Giao dịch chứng khoán sáng 5/5: Dòng tiền vẫn mất hút

Thứ năm, ngày 5 tháng 5 năm 2022 | 13:4

Bên cạnh lực cầu yếu, áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường "trượt chân" về dưới mốc tham chiếu.

Cũng như những phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ, phiên giao dịch ngày 4/5 diễn ra khá buồn tẻ với sự thanh khoản khá yếu, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong phiên chưa tới 14.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự thiếu quyết đoán ở lực cầu, trong khi lực cung cũng chưa quá mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường đóng cửa ở vùng giá thấp nhất trong ngày. Trong đó, chỉ số VN-Index để mất gần 20 điểm và thủng mốc 1.350 điểm.

Với diễn biến trên, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, kịch bản thị trường “sideways” có khả năng xảy ra cao. Theo KBSV, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp rung lắc trong những phiên tới, nhưng cơ hội hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao nếu điểm đỡ 1.320 (+/-10) điểm vẫn được giữ vững.

Quay lại phiên giao dịch sáng ngày 5/5, sau phiên giảm khá mạnh ngày hôm qua, hầu hết các cổ phiếu bluechip đã nhanh chóng hồi phục, là động lực chính giúp thị trường khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn hầu như đứng ngoài thị trường khi thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh. Sau gần 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng và chỉ số VN-Index cũng dần hạ độ cao khi nhóm VN30 đuối sức. Các mã tăng trong rổ này chủ yếu tăng với biên độ trên dưới 1%.

Tâm điểm đáng chú ý là anh cả nhóm bất động sản – VHM. Sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua và rung lắc nhẹ khi mở cửa phiên sáng nay, VHM đã tăng tốc mạnh mẽ. Hiện VHM đang tăng trên dưới 3%, là động lực dẫn dắt chính cho đà tăng của thị trường và thanh khoản cũng khá tốt khi khớp khoảng 1,2 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ FLC có diễn biến tích cực hơn sau phiên xả bán ngày hôm qua. Đặc biệt là FLC, dù mở cửa phiên sáng nay chất dư bán sàn vài triệu cổ nhưng lực cầu mạnh đã hấp thụ hết, thậm chí kéo cổ phiếu này vượt tham chiếu và có được sắc xanh. Hiện FLC chỉ điều chỉnh giảm nhẹ 1% với thanh khoản vượt trội, lên tới 17,7 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi cổ phiếu đứng thứ 2 là GEX khớp chưa tới 6,5 triệu đơn vị.

Sau nửa đầu phiên khởi sắc, thị trường đã trở nên rung lắc và VN-Index dần nới rộng biên độ giảm khi áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, khi giật lùi về gần vùng giá 1.340 điểm, lực cầu đã gia tăng giúp thị trường lấy lại trạng thái cân bằng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 108 mã tăng và 290 mã giảm, VN-Index giảm 0,85 điểm (-0,06%), xuống 1.347,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 278 triệu đơn vị, giá trị 7.455,7 tỷ đồng, giảm 9,27% về khối lượng và 7,32% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,87 triệu đơn vị, giá trị 273,57 tỷ đồng.

Nhóm VN30 trở nên phân hóa với số mã tăng giảm cân bằng. Trong 13 mã giảm, các mã STB, SSI, KDH, MWG giảm trên 1%, còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ.

Trái lại, có 14 mã trong nhóm này vẫn giữ được sắc xanh. Ngoại trừ TPB tăng khá tốt với biên độ tăng 4,2% và chốt phiên đứng tại mức giá 33.350 đồng/CP, các mã bluechip khác đều thu hẹp đà tăng, với BVH, VHM, CTG, MSN, GVR, GAS tăng hơn 1%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán cũng gia tăng khiến nhiều mã quay đầu điều chỉnh hoặc nới rộng biên độ giảm. Trong đó, FLC giảm 3,8% xuống 7.900 đồng/CP và vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 21,94 triệu đơn vị. Các mã khác như TSC, HAI, CIG, FIT, HQC, AMD, DRH… cũng giảm hơn 2-3%.

Xét về nhóm ngành, sau diễn biến tích cực đầu phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở nên phân hóa. Điểm sáng ngành là TPB tăng 4,22%, ngoài ra có CTG, EIB và VIB cùng tăng hơn 1%; cặp VCB và BID tăng nhẹ trên dưới 0,5%; trong khi đó VPB, TCB, HDB, STB, SSB, MSB, OCB điều chỉnh trong biên độ hẹp.

Trong khi đó, với bối cảnh thị trường kém tích cực thì nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn duy trì trạng thái giảm điểm. Sắc đỏ gần như phủ kín toàn ngành, ngoại trừ một số mã đơn lẻ như FTS, VIX kịp hồi nhẹ vào cuối phiên.

Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường với sắc đỏ bảo phủ. Đáng chú ý, sau phiên giảm sàn ngày hôm qua, cổ phiếu HSG tiếp tục bị bán mạnh trong phiên sáng nay và tạm chốt phiên giảm 4,6% xuống mức 25.150 đồng/CP. Trong khi đó, HPG chỉ giảm nhẹ 0,1%, còn NKG giảm 2,2%.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, VCG nhanh chóng hạ nhiệt sau phiên bùng nổ hôm qua. Có thời điểm VCG lùi về mốc tham chiếu và chốt phiên sáng nay, cổ phiếu này chỉ tăng nhẹ 1,3% lên mức 31.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,14 triệu đơn vị.

Cặp anh cả VIC và VHM có diễn biến ngược chiều nhau. Trong khi VIC điều chỉnh giảm nhẹ 0,13%, thì VHM vẫn giữ sắc xanh nhưng biên độ tăng đã thu hẹp, đạt 1,71% và chốt phiên đứng tại mức giá 65.600 đồng/CP, nhưng thanh khoản VHM đạt xấp xỉ cả phiên hôm qua, với hơn 2,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong nhóm ngành này, số mã giảm điểm cũng chiếm áp đảo với sự góp mặt của KDH, KBC, DXG, BCG, PDR, DIG, ITA, HQC…

Nhóm cổ phiếu nóng – thủy sản cũng đồng loạt quay đầu điều chỉnh do áp lực bán chốt lời tăng mạnh. Cụ thể, VHC giảm 2,4%, ACL giảm 5,9%, ANV giảm 2%, IDI giảm 3,58%...

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cuối phiên cũng khiến thị trường đảo chiều giảm điểm.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,99 điểm (-0,27%), xuống 359,98 điểm với 62 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,62 triệu đơn vị, giá trị 936 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ hơn 7,6 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 7 mã giữ sắc xanh, trong đó đáng kể là cổ phiếu lớn IDC tăng tốt nhất với biên độ 3,6% và chốt phiên sáng nay tại mức giá 58.100 đồng/CP.

Ngoài ra, PVC và PVS cùng tăng hơn 2,3%, BCC tăng 1,1% và THD, TNG, TAR nhích nhẹ khoảng 0,5%.

Ở chiều ngược lại, trong nhóm này có tới 21 mã giảm, như DTD giảm 4,5%, L14 giảm 3,7%, NRC giảm 3,2%, HUT giảm 3,1%, DXP giảm 2,6%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thành viên nhà FLC là KLF cũng thoát phiên giảm sàn nhờ lực cầu tăng mạnh, thậm chí có thời điểm khởi sắc xanh. Chốt phiên sáng nay, KLF đứng tại mốc tham chiếu 4.600 đồng/CP và khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản trên HNX là cổ phiếu PVS khớp xấp xỉ 7,55 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng rung lắc và chốt phiên trong sắc đỏ.

Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,2%), xuống 103,82 điểm với 110 mã tăng và 132 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,9 triệu đơn vị, giá trị 341,61 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Cổ phiếu dầu khí trên UPCoM cũng có diễn biến tích cực với BSR chốt phiên tăng 2,3% lên 22.300 đồng/CP và khớp 2,65 triệu đơn vị, còn OIL tăng 1,4% lên 14.000 đồng/CP và khớp gần 0,7 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản tốt đều mất điểm như C4G giảm 1,2%, VGT giảm 1,9%, VHG giảm 3,4% với khối lượng khớp hơn 1-2 triệu đơn vị.

 

 

 

Nguồn

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-5-5-dong-tien-van-mat-hut-post296856.html