Giao dịch chứng khoán sáng 11/3: Nhóm trụ cột gây sức ép, cổ phiếu gỗ "bùng cháy"
Trong khi các nhóm cổ phiếu trụ cột như bank - chứng - thép nhanh chóng hạ nhiệt, tạo sức ép lớn khiến thị trường quay đầu điều chỉnh, thì vẫn có những nhóm ngành đi ngược xu hướng, điển hình là nhóm cổ phiếu gỗ và phân bón.
Thị trường vừa trải qua phiên giao dịch khá biến động khi mở cửa tăng vọt trong bối cảnh thị trường toàn cầu cũng như trong khu vực đều bứt mạnh, nhưng đà tăng dần thu hẹp về cuối phiên do áp lực bán chốt lời mạnh đến từ việc giá dầu giảm mạnh cũng như áp lực chốt lời đối với nhóm cổ phiếu hàng hóa. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thanh khoản sụt giảm khá mạnh cho thấy tín hiệu cầu khá yếu.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn MA5, MA10, MA20 và MA50 ngày, kèm thanh khoản ở mức thấp là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang mạnh lên, và đà hồi phục có phần chững lại.
Dự báo xu hướng thị trường trong phiên cuối tuần ngày 11/3, Yuanta Việt Nam cho rằng, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh nhẹ hoặc biến động hẹp trong biên độ 1.470 – 1.490 điểm.
Quay lại phiên giao dịch sáng 11/3, áp lực bán diễn ra trên diện rộng toàn thị trường khiến VN-Index nhanh chóng mất điểm ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, áp lực không quá lớn nên chỉ số này không giảm quá sâu và khi lùi về gần mốc 1.470 điểm sau khoảng 25 phút mở cửa, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên.
Ngưỡng 1.480 điểm đang trở thành ngưỡng kháng cự khó chịu của VN-Index trong ngắn hạn khi thị trường liên tiếp có những phiên giao dịch thất bại mỗi lúc test lại ngưỡng này.
Thị trường dần thu hẹp đà giảm và hồi phục sắc xanh, và tiếp cận mốc 1.480 điểm. Tuy nhiên, ngay khi chạm kháng cự này, chỉ số VN-Index đã giật lùi về dưới mốc tham chiếu do áp lực bán luôn thường trực.
Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn yếu thế, trong đó cổ phiếu đáng chú ý là VNM tiếp tục có phiên khởi sắc thứ 2 liên tiếp. Hiện VNM đang là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 với mức tăng trên dưới 1,5%.
Xét về nhóm ngành, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép khá yếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép và chứng khoán hầu hết đều phủ kín sắc đỏ, ngoại trừ điểm sáng ngành là VND sau phiên tăng trần hôm qua đã tiếp tục tăng vọt trong phiên hôm nay và có thời điểm tăng kịch trần. Sau hơn 1 giờ giao dịch, cổ phiếu VND tăng 5,65% lên mức 33.650 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt 21,76 triệu đơn vị.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu phân bón, sau phiên điều chỉnh do áp lực chốt lời hôm qua đã đồng loạt hồi phục như BFC tăng gần sát trần, DPM và DCM cùng tăng hơn 4%, VAF cũng lấy lại sắc xanh…
Điểm sáng trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu gỗ. Hàng loạt các mã trong ngành như GDT, GTA, TTF đều tăng kịch trần. Trong đó, TTF có thanh khoản khá tốt, chỉ đứng sau VND, đạt 9,75 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 3,2 triệu đơn vị.
Chỉ số VN-Index sau khi thử thách không thành với mốc 1.480 điểm đã quay đầu điều chỉnh do áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, ngưỡng 1.470 điểm vẫn đóng vai trò hỗ trợ tốt cho thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 173 mã tăng và 267 mã giảm, VN-Index giảm 3,74 điểm (-0,25%) xuống 1.475,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 460 triệu đơn vị, giá trị 14.430 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 19,65% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,6 triệu đơn vị, giá trị 329,2 tỷ đồng.
Trong rổ VN30, bên cạnh các mã ngân hàng, cổ phiếu VNM cũng đóng vai trò hỗ trợ tốt thị trường khi chốt phiên tăng 1,2% lên mức 78.000 đồng/CP. Ngoài ra còn có NVL nhích nhẹ chưa tới 0,5%.
Ở chiều ngược lại, PNJ là mã giảm nhất trong rổ này khi để mất 3,5%; tiếp theo là MSN giảm 2,7%, GAS giảm 2,4%, SAB giảm 1,9%, SSI giảm 1,8%...
Xét về nhóm ngành, dòng bank phân hóa nhẹ. Bên cạnh VCB, TCB, ACB, SSB, LPB giảm nhẹ trên dưới 0,5%, thì EIB là mã tăng tốt nhất với biên độ tăng 3,21%; tiếp theo là STB tăng 2%; BID, MBB, HDB tăng hơn 1%; CTG, VPB, SHB, OCB nhích nhẹ.
Ở nhóm chứng khoán, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo, chỉ trừ một vài điểm le lói sáng như BSI tăng 5% lên mức 43.300 đồng/CP, VND sau phiên tăng kịch trần ngày hôm qua do là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100:80 và bán ưu đãi tỷ lệ 1:1, giá bán 10.000 đồng/CP, đã giảm nhiệt sau thời gian ngắn đầu phiên giữ được sắc tím.
Chốt phiên sáng nay, VND tăng 4,1% và đứng ở mức gần thấp nhất phiên 33.150 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, dẫn đầu thị trường khi đạt 25,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép vẫn phủ đỏ khi lần lượt các mã lớn như HPG, HSG, NKG hay nhỏ hơn như POM, SMC, TLH đều giảm trên dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị chốt lời mạnh, trong đó PVD giảm 4,6% xuống mức 37.000 đồng/CP, GAS giảm 2,4% xuống 115,600 đồng/CP.giảm 1,1% xuống 60.600 đồng/CP, PXS, PGD, CNG đều giảm hơn 2%...
Trái lại, nhóm cổ phiếu phân bón tiếp tục duy trì đà tăng tốt sau nhịp nghỉ hôm qua, với DCM tăng 4,8%, DPM tăng 5,63%, BFC tăng sát trần với biên độ 6,87%, VAF tăng 5,82%.
Ở nhóm cổ phiếu gỗ, GTA, PTB, TTF vẫn trong trạng thái dư mua trần, đáng kể là TTF khớp 10,33 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 3,13 triệu đơn vị, GDT tăng 6,5% lên sát mức giá trần 57.000 đồng/CP.
Trên sàn HNX, thị trường cũng nhanh chóng đảo chiều giảm sau ít phút le lói sắc xanh đầu phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 99 mã tăng và 134 mã giảm, HNX-Index giảm 1,93 điểm (-0,43%) xuống 445,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 99 triệu đơn vị, giá trị 2.276,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,63 triệu đơn vị, giá trị 19,16 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 là nhân tố chính khi để mất gần 6,5 điểm và chốt phiên xuống mốc 808 điểm với việc ghi nhận 10 mã tăng và 18 mã giảm.
Trong đó, NRC là mã tăng tốt nhất khi bật cao và chốt phiên sáng nay đứng ở mức giá trần 24.900 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã tăng tốt khác như VCS tăng 5,4% lên 110.500 đồng/CP. LAS tăng 3,8% lên 24.600 đồng/CP, TNG tăng 1,8%, TAR tăng 1,5%...
Trái lại, những mã thuộc họ P đang ghi nhận mức giảm sâu như PVC giảm 9,1% xuống gần mức giá sàn 29.800 đồng/CP, PVB giảm 5,5% xuống 25.800 đồng/CP, PVS giảm 3,1% xuống 37.000 đồng/CP. Trong đó, PVS có mức thanh khoản tốt nhất sàn HNX với gần 12,88 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các mã giảm mạnh khác như NBC giảm 5%, BVS giảm 2,8%, hay SHS, CEO, IDV, NTP, MBS đều giảm hơn 1%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã đã và đang tăng trần hoặc có mức tăng tốt với thanh khoản sôi động như KVC tăng 5,8% lên mức 9.100 đồng/CP và khớp 6,86 triệu đơn vị, BII tăng 1,9% lên 15.900 đồng/CP và khớp 5,75 triệu đơn vị, KLF tăng 3,1% lên 6.700 đồng/CP và khớp hơn 3,7 triệu đơn vị ACM tăng trần và khớp hơn 4,2 triệu đơn vị, VHE tăng trần và khớp hơn 2 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường thu hẹp đà tăng về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,35%), lên 115,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 87,62 triệu đơn vị, giá trị 1.245,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 15 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí trên UPCoM cũng chịu áp lực bán ra, trong đó PVX giảm 7,9% xuống mức 7.000 đồng/CP và khớp hơn 6 triệu đơn vị, BSR giảm 1,4% xuống 27.800 đồng/CP và khớp 5,54 triệu đơn vị, OIL giảm 1,4% xuống 20.400 đồng/CP và khớp 1,66 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu vừa và nhỏ HVG giao dịch sôi động với 6,56 triệu đơn vị được giao dịch thành công và chốt phiên tăng 9,5% lên sát mức giá trần 4.600 đồng/CP.
Cổ phiếu phân bón DDV vẫn duy trì đà tăng khởi khi chốt phiên đứng tại mức giá 33.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,32 triệu đơn vị.
Tân binh GEE đã có dấu hiệu chốt lời khi để mất sắc tím. Hiện GEE tăng 3,9% và đứng ở mức 48.000 đồng/CP, khớp lệnh gần 0,85 triệu đơn vị.
Theo TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-11-3-nhom-tru-cot-gay-suc-ep-co-phieu-go-bung-chay-post292690.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức