Giao dịch chứng khoán phiên chiều 24/3: Hụt hơi, VN-Index về lại dưới 1.500 điểm
Các mã lớn có thêm một phiên trở thành gánh nặng cho thị trường, trong đó đáng kể là nhóm trụ cột ngân hàng. Trong khi đó, giao dịch vẫn tương đối sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với những cái tên nổi bật có câu chuyện riêng gần đây như HQC, HUT hay nhóm nhà An Phát.
Sau phiên sáng gặp khó và chỉ may mắn giữ được mốc 1.500 điểm ở những phút cuối, thị trường đã bật lên sắc xanh nhờ có thêm nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ khởi sắc ngay khi bước vào phiên chiều.
Tuy vậy, nhóm bluechip dường như không ủng hộ đà tăng này, khi sau đó đã điều chỉnh và kéo theo VN-Index thêm một lần về dưới tham chiếu và giằng co quanh ngưỡng cản 1.500 điểm trước khi để tuột mốc tâm lý này khi đóng cửa.
Nhìn lại chuỗi tăng điểm của thị trường khá bất ngờ của VN-Index từ khu vực 1.540 điểm trong gần 2 tuần qua có thể thấy lực nâng chỉ số đến chủ yếu từ nhóm ngành bất động sản, dầu khí và một vài mã lớn luân phiên kéo. Các nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số như ngân hàng, thép, công ty chứng khoán thì hầu hết đi ngang hoặc chỉ tăng điểm nhẹ. Điều này gợi lên một hình ảnh tương tự giai đoạn VN-Index bật lên từ nền điểm khu vực 1.420 điểm ở đầu tháng 12/2020, thị trường khi đó thậm chí vượt đỉnh lịch sử 1.510 điểm nhưng chỉ giữ được trong 1 tuần rồi lại rớt điểm.
Thị trường muốn tăng bền cần nhóm bluechip có nhịp tăng ổn định trong thời gian tương đối, nếu không sẽ chỉ là những con sóng tăng ngắn và lại... "hụt hơi", cần nhớ cả nam 2019 thị trường vận động đi ngang kiểu này sau khi tạo đỉnh cuối năm 2018. Để làm được điều này, ngoài thông tin hỗ trợ tốt thì yếu tố quyết định là dòng tiền, hiện thanh khoản vài phiên gần đây có cái thiện khi khối lượng giao dịch trên HOSE đã vượt trên 20.000 tỷ đồng/phiên, nhưng còn khá xa so với mức cao là trên 30.000 tỷ đồng/phiên.
Điều tạo ra hy vọng lúc này là nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán đã có giai đoạn tích lũy khá dài 4-5 tháng, nếu có thêm các thông tin khả quan tới từ mùa đại hội thì rất có thể kỳ vọng một nhịp tăng mới đang đến gần.
Chốt phiên, sàn HOSE có 222 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index giảm 4,08 điểm (-0,27%), xuống 1.498,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 784,9 triệu đơn vị, giá trị 24.833,5 tỷ đồng, giảm gần 9% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,1 triệu đơn vị, giá trị 1.179,7 tỷ đồng.
Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng là gánh nặng lớn nhất đối với chỉ số, trong đó, đầu tàu VCB tác động hơn 1,6 điểm tiêu cực đến VN-Index khi giảm 1,6% xuống 83.500 đồng.
Các mã khác trong nhóm ngoài HDB và TPB may mắn nhích nhẹ 0,4% và 0,1%, thì còn lại đều giảm, dù biên độ chỉ ở mức thấp, như MBB -0,3%, TCB -0,6%, BID -0,6%, VPB -0,8%, CTG và ACB giảm 0,9%, STB -1%. Các mã vốn hóa nhỏ hơn MSB, LPB, SSB, EIB cũng giảm và chỉ còn OCB +0,6% lên 26.450 đồng.
Ngoài ra, một bluechip khác cũng góp phần kéo lùi VN-Index là VHM, khi giảm 1,9% xuống 75.700 đồng và cũng như VCB, khi “góp” hơn 1,6 điểm đỏ đến VN-Index. Các bluechip kết phiên giảm điểm cũng còn không ít, như VRE, MSN, FIT, VIC, HPG, GVR, POW, dù mức giảm cũng chỉ ở mức thấp.
Ở chiều ngược lại, PDR là mã tăng tốt nhất +4% lên 93.900 đồng, tiếp theo là VJC +2,1% lên 144.000 đồng, PNJ +1,8% lên 107.000 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HQC bật lên, dù không chạm tới mức giá trần, mức cao nhất ngày, nhưng vẫn tăng mạnh +5,7% lên 10.250 đồng, khớp lệnh cao nhất toàn thị trường và bỏ xa phần còn lại với hơn 49,9 triệu đơn vị.
Đáng kể khác là bộ ba cổ phiếu nhà An Phát, với AAA, APH và HII, khi đều đã đóng cửa ở mức giá trần tại 19.350 đồng, 28.750 đồng và 15.200 đồng. Trong đó, AAA và APH thuộc top khớp lệnh cao nhất sàn với 19,72 triệu và 14,75 triệu đơn vị.
Ngoài ra, ở một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng như BCG, UDC, QCG, NVT, VGC, PTC, OGC cũng khởi sắc khi đóng cửa ở mức giá trần, với BCG khớp tới hơn 15,1 triệu đơn vị, VGC khớp 3,5 triệu đơn vị, QCG khớp 2,3 triệu đơn vị…
Những cổ phiếu khác trong nhóm này có mức tăng khá với thanh khoản tốt còn phải kể đến DRH +2,7% lên 21.050 đồng, HBC +3% lên 29.500 đồng, DLG +3% lên 8.340 đồng, VNE +3,1% lên 18.500 đồng, TDC +3,3% lên 24.850 đồng, PC1 +3,4% lên 46.200 đồng, IJC +3,8% lên 30.100 đồng, FCN +4,1% lên 28.100 đồng, TCD +5,1% lên 26.750 đồng, khớp từ hơn 1 triệu đến hơn 8,77 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu DXG, ROS, LDG, NLG, SCR, LCG, TCH, HHS, HHV, KHG, HAR…cũng kết phiên tăng điểm, dù chỉ tăng trên dưới 1%, khớp từ 2,39 triệu đến 21,8 triệu đơn vị.
Cặp đôi HAG và HNG hạ nhiệt, trong đó, HAG chỉ còn +1,5% lên 13.350 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai toàn sàn với 26,8 triệu đơn vị, HNG +0,5% lên 10.100 đồng, khớp 9,2 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, gần như không có nhóm ngành nào giảm quá sâu, dù sắc đỏ không ít tại FLC, ITA, GEX, CII, ASM, JBC, VIX, PVD, HAI, IDI, DIG, DGC…khớp từ 3,43 triệu đến 12,97 triệu đơn vị, riêng FLC khớp hơn 26,2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index phần lớn thời gian giao dịch trong phiên chiều ở dưới sắc đỏ, nhưng đột ngột tăng thẳng đứng lên vùng giá xanh ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 124 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index tăng 0,7 điểm (+0,15%), lên 462,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 116,3 triệu đơn vị, giá trị 3.719 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,43 triệu đơn vị, giá trị 331,8 tỷ đồng.
Đà tăng của chỉ số được ủng hộ bởi đà tăng mạnh về cuối phiên của KSF, cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai trên sàn. Đóng cửa, KSF tăng kịch trần +10% lên 119.200 đồng.
Bên cạnh đó là VCS, khi cũng có mức tăng mạnh 7,3% lên 114.500 đồng, IDJ +4,9% lên 32.400 đồng, IDC +2,3% lên 75.000 đồng, BCC +5,4% lên 25.200 đồng.
Các mã khác như PVS, TNG, LIG, DL1, DST, PVL, PVC tăng điểm, trong khi CEO, SHS, TVC, BII, APS, AMV, SRA kết phiên giảm, dù đa số chỉ tăng hoặc giảm với biên độ thấp.
Tuy nhiên, sự chú ý dồn vào HUT, khi áp lực bán gia tăng khiến mã này trở lại mức giá sàn -9,8% xuống 40.500 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với 10,1 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nhanh chóng bật tăng lên trên tham chiếu ngay khi bước vào phiên chiều và tiếp tục tịnh tiến lên các mức cao hơn cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,69 điểm (+0,59%), lên 117,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 1.303,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 225,7 tỷ đồng.
Hai PXL và SSN nổi bật, khi kết phiên ở giá trần tại 18.100 đồng và 15.400 đồng, thanh khoản tương đối cao với lần lượt 2,09 triệu và 0,85 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tại những mã khác, VHG, BSR, VGT, PAS, BOT, G36, OIL, KHB, MSR tăng điểm, còn C4G, SSB, LMH, TCI, BVB kết phiên dưới tham chiếu.
Trong đó, VHG khớp lệnh cao nhất với 6,78 triệu đơn vị, tăng 0,9% lên 11.100 đồng, BSR theo sau với hơn 4,2 triệu đơn vị, tăng 0,7% lên 27.000 đồng.
Trên thị trường phái sinh, duy nhất VN30F2205 kết phiên tăng điểm, còn lại đều giảm, trong đó, VN30F2204 đáo hạn gần nhất giảm 3,2 điểm (-0,21%), xuống 1.494 điểm, khớp lệnh hơn 122.300 đơn vị, khối lượng mở hơn 29.900 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao trùm, với CVHM2111 giao dịch sôi động nhất với 1,64 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 22% xuống 140 đồng/cq, mã CHPG2203 khớp hơn 1,31 triệu đơn vị cũng giảm, mất 3% xuống 1.620 đồng/cq.
Nguồn TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-chieu-24-3-hut-hoi-vn-index-ve-lai-duoi-1-500-diem-post293751.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức