Giao dịch chứng khoán phiên chiều 17/3: FLC bất ngờ nổi sóng, VN-Index yên bình trong ngày đáo hạn phái sinh

Thứ năm, ngày 17 tháng 3 năm 2022 | 17:0

Dù có chút rung lắc trong đợt ATC, nhưng nhìn chung VN30-Index và VN-Index khá yên bình trong phiên đáo hạn phái sinh hôm nay. Trong khi đó, sau thời gian dài đi ngang, FLC bất ngờ nổi sóng.

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 17/3: FLC bất ngờ nổi sóng, VN-Index yên bình trong ngày đáo hạn phái sinhKỳ vọng về sức nóng của thị trường bất động sản, dòng tiền đã đổ vào nhóm cổ phiếu địa ốc trong thời gian qua và duy trì mạnh trong phiên sáng nay, giúp nhiều mã tăng mạnh, trong đó có cả những sắc tím.

Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều khi tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi xu hướng rõ ràng của thị trường, cũng như lo lắng về những biến động bất thường trong phiên chiều khi nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 3.

Bước vào phiên chiều, lực bán gia tăng ở nhóm VN30 khéo VN-Index lùi theo và xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, vừa chớm sắc đỏ, chỉ số này đã bật trở lại nhờ lực cầu gia tăng trở lại, nhất là nhóm bất động sản, sau đó lân la sang một số mã ngân hàng, đặc biệt là BID.

Dù có gặp chút rung lắc trong những phút cuối phiên, nhất là trong đợt ATC, nhưng nhìn chung diễn biến của phiên đáo hạn phái sinh tháng 3 hôm nay khá yên bình, các chỉ số chỉ biến động trong biên độ hẹp, không có pha kéo xả khiến nhà đầu tư thót tim.

VN30-Index dù khá cân bằng, nhưng với mức giảm mạnh của GAS và MSN, nên đóng cửa với sắc đỏ nhạt, trong khi VN-Index nhờ có sự hỗ trợ thêm của nhiều nhóm khác nên giữ được đà tăng nhẹ, dù vẫn đóng cửa ngày với cây nến đỏ và chưa trở lại mốc của các đường trung bình 20, 50, 100 ngày. Thanh khoản có cải thiện so với phiên hôm qua, nhưng vẫn đứng ở mức thấp so với trước đây.

Đóng cửa, sàn HOSE có 239 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index tăng 2,01 điểm (+0,14%), lên 1.461,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 717,4 triệu đơn vị, giá trị 21.390,8 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,2 triệu đơn vị, giá trị 1.693,6 tỷ đồng, trong đó, đáng kể là hơn 10,2 triệu cổ phiếu VIC ở mức giá tham chiếu, trị giá hơn 798 tỷ đồng.

Ở nhóm bluechip trong rổ VN30, BID là điểm nhấn đáng chú ý nhất, khi nới rộng đà tăng +4,6% lên 43.500 đồng và đóng góp tới hơn 2,5 điểm tích cực cho VN-Index.

Trong khi đó, GAS và MSN gây sức ép, khi giảm lần lượt 2,9% xuống 106.000 đồng và 1,8% xuống 138.000 đồng, đều là những mức giá thấp nhất ngày của hai mã này, kéo lùi VN-Index tổng cộng 2,4 điểm.

Ở những cổ phiếu khác, CTG +2,2% lên 32.700 đồng, KDH +1,6%, VRE +1,6%, HDB +1,3%, còn PNJ, GVR, VIC, FPT, MBB, VCB, PDR nhích từ 0,2% đến 0,7%.

Các cổ phiếu VJC -1,4% xuống 145.000 đồng, VNM -1,2% xuống 76.400 đồng, NVL -1%, VPB -1%, PLX -0,7%, HPG -0,5%, MWG -0,5%.

Có tới 5 cổ phiếu giằng co mạnh và kết phiên không đổi là ACB, BVH, POW, SAB và SSI.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã bất động sản được ưu ái với hàng loạt cổ phiếu FDC, HQC, KHG, NVT, DRH, HCD, QCG và FLC đều đã tăng kịch trần.

Đặc biệt, FLC sau thời gian dài lình xình đi ngang sau từ đầu tháng 2 sau cú sốc liên quan tới giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết trước đó, hôm nay bất ngờ tạo sóng khi nhận lực cầu lớn trong phiên chiều.

Lực cầu lớn đã hấp thụ toàn bộ lượng dư cung, kéo FLC lên mức trần 13.650 đồng với thanh khoản hơn 41 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường và còn dư mua giá trần hơn 3 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần đầu tiên của FLC sau 1 tháng và là phiên có thanh khoản cao nhất 5 tuần.

Tuy nhiên, đây chỉ là con sóng đơn lẻ trong họ FLC, chứ không kéo theo chùm như cuối năm ngoái, dù các mã khác cũng có sắc xanh, nhưng mức tăng không quá lớn.

Ngoài FLC, một mã bất động sản nhỏ khác cũng tạo sóng lớn phiên chiều nay là HQC. Lực cầu lớn cũng kéo HQC lên kịch trần 8.190 đồng, khớp 36,9 triệu đơn vị, đứng sau FLC và còn dư mua trần tới hơn 5,5 triệu đơn vị, mức thanh khoản cao nhất hơn 2 tháng.

Các mã khác trong nhóm có mức tăng khá là BCG +2,3% lên 27.000 đồng, HTN +2,8% lên 48.800 đồng, NLG +2,9% lên 56.100 đồng, CKG +3% lên 32.900 đồng, ASM +3% lên 20.500 đồng, HPX +3,2% lên 32.000 đồng, SGR +3,3% lên 29.800 đồng, LGL +3,3% lên 11.100 đồng, SCR +3,5% lên 23.400 đồng, TCD +4% lên 27.000 đồng, DLG +5% lên 7.702 đồng, VPH +5,2% lên 16.200 đồng.

Các cổ phiếu ITA, LDG, LCG, KBC, VCG, HHS, HBC, TCH, FCN, DIG cũng đóng cửa trong sắc xanh, khớp từ 2,98 triệu đến 6,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu họ FLC nhờ sự bùng nổ của FLC cũng nới đà tăng mạnh với ROS +3,9% lên 8.530 đồng, AMD +3,5% lên 7.110 đồng, HAI +3,9% lên 6.620 đồng.

Đáng chú ý khác là cặp đôi bán lẻ số khi tăng tốc, với FRT +6,9% lên 145.800 đồng, khớp 1,65 triệu đơn vị và DGW tăng trần +6,9% lên 125.000 đồng, khớp 1,32 triệu đơn vị.

Cặp đôi khác là HAG và HNG cũng nhận dòng tiền mạnh, với HAG +5,2% lên 12.100 đồng, khớp tới hơn 27,2 triệu đơn vị, HNG +3% lên 10.000 đồng, khớp 10 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu nông nghiệp, hàng hóa, vật liệu khác với FTM, PLP tăng trần, DRC +4%, HHP +3,6%, BAF +2,9%, LSS +2,7%...

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu phân bón vẫn chịu sức ép lớn nhất thị trường, với DCM -6,8% xuống 40.800 đồng, BFC -6,8% xuống 37.000 đồng, VAF -4,2% xuống 16.000 đồng, DPM -4,1% xuống 60.500 đồng, SFG -4% xuống 19.200 đồng. Trong đó, cặp đôi DCM-DPM thuộc top thanh khoản cao nhất sàn với hơn 13,5 triệu đơn vị khớp lệnh/mỗi mã.

Nhóm cổ phiếu thép sau phiên sáng nỗ lực cũng đã suy yếu, may mắn chỉ đến với HPG khi dừng lại ở tham chiếu, còn NKG -2,9% xuống 45.250 đồng, HSG -1,9% xuống 36.650 đồng, POM -1%, TLH -0,8%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index dần đuối sức trong phiên chiều và kết phiên ở sát tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HNX có 131 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,00%), xuống 446,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 102,1 triệu đơn vị, giá trị 2.494,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,23 triệu đơn vị, giá trị 162,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu đáng chú ý nhất vẫn là KLF, DL1, PVL MST, HHG, FID, C69 khi có mức tăng vượt trội, từ 3% đến hơn 5%, trong đó, KLF +6% lên 7.100 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 15,27 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu MBG, CEO, ART, SHS, IDC, TVC, AMV, OCH, SRA chỉ còn tăng nhẹ, khớp từ 0,8 triệu đến 4,57 triệu đơn vị.

Trái lại, HUT phiên này nằm trong số các mã giảm sâu nhất, mất 8,6% xuống 42.500 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau KLF với 7,58 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như PVS -2,6% xuống 34.000 đồng, LAS -7,5% xuống 19.800 đồng, PVC -6,9% xuống 27.000 đồng…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lui về gần tham chiếu và giằng co quanh sắc xanh-đỏ với biên độ hẹp cho đến khi đóng cửa.

Tương tự phiên sáng, khi nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất phân hóa mạnh, với VHG, BOT, PAS, VGT, SBS, KHB, ABB, MBS nhích lên, với VHG +3,9% lên 10.600 đồng, khớp lệnh bỏ xa phần còn lại với 12,6 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu C4G, DDV, OIL G36, QTP, LTG, DRI đóng cửa giảm điểm, với DDV -6% xuống 26.800 đồng.

Còn BSR, SDD, TCI LMH dừng chân ở tham chiếu, với BSR khớp hơn 5,25 triệu đơn vị.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,09%), xuống 115,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,88 triệu đơn vị, giá trị 1.127,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,45 triệu đơn vị, giá trị 40,6 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, phiên đáo hạn của VN30F2203 khiến mã này có thời điểm giảm, trước khi bật nhẹ lên +0,4 điểm, tương đương 0,03% lên 1.472,2 điểm, khớp hơn 109.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 25.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa mạnh diễn ra, nhưng ba mã thanh khoản lớn nhất hôm nay đều giảm là CHPG2202, CHPG2201 và CHGP2114, khớp từ 0,94 triệu đến 1,26 triệu đơn vị.

Nguồn TNCK

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-chieu-17-3-flc-bat-ngo-noi-song-vn-index-yen-binh-trong-ngay-dao-han-phai-sinh-post293107.html