Giao lưu “Mỗi tấm gương là một bông hoa đẹp”
Sáng 22-12, Trung tâm Thông tin - Truyền thông (Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương) tổ chức Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt “Mỗi tấm gương là một bông hoa đẹp”.
Ban tổ chức tặng hoa và biểu trưng cho các điển hình tiêu biểu tham gia giao lưu.
Dự chương trình giao lưu có 7 khách mời là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở''; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Chuyển đổi số; “Thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”…
Tại chương trình, các khách mời đã chia sẻ về những việc làm tốt đẹp, về sự sáng tạo, không ngại gian khó, nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Tiêu biểu, anh Nguyễn Minh Kiều (sinh năm 1984), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Song Ân (thành phố Hồ Chí Minh) là người dành nhiều tâm huyết phát triển các phần mềm cho ngành Y tế. Trong đó, nổi bật là sản phẩm Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis, đã đọat giải Ba cuộc thi “Y tế thông minh 2018”, giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019”.
Hiện hệ thống sản phẩm phần mềm của Song Ân đã và đang được tin dùng ở 5 tỉnh, thành phố; hơn 50 bệnh viện; hơn 1.000 phòng khám và trạm y tế xã, phường; hơn 5.000 nhà thuốc và 3 viện dưỡng lão trên cả nước, hỗ trợ tối ưu công tác khám, chữa bệnh.
Lựa chọn khởi nghiệp ở tỉnh Điện Biên, anh Nguyễn Minh Kiều chia sẻ: “Khởi nghiệp thì phải có vốn. Vốn không chỉ là tiền mà còn là kiến thức, kinh nghiệm quản trị rồi lựa chọn lĩnh vực mình đam mê".
Các khách mời tham gia giao lưu.
Đó là gương anh Lại Văn Hiệp (sinh năm 1988), một người dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong nghiên cứu, khởi nghiệp sản xuất và xuất khẩu than trắng cao cấp theo công nghệ Nhật Bản, mang thương hiệu KyoBin. Thế mạnh trong sản xuất than của công ty là sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC là cây bạch đàn thuộc nhóm ngành năng lượng tái tạo bền vững thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí CO2.
Anh Hiệp là người thành lập doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất (Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông) thuộc lĩnh vực than củi Việt Nam được Hiệp hội Doanh nghiệp than củi Nhật Bản tín nhiệm về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Hiện, doanh nghiệp có quy mô 100 lao động; sản xuất và tiêu thụ khoảng 2.000 tấn than trắng, 1.300 tấn than đen sang nhiều thị trường nước ngoài mỗi năm, như: Nhật Bản, Mỹ, Malaysia và Australia.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền có hơn 22 năm giảng dạy bộ môn hóa học tại Trường THCS Quang Trung, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo về nội dung và phương pháp dạy học, góp phần bồi dưỡng niềm đam mê, yêu thích bộ môn hóa học trong các thế hệ học sinh.
Cô đã chắp cánh cho nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tính từ 2017 đến nay, trong đội tuyển học sinh giỏi hóa cấp thành phố, do cô cùng 2 thầy, cô khác giảng dạy, có 70 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
“Tôi kỳ vọng học sinh sau này sẽ vận dụng được những kiến thức bộ môn hóa Học để giải quyết những vấn đề trong đời sống và sản xuất. Đó là động lực để tôi luôn cố gắng tạo ra thế hệ trẻ có tri thức, có năng lực chuyên sâu với bộ môn hóa học, giúp các em có định hướng nghề nghiệp tương lai, từ đó các em góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đất nước”, cô giáo Huyền chia sẻ.
Chương trình còn được nghe nhiều chia sẻ bình dị mà đáng quý từ các khách mời, như: Ông Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình - tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi với quy mô lớn; chị Bùi Thị Lan Phương, gần 1 thập kỷ với vai trò là “thủ lĩnh” phong trào chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, Hà Nội, luôn tìm đến sẻ chia, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; anh Nguyễn Tiến Huy, Đặng Đình Mạnh (Nhóm tình nguyện Hà Nội xanh) tích cực vừa làm vừa tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống...
Phát biểu tại chương trình giao lưu, Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng trung ương Phan Văn Hùng nhấn mạnh: Việc phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ gương người tốt - việc tốt, mà còn là biện pháp tổ chức thực tiễn khoa học, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy các phong trào thi đua tiếp tục đổi mới và phát triển.
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3