC vẫn là mã có thanh khoản cao nhất thị trường, đạt 9,68 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị.
Kết phiên giao dịch, chỉ số HNX30 đã để mất tới hơn 21 điểm và lùi về mốc 781 điểm.
Xét về nhóm ngành, bên cạnh giao dịch khá tiêu cực của nhóm cổ phiếu bất động sản, các nhóm lớn khác như ngân hàng, chứng khoán cũng đều mất điểm. Trong đó, nhóm chứng khoán có SHS giảm 5,19%, BVS và MBS cùng giảm 1,62%, APG giảm 2,16%, APS giảm 3,72%, HBS giảm 3,17%...
Nhóm họ P cũng giảm khá mạnh, bên cạnh PVC nằm sàn, PVS giảm 3,74% xuống mức giá thấp nhất ngày 33.500 đồng/CP, PLC giảm 3,51% xuống 46.700 đồng/CP, PVB giảm gần 8% xuống 20.800 đồng/CP…
Trên UPCoM, thị trường cũng cắm đầu đi xuống.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,96 điểm (-1,7%), xuống 113,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 98,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.456 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,7 triệu đơn vị, giá trị 60,23 tỷ đồng.
Cổ phiếu SP2 giảm nhiệt sau phiên bùng nổ sáng nay. Kết phiên, SP2 giữ mức tăng tốt hơn 11,8% lên mức 16.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 5,95 triệu đơn vị.
Trong khi đó, C4G vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản với gần 6,47 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên tiếp tục giảm mạnh 6,25% xuống mức 24.000 đồng/CP.
Các mã giao dịch sôi động khác với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị như BSR, PVS, VGT, VHG, SBS, DCS, KSH, PPI… đều trong trạng thái giảm mạnh hoặc nằm sàn.
Theo TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-8-4-vn-index-nhan-them-mot-phien-giam-hon-20-diem-post294929.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu