Giao dịch chứng khoán sáng 28/3: Họ FLC bị bán tháo, cổ phiếu thủy hải sản lội ngược dòng
Tin đồn đã kích hoạt áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, trong đó nhóm cổ phiếu nhà FLC đồng loạt bị bán tháo ngay từ khi mở cửa với lượng dư bán sàn chất đống.
Thị trường vừa trải qua tuần dao động trong biên độ hẹp dưới áp lực từ nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi nhóm midcap và smallcap vẫn duy trì mạch tăng. Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index vẫn giữ cây nến tăng giá tích cực dạng Bullish Enguffling và tăng tốt trở lại so với giai đoạn trước đó đi kèm thanh khoản gia tăng.
Hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đưa ra những nhận định khá tích cực về xu hướng tích lũy của thị trường để chuẩn bị cho giai đoạn tăng điểm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những dự báo trên đã hoàn toàn sụp đổ trước những tin đồn. Thị trường bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 28/3 không mấy khả quan khi những tin đồn liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Cũng như những lần trước đó, tâm lý đám đông chi phối mạnh trên thị trường. Bên cạnh nhóm cổ phiếu họ FLC gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF dư bán sàn chất đống, các cổ phiếu lớn bé trên thị trường cũng đồng loạt chịu áp lực bán và mở cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, lực bán tháo đã không diễn ra trên diện rộng. Trong số trên dưới 300 mã giảm điểm, gấp khoảng 3 lần số mã tăng, chỉ có chưa tới 10 mã nằm sàn. Chỉ số VN-Index biến động quanh vùng giá 1.490 điểm.
Sau khoảng khoảng 1 giờ giao dịch, lực bán mạnh dâng cao khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm và xuyên thủng mốc 1.485 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là mốc hỗ trợ khá tốt cho thị trường. Lực cầu sôi động đã nhanh chóng nhập cuộc giúp thị trường bật ngược đi lên.
Bộ tứ họ FLC trên sàn HOSE vẫn trong trạng thái bị xả bán ồ ạt. Trong đó, ROS và FLC đang dư bán sàn trên dưới 60 triệu đơn vị, còn AMD dư bán sàn hơn 13 triệu đơn vị và HAI dư bán sàn gần 8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, vẫn có những nhóm cổ phiếu giao dịch thành công đi ngược xu hướng thị trường. Điển hình là nhóm cổ phiếu thủy sản, với ACL, IDI và CMX xoay quanh mức giá trần, ASM tăng hơn 5% và có thời điểm áp sát giá trần, VHC tăng 3,8%…
Nhóm cổ phiếu phân bón không tăng tốc mạnh nhưng cũng đồng loạt có được sắc xanh như DCM, DPM, BFC tăng trên dưới 2%, TSC tăng kịch trần…
Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường giật lùi, chỉ số VN-Index đã không giữ được vùng hỗ trợ 1.485 điểm khi chốt phiên. Tuy nhiên, hiện tượng bán tháo đã không diễn ra nhờ lực cầu tham gia tích cực. Trên bảng điện tử, số mã nằm sàn khá ít, chỉ với họ FLC và một số mã nóng như HQC, DLG.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 125 mã tăng và 325 mã giảm (6 mã giảm sàn), VN-Index giảm 13,94 điểm (-0,93%), xuống 1.484,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 470,6 triệu đơn vị, giá trị 14.123 tỷ đồng, cùng tăng 24% cả về khối lượng và 9giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 25/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32 triệu đơn vị, giá trị 964,8 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh, trong đó MWG là mã tăng tốt nhất đạt 3,5% lên mức 143.800 đồng/CP, FPT tăng 2,3% lên 97.900 đồng/CP, PNJ tăng 1,7% lên 110.000 đồng/CP và cặp dầu khí là GAS cùng PLX đều tăng 0,7%.
Trái lại, có tới 23 mã mất điểm và hầu hết đều giảm hơn 1%, đáng kể là cặp đôi cổ phiếu ngân hàng BID và STB cùng giảm hơn 3%. Các mã lớn như VHM, VNM, MSN, SAB, GVR, NVL cùng giảm hơn 1%.
Bên cạnh bluechip, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chứng kiến áp lực xả bán mạnh ở một số mã nóng. Trong đó, với những tin đồn trên thị trường, nhóm cổ phiếu họ FLC đồng loạt nằm sàn khi trong trạng thái bị bán mạnh và thanh khoản sụt giảm.
Cụ thể, FLC chỉ khớp hơn 4 triệu đơn vị và dư bán sàn tới hơn 64,4 triệu đơn vị, ROS khớp 3,63 triệu đơn vị và dư bán sàn 58,55 triệu đơn vị, AMD khớp 2,39 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 13,9 triệu đơn vị, còn HAI khớp 2,74 triệu đơn vị và dư bán sàn 8,65 triệu đơn vị.
Ngoài ra, cổ phiếu nóng HQC sau những biến động mạnh trong tuần qua cũng đã nhanh chóng nằm sàn khi nhóm cổ đông lớn Công ty muốn thuê kiểm toán vào làm rõ các khoản nợ với vợ chồng Chủ tịch HĐQT cùng các cá nhân khác. Chốt phiên sáng nay, HQC giảm 6,9% xuống mức 9.400 đồng/CP và khớp hơn 34,34 triệu đơn vị cùng lượng dư bán sàn 4,68 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, dòng bank không có mã nào giữ được sắc xanh. Đồng loạt đều chốt phiên trong sắc đỏ, trong đó ngoài BID và STB giảm mạnh, các mã khác như MBB, SHB, VPB, SSB, MSB, VIB, TPB, OCB cùng giảm hơn 1%, LPB giảm hơn 2%.
Nhóm chứng khoán cũng không thoát khỏi xu hướng chung. Sắc đỏ bao trùm trên diện rộng, ngoại trừ duy nhất FTS lội ngược dòng thành công và có thời điểm được kéo lên sát trần. Chốt phiên, FTS tăng 3% lên mức 55.400 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động với khối lượng khớp lệnh vượt xa cả phiên giao dịch trong thời gian gần đây, đạt hơn 0,61 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép sau nhịp khởi sắc đầu phiên đã quay đầu điều chỉnh với biên độ giảm trên dưới 1%, trong đó NKG là mã duy nhất giữ được nhịp tăng khi chốt phiên tăng 1,1% lên 50.500 đồng/CP cùng thanh khoản tốt nhất ngành, đạt hơn 8,11 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thủy hải sản vẫn giữ sức nóng với ACL duy trì trạng thái tăng trần và dư mua trần 0,18 triệu đơn vị, AAM tăng 6,6% lên sát mức giá trần, IDI và CMX cùng tăng hơn 5%, FMC tăng gần 5%, VHC và ASM cùng tăng trên 3%.
Trên sàn HNX, áp lực bán trên diện rộng cùng sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechip cũng khiến thị trường nhanh chóng quay đầu giảm sau phút le lói sắc xanh ở đầu phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 72 mã tăng và 171 mã giảm, HNX-Index giảm 3,11 điểm (-0,67%), xuống 458,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,57 triệu đơn vị, giá trị 2.524 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 39,57 tỷ đồng.
Trong khi các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt mất điểm thì NVB lại lội ngược dòng ngoạn mục và khởi sắc trở lại sau 2 phiên điều chỉnh cuối tuần trước. Đây là một trong những má phanh giúp HNX-Index không giảm sâu khi chốt phiên NVB tăng 6,5% lên mức 37.800 đồng/CP.
Ngoài ra một số mã khác trong nhóm HNX30 giữ được sắc xanh như LHC tăng 2,4%, PVC tăng 2,1%, IDV, PVS và LAS cùng tăng hơn 1%, còn TNG, DDG, SLS tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, số mã giảm điểm gấp đôi số mã tăng với 18 mã giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, dù thoát sắc xanh mắt mèo nhưng CEO vẫn là mã giảm sâu nhất trong rổ HNX30 khi để mất 5,6% xuống mức 67.000 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 7,52 triệu đơn vị.
Tiếp theo là HUT giảm 4,3%, L14 giảm 3,8%, SHS và TVC cùng giảm 3,1%, IDC giảm 2,8%...
Đáng chú ý là cặp đôi nhà FLC gồm KLF và ART cũng bị bán tháo và nằm sàn. Trong đó, KLF khớp lệnh 5,43 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 14 triệu đơn vị, còn ART khớp gần 4 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 4 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường lùi sâu về cuối phiên do áp lực bán dâng cao.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,95 điểm (-0,81%), xuống 116,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47 triệu đơn vị, giá trị 981,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 112,17 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHG vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 6,7 triệu đơn vị nhưng không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường khi chốt phiên giảm 4,5% xuống mức 10.700 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng đồng loạt mất điểm với ABB giảm 3%, PGB giảm 1,3%, BVB giảm 1,5%, VAB giảm 0,7%, NAB giảm 0,5%...
Đáng chú ý là cổ phiếu CEN tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Chốt phiên, CEN tăng 13,3% và có thời điểm kéo trần với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 2 triệu đơn vị, đứng thứ 5 về thanh khoản trên thị trường.
Nguồn TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-28-3-ho-flc-bi-ban-thao-co-phieu-thuy-hai-san-loi-nguoc-dong-post294009.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức