Giao dịch chứng khoán sáng 10/1: Dòng tiền chảy mạnh, cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục dậy sóng
Dù có chút rung lắc, nhưng với việc dòng tiền chảy mạnh, VN-Index đã lấy lại đà tăng để lên test lại vùng đỉnh cũ 1.535 điểm. Đặc biệt, sức nóng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Sau một năm thành công với nhiều con số xác lập kỷ lục như điểm số, thanh khoản, số tài khoản nhà đầu tư lập mới, thị trường chứng khoán Việt tiếp tục có tuần chào năm mới 2022 tích cực. Mặc dù chưa có sự trở lại của các nhóm cổ phiếu trụ cột như bank – chứng – thép, nhưng dòng tiền vẫn hoạt động sôi động giúp chỉ số VN-Index vượt xa ngưỡng kháng cự mạnh 1.500 điểm và tiếp tục xác lập đỉnh lịch sử mới.
Mặc dù trong phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 7/1), chỉ số VN-Index dập dìu và đóng cửa giảm điểm nhẹ, nhưng thanh khoản vẫn ở mức cao, cho thấy thị trường chưa tác động để có sự thay đổi lớn về xu hướng. Thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.530-1.550 điểm (Fib 161,8% sóng điều chỉnh 4).
Bước sang phiên giao dịch đầu tuần hôm nay (10/1), nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng thị trường, ngoại trừ VIC tỏ ra mạnh mẽ thì nhóm VN30 vẫn chìm trong sắc đỏ với đa số mã, thanh khoản tiếp tục suy giảm khiến VN30-Index nhiều điểm còn thấp hơn chỉ số chung thị trường VN-Index.
Khi sắc đỏ đang chiếm chủ đạo trong các nhóm cổ phiếu trụ cột bank – chứng – thép, thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sắc tím đang nở rộ với nhiều sắc tím.
Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu họ FLC. Các mã FLC, ROS, AMD, HAI đồng loạt kéo trần ngay từ đầu phiên, trong đó FLC và ROS đang nằm trong top 3 mã có thanh khoản cao nhất sàn HOSE, lần lượt khớp 27,5 triệu đơn vị và hơn 20 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch, còn AMD và HAI cũng khớp hơn 4 triệu đơn vị với lượng dư mua trần chất đống.
Bên cạnh đó, nhiều mã vừa và nhỏ khác trong nhóm bất động sản, xây dựng như HQC, SCR, LDG, VPH, NBB, PHC, QCG… cũng lần lượt khoe sắc tím.
Nhiều cảnh báo được đưa ra về tình trạng tăng trần hàng loạt ở nhiều mã vừa và nhỏ, nhưng thị trường có lý lẽ riêng và dòng tiền mới quyết định cuộc chơi. Khi số đông nhà đầu tư vẫn tin vào những cơ hội đang được mở ra với nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng nhờ đầu tư công, gói kích thích kinh tế thì dòng tiền vẫn tập trung vào đó.
Tất nhiên, cuộc vui nào rồi cũng tàn, nhưng khi "bữa tiệc" còn tiếp diễn, cứ vui đi đã!
Thị trường vẫn chia làm hai trạng thái, một bên là VN-Index giằng co do sức ép bởi áp lực phân hóa ở nhóm bluechip, một bên là dòng tiền sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mà chủ yếu là các mã bất động sản, xây dựng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 192 mã tăng và 246 mã giảm, VN-Index tăng 5,64 điểm (+0,37%), lên 1.534,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 736 triệu đơn vị, giá trị 22.086,4 tỷ đồng, tăng hơn 26% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng ngày cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,57 triệu đơn vị, giá trị 669 tỷ đồng.
Nhóm bluechip phiên này đáng kể nhất là cặp đôi nhà Vin là VIC và VRE. Trong đó VRE là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 với mức tăng 3,7% lên 36.050 đồng, còn VIC là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 2 điểm tích cực, và kết phiên tăng 2% lên 104.200 đồng.
Đáng chú ý khác là cặp đôi ngân hàng STB và TPB, khi tăng hơn 2% lên 32.650 đồng và 41.800 đồng.
Nhích lên còn có HPG +1,6%, BID +1,5%, POW +1,2%, còn lại chỉ tăng nhẹ như VPB, VHM, PDR, CTG, VNM…
Ở chiều ngược lại, KDH là mã giảm mạnh nhất -2,3% xuống 55.300 đồng, VCB -1,4% xuống 78.700 đồng, còn lại 16 cổ phiếu khác giảm nhẹ trên dưới 1% như SSI, BVH, SAB, VJC, ACB, PNJ, GAS…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt sắc tím được thiết lập và như nhiều phiên gần đây với các mã thuộc nhóm ngành bất động sản, xây dựng là phần lớn như SCR, LDG, FCN, TIP, NHA, HQC, NBB, QCG, DRH, SGR, PHC, VPH, TEG…
Không có sắc tím, nhưng cũng mức tăng mạnh là CII, KSB, TNI, ITC, TDC, DXG, DLG, CCI, CTI, LCG, ITA, IJC, TCH, FLC, ROS, FCM, BCG, DIG, với mức tăng từ 3,6% đến 6,6%.
Trong đó, FLC phiên này thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 55,3 triệu đơn vị khớp lệnh, ROS khớp 29,2 triệu đơn vị, HQC khớp 22,8 triệu đơn vị, ITA khớp hơn 16,6 triệu đơn vị, TCH khớp hơn 13,1 triệu đơn vị…
Các mã GEX, VCG, FIT, KBC, HBC, SAM, IDI, HAR, CRE cũng kết phiên trong sắc xanh, dù mức tăng thấp hơn, khớp từ 1,38 triệu đến hơn 13 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, cặp đôi HAG-HNG phiên này cũng bùng nổ, với HAG tăng kịch trần +7% lên 15.300 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau FLC với hơn 49 triệu đơn vị, còn HNG +4,2% lên 13.650 đồng, khớp 20,6 triệu đơn vị.
Hai cổ phiếu liên quan đến FLC là AMD và HAI cũng đã vọt lên mức giá trần tại 10.950 đồng và 10.500 đồng, khớp trên dưới 5 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, cặp đôi ngành phân bón DCM và DPM giảm mạnh, với DCM -5,6% xuống 33.150 đồng, khớp gần 8,5 triệu đơn vị, DPM -3,1% xuống 45.400 đồng.
Một số cổ phiếu bị chốt lời và giảm khá sâu như DGC -4,7% xuống 146.000 đồng, PSH -4% xuống 23.000 đồng, SSB -3,9% xuống 40.800 đồng, KHP -3,4% xuống 22.450 đồng, CKG -3,4%, DAG -3,4%, TGG -3,1%...
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu lớn, trong đó không ít mã bất độn sản, xây dựng tăng mạnh tiếp tục nâng đỡ HNX-Index từ khá sớm trước sức ép ở những nơi khác.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 110 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index tăng 5,03 điểm (+1,02%), lên 498,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 101,3 triệu đơn vị, giá trị 2.858,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,42 triệu đơn vị, giá trị 70,4 tỷ đồng.
Nhóm ba cổ phiếu bất động sản là trụ đỡ chính cho chỉ số là IDC +4,7% lên 81.700 đồng, và L14 tăng kịch trần +10% lên 408.300 đồng và CEO +5,4% lên 97.500 đồng, dù có thời điểm CEO đã lùi về mức giá sàn.
Hàng loạt cổ phiếu khác với thanh khoản cao và tăng mạnh trên sàn đáng kể như ART +3,9% lên 18.800 đồng, khớp 3,81 triệu đơn vị, PVL +5,7% lên 20.300 đồng, TTH +7,8% lên 9.700 đồng, khớp 2,54 triệu đơn vị, KVC +7% lên 9.200 đồng, PLC +9,6% lên 49.000 đồng, khớp 1,54 triệu đơn vị.
Cùng với đó là sắc tím tại KLF, KSQ, HOM, SD6, VC7, SDT…trong đó, KLF thanh khoản cao nhất sàn với 13,74 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trái lại, SHS và PVS là hai đại diện giảm giá đáng chú ý nhất, với khối lượng khớp lệnh chỉ đứng sau KLF với 5,63 triệu và 4,69 triệu đơn vị, dù giá chỉ giảm nhẹ hơn 1%.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau hơn 30 phút giữ sắc xanh đã chìm dần về tham chiếu sau đó, mặc dù mức giảm cũng không lớn.
Cổ phiếu VHG đang hút mạnh dòng tiền do có tin đồn một tập đoàn mua 35% cổ phần, với khối lượng giao dịch tăng mạnh và phiên này khớp hơn 13,75 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM và giá cổ phiếu tăng kịch trần +14,6% lên 14.100 đồng.
Những cổ phiếu khác cũng hút nhà đầu tư như PFL +4,8%, NED +7,3%, LMH +12,6%, CDO +13,2%, SDD +11,1%, khớp từ 1,17 triệu đến 2,55 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR mất 2% xuống 23.900 đồng, khớp hơn 6,29 triệu đơn vị, VGT -0,7% xuống 29.800 đồng, khớp 3,56 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,22%), xuống 115,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,8 triệu đơn vị, giá trị 1.452,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,26 triệu đơn vị, giá trị 19,5 tỷ đồng.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-10-1-dong-tien-chay-manh-co-phieu-vua-va-nho-tiep-tuc-day-song-post289089.html
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán